SỨC KHỎE » Chăm sóc sức khỏe

Thời tiết nóng ẩm, đây là cách tránh muỗi đốt, phòng bệnh sốt xuất huyết cho người lớn trẻ nhỏ

Thứ hai, 11/12/2023 14:07

Với kiểu thời tiết hiện tại việc thực hiện các biện pháp phòng, chống bệnh sốt xuất huyết là hết sức cần thiết.

Thời gian qua, nhất là khi giao mùa những ca sốt xuất huyết tăng. Sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm cấp tính do vi rút Dengue gây ra. Bệnh lây lan chủ yếu do muỗi vằn Aedes aegypti đốt người bệnh sau đó truyền bệnh cho người lành qua vết đốt. Do đó, cách phòng bệnh sốt xuất huyết tốt là diệt muỗi, lăng quăng, bọ gậy, phòng chống muỗi đốt và giữ vệ sinh nhà ở cũng như môi trường xung quanh. Khi nhập viện đa số các ca bệnh nặng đến viện điều trị trong tình trạng cô đặc máu, xuất huyết, tiểu cầu giảm.

Các biện pháp phòng, chống bệnh sốt xuất huyết.

Để phòng bệnh cho gia đình cần:

Loại bỏ nơi sinh sản và trú đậu của muỗi, diệt lăng quăng/bọ gậy.

Muỗi cái đẻ trứng ở nơi có nước đọng như: Dụng cụ chứa nước của gia đình (chum, thau, vại, bể nước,...), trong những mảnh bát vỡ có nước đọng, thậm chí là cả ở lốp xe ô tô, chai lọ,... Sau 2 - 3 ngày, trứng muỗi nở thành bọ gậy (lăng quăng), sau đó phát triển thành muỗi vằn. Muỗi vằn thường sống trong nhà, trú ẩm ở những nơi tối, ẩm thấp. Làm giảm hoặc phá bỏ các ổ nước là nơi muỗi đẻ, cải thiện môi trường thì mật độ muỗi sẽ giảm. Theo phương châm: Không có bọ gậy, loăng quăng, không có muỗi thì không có sốt xuất huyết.

Loại bỏ nơi đẻ trứng và trú ẩn của muỗi và diệt bọ gậy là điều đầu tiên cần làm. Tại các gia đình cần tiến hành các biện pháp sau:

Đậy kín tất cả các dụng cụ chứa nước để tránh muỗi vào đẻ trứng.

Một vòng đời của muỗi cái có thể đẻ từ vài chục đến vài trăm trứng. Do đó, các hộ gia đình có thể thả cá nhỏ, cá bảy màu hoặc mê zô vào các dụng cụ chứa nước lớn để diệt lăng quăng/bọ gậy.

Thau rửa các dụng cụ chứa nước vừa và nhỏ (lu, khạp...) hàng tuần. Có thể dùng bàn chải cọ kỹ mép dụng cụ chứa nước vì muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết thường đẻ trứng ở mép nước.

Thu gom, hủy các vật dụng phế thải trong nhà và xung quanh nhà, dọn vệ sinh môi trường, lật úp các dụng cụ chứa nước khi không dùng đến để tránh nước đọng. Sắp xếp đồ đạc trong nhà gọn gàng sẽ giúp hạn chế nơi trú ẩn của muỗi.

Đối với những dụng cụ chứa nước như khay nước tủ lạnh, bát nước kê chạn hoặc tủ đựng chén bát... thì người dân có thể cho muối hoặc dầu ăn vào nước sẽ khiến muỗi không thể đẻ trứng.

Bình đựng hoa phải thường xuyên được thay nước.

Xông khói để xua muỗi.

Lấp đầy các ổ nước bằng đất, đá hoặc tháo cạn nước trong các ổ nước.

Phát quang cây cối: Vừa làm giảm nơi sinh sản của các loài thích đẻ trứng trong các ổ nước có bóng râm, vừa phá bỏ nơi trú ẩn của muỗi trưởng thành.

Xử lý nguồn nước, khơi thông cống rãnh.

Cách chống muỗi đốt:

Mặc quần áo dài tay.

Ngủ trong màn/mùng kể cả ban ngày.

Dùng bình xịt muỗi, hương muỗi, kem xua muỗi, vợt điện muỗi...Bình xịt côn trùng trong nhà, hương muỗi hoặc kem xua muỗi có thể làm giảm hoạt động chích đốt của muỗi.

Dùng rèm che, màn tẩm hóa chất diệt muỗi, điều hòa nhiệt độ đều có thể làm giảm nguy cơ muỗi bay vào nhà và đốt mọi người trong gia đình.

Người bị sốt xuất huyết cần được nằm trong màn, tránh muỗi đốt khiến bệnh lây lan bệnh cho người khác.

Với đối tượng trẻ em, để phòng bệnh sốt xuất huyết cho trẻ hiệu quả thì cha mẹ phải thường xuyên nhắc nhở cũng như quan sát các bé. Không cho trẻ chơi ở những nơi ẩm thấp, và những nơi tối, cây cối rậm rạp. Ngoài ra, phải chú ý tới việc mắc màn khi ngủ, mặc quần áo dài tay cho trẻ để phòng bệnh.

Tường San (Theo Thương Hiệu và Pháp Luật)
Tin nổi bật
Tin cùng chuyên mục
Tin Video
Tin mới