Tuy nhiên, bên cạnh các loại bánh của doanh nghiệp có uy tín, vẫn còn nhiều sạp bán các mặt hàng bánh trung bị lỗi, bánh trung bị hết hạn sử dụng, bánh trung thu không rõ nguồn gốc được bày bán với giá rất rẻ.
Rất nhiều doanh nghiệp điêu đứng như bánh trung thu Kinh Đô, bánh trung thu Bibica, bánh trung thu Đồng Khánh…bị tố bán bánh trung thu mốc, bánh trung thu hết hạn, bị lỗi và qua đó gây hoang mang cho người tiêu dùng. Lý do từ đâu?
Tại khu chợ Bình Tây, Kim Biên (TP.HCM), khách hàng dễ dàng mua được những chiếc bánh Trung thu với nhân đủ loại, có giá từ 10.000 đến 20.000 đồng /chiếc (trong khi các hãng tên tuổi bán với giá thấp nhất 60.000 đồng/bánh trung thu loại nhỏ). Tương tự, trên đường Nguyễn Văn Linh (quận 7), Kha Vạn Cân (quận Thủ Đức), nhiều bánh Trung thu kém chất lượng cũng được bán với giá rất bèo chỉ dao động 11 đến 12.000đ/bánh. Tại đường Hoàng Văn Thụ, một xe tải nhẹ chất đầy bánh trung thu rởm cũng được giới thiệu là sản xuất và đóng gói theo dây chuyền công nghệ khép kín, là hàng chất lượng cao, giá bán chỉ 10.000 đồng/bánh.
Đa số sản phẩm này được đựng trong hộp nhựa trong, không có thương hiệu, địa chỉ liên hệ hay thành phần bánh. Ngoài ra, hạn sử dụng cũng được viết mập mờ trong 1 tháng, với màu in đã nhòe. Theo chủ cửa hàng thì những loại bánh này được nhiều người chọn mua vì giá khá rẻ.
Nguyên liệu kém chất lượng, không rõ nguồn gốc
Theo cô Nguyễn Thị Nụ, một tiểu thương chuyên bán các loại bánh ngọt, bánh trung thu lâu năm ở chợ Bà Chiểu cho biết: “cách Tết Trung thu khoảng gần 2 tháng là các đối tượng làm bánh trung thu rởm đã hoạt động rầm rộ lắm rồi. Chủ yếu họ sản xuất thủ công vì quy trình làm bánh cũng khá đơn giản. Cho nhiều hương liệu vào, mùi thơm sẽ đánh lừa khách hàng.”
Dạo quanh khu vực Hàng Buồm, Chợ Đồng Xuân trên địa bàn thành phố Hà Nội, chợ Bà Chiểu, Bình Tây, Kim Biên (TP. HCM), nguyên liệu làm bánh trung thu được bày bán rất nhiều, thậm chí còn được hướng dẫn chi tiết về cách làm bánh nữa. Điểm chung của những nguyên liệu này là chúng đều có màu sắc bắt mắt và không có nhãn mác, hạn sử dụng, nguồn gốc. Theo chia sẻ của nhiều tiểu thương thì chủ yếu chất liệu nhân, vỏ toàn được làm từ bột sắn và các hương liệu tạo nên những mùi đặc trưng của các loại bánh có thương hiệu nổi tiếng. Bột sắn được bán giá rẻ bèo do đó khi mua về để làm bánh trung thu thì rất lời.
Theo anh Lê Hải Tr, người chuyên đi chở bột và làm bánh trung thu thuê cho một cơ sở tại quận Phú Nhuận cho biết: chỉ cần 100kg bột sắn, 4 lít hương liệu các loại là có thể làm ra hàng ngàn chiếc bánh trung thu, bán với giá bèo cũng được trên 10 triệu đồng, trong khi chi phí nguyên liệu hết khoảng hơn 1 triệu đồng.
Về nguyên liệu để làm nhân bánh, hầu như chợ nào cũng sẵn những túi nguyên liệu đựng trong những chiếc túi bóng sơ sài, buộc dây thun ở đầu với nét chữ nguệch ngoạc mứt bí, hạt dưa, lạp xưởng, bột trà xanh. Các nguyên liệu này cũng trôi nổi, giá rẻ bèo. Những người dân buôn bán ở chợ Bà Chiểu bật mí rằng tất cả các nguyên liệu làm nhân bánh đều được ướp phẩm màu và mua các nguyên liệu là đồ thải ở các chợ về để chế biến.
Tác hại từ bánh trung thu kém chất lượng
Bà Nguyễn Thị Bích Liên – chuyên gia về dinh dưỡng, an toàn thực phẩm thuộc Trung tâm nấu ăn Hoàn Kiếm (Hà Nội) cho biết, ăn bánh Trung thu chưa chất tạo màu, tạo mùi gây ảnh hưởng xấu tới đường ruột, hỏng hệ tiêu hóa, gây viêm loét dạ dày. Chúng có khả năng gây viêm niêm mạc mắt, niêm mạc miệng, gây hại nghiêm trọng tới sức khỏe người tiêu dùng, đặc biệt là đối với trẻ em.
Rõ ràng, cách phân biệt bánh thật và bánh giả không quá khó khăn. Bánh thật có đóng gói nghiêm ngặt và ghi đầy đủ các thông tin lẫn tem chống hàng giả. Các loại bánh được làm bằng bột sắn hiện nay, thì thường không có nhãn mác, đóng gói sơ sài và được quảng cáo là bánh gia truyền làm thủ công nên mẫu mã không đẹp. Người tiêu dùng không nên vì giá rẻ mà bỏ qua chất lượng sản phẩm và sức khỏe của bản thân cũng như gia đình. Cách tốt nhất là nên mua bánh Trung thu của các thương hiệu uy tín như Kinh Đô, Bibica, …