Trong những bữa tiệc cuối năm, các món ăn làm từ nội tạng động vật luôn được nhiều người ưa thích. Nội tạng động vật bao gồm các cơ quan tim, phổi, gan, dạ dày, bầu dục, ruột,...
Đây là loại thực phẩm nhiều đạm, bổ dưỡng nhưng cũng có thể gây hại cho sức khỏe nếu chế biến không đảm bảo vệ sinh.
Ăn nội tạng động vật cũng cần hạn chế, nhất là với đối tượng dưới đây.
Theo bác sĩ, một số lợi ích nội tạng động vật đem lại đó là cung cấp sắt, mang lại cảm giác no lâu hơn, duy trì khối lượng cơ bắp của cơ thể, cung cấp choline cho cơ thể.
Nội tạng động vật có chứa nhiều đạm, axit bão hòa, cholesterol. Khi cơ thể hấp thụ nhiều các chất này gây ra các bệnh lý về thành mạch – xơ cứng thành mạch (đặc biệt mạch vành), cao huyết áp. Vì vậy một số đối tượng nên hạn chế sử dụng loại thịt này.
Do đó, các khuyến cáo cho thấy người lớn chỉ nên ăn nội tạng động vật 2-3 bữa/tuần, tương đương 50-70 g mỗi lần. Trẻ em ăn 1-2 bữa/tuần, tương đương 30-50 g. Ngoài ra, nếu bạn bị gout thì nên tiết chế bởi các loại thịt nội tạng đặc biệt chứa nhiều purin, ăn nhiều nguy cơ tăng axit uric, khiến bệnh nặng.
Phụ nữ mang thai cũng cần lưu ý khi sử dụng nội tạng động vật. Một số nghiên cứu cho thấy khi tiêu thụ hơn 10.000 IU vitamin A mỗi ngày từ thực phẩm nguy cơ có con bị dị tật bẩm sinh cao hơn những bà mẹ tiêu thụ 5.000 IU hoặc ít hơn mỗi ngày khoảng 80%.
Ngoài ra, người cao tuổi, người béo phì, mắc bệnh tim mạch không nên ăn nội tạng động vật.
Cần lưu ý nội tạng rất dễ nhiễm khuẩn, vì vậy khi mua về cần chế biến ngay để tránh tình trạng ôi thiu, nhiễm khuẩn, nên dùng chanh, giấm, muối hạt làm sạch ruột non, dạ dày.
Với những bộ phận khác như tim, gan, bầu dục thì nên cắt bỏ phần hôi, nặn hết máu đọng, trần qua nước sôi trước khi sử dụng.
Chuyên gia khuyên, khi ăn, nên lựa chọn các nội tạng còn tươi từ động vật không bị bệnh. Bạn hãy nấu chín kỹ, không nên ăn tái, ngay cả khi đã nấu chín, nếu không sử dụng hết, lượng nội tạng thừa cũng nên bỏ đi, không nên ăn sau khi đã để qua đêm vì rất dễ nhiễm khuẩn trở lại và gây ngộ độc cho bạn.