Càng về khuya, trên các trang mạng xã hội lại càng nhiều nick name sáng đèn, số lượng người truy cập càng tăng, đặc biệt là đối tượng học sinh, sinh viên. Nhiều bạn trẻ thức đến 1- 2 giờ sáng, thậm chí thâu đêm online, tán gẫu, chơi game… rất phổ biến hiện nay.
Thức để… “chém gió”
Trung bình mỗi ngày Lí Hạnh Nguyên (sinh viên ĐH Giao thông vận tải) phải vào mạng internet hơn 7 – 8 tiếng đồng hồ. Chưa nói là điện thoại của Nguyên còn cài 3G có thể truy cập mạng ở mọi lúc mọi nơi lúc có sóng. Cô gái vào mạng chủ yêu truy cập các trang mạng xã hội như facebook, twoo, ola… Lí Hạnh Nguyên tham gia vào một số hội trên facebook như: Hội "Thức đêm ngủ ngày", Hội "Cú đêm"… với hàng chục nghìn lượt like (yêu thích) tương ứng với hàng chục nghìn thành viên tham gia, các thành viên này có thể chát chít, “tám” với nhau suốt đêm. Nguyên chia sẻ: “Mình có khá nhiều thời gian rảnh rỗi, sáng đi học, chiều ở nhà nghỉ ngơi nên thú vui của mình là vào mạng internet. Một ngày thiếu mạng internet là mình không thể chịu được”. Lê Thị Mai Lan (sinh viên ĐH Công nghiệp Hà Nội) ở trọ cùng với hai bạn nữ học cùng trường. Cả phòng của Lan chưa bao giờ đi ngủ trước 1 giờ sáng. Khi thì sinh nhật, lúc thì các bạn buôn điện thoại với người yêu, khi lại có người đi chơi về muộn… nên ba cô gái thường đợi nhau cùng đi ngủ bằng cách mỗi người ngồi “dán mắt” vào chiếc máy tính nối mạng internet, tha hồ lướt net, chơi game... đến khi nào cả ba cùng bảo nhau đi ngủ mới thôi. Dần thành quen, cả ba bạn trẻ này cùng say sưa trong thế giới ảo và đều trở thành “cú đêm”. Khi vào mùa thi, phần lớn các bạn sinh viên thức để ôn bài. Tuy nhiên, việc ôn tập cũng chỉ diễn ra trong một, hai tuần lễ còn lại là chỉ để “nấu cháo” điện thoại, chat chít, “chém gió”, tám chuyện phiếm với bạn bè…
Suy nhược vì... internet
Bạn Hà Anh Tùng (sinh viên trường Đại học Sư phạm Hà Nội) chia sẻ: “Từ khi sử dụng chiếc điện thoại “thông minh” nhiều tính năng, mình thức khuya nhiều hơn vì hí hoáy với chiếc điện thoại, nào là nghe nhạc, xem video, chơi game, chát chít… Ngày nào cũng tầm 2- 3 giờ đêm mới ngủ. Nửa tháng thức đêm liên tục, cơ thể mình bị suy nhược, người gầy đi trông thấy, mắt thâm quầng. Sau một thời gian gia nhập hội “Cú đêm”, Lê Thị Mai Lan và hai cô bạn cùng phòng đến lớp với tình trạng đói ngủ nên mặt mũi phờ phạc, da sạm và nổi nhiều mụn. “Đã bao nhiêu lần mình tự nhủ phải đi ngủ trước 11 giờ đêm nhưng cứ được một vài bữa lại đâu vào đấy”, Lan cho biết. Bạn Nguyễn Hà Nhung (ĐH Thương mại Hà Nội) ở trong trong kí túc xá gần 4 năm, Nhung kể, cứ buổi tối, mọi người trong phòng toàn chơi, xem phim, nói chuyện tới 2- 3h sáng mới kéo nhau đi ngủ. Học sáng thì ngủ chiều, học chiều thì có khi ngủ hết cả buổi sáng. Ngày nghỉ nhiều người còn ngủ xuyên trưa. Do thức khuya nhiều nên mắt Nhung lúc nào cũng trong tình trạng thâm xì, mặt mũi thì xanh xao. Theo bác sĩ Bùi Văn Xuân, Bệnh viện Mắt Trung ương: Duy trì thức khuya thường xuyên sẽ gây tác hại rất lớn đến sức khỏe toàn thân như suy nhược thần kinh, lão hóa nhanh, nguy cơ mắc bệnh tim mạch… Trong đó, nhiều tác hại về lâu dài mới phát tác, có loại thì ngay hôm sau đã biểu hiện như mắt thâm quầng, khô mắt, nhức mỏi mắt, mệt mỏi, chóng mặt... Không ít chuyên gia trên thế giới còn cho rằng: Thức khuya có liên quan rất nhiều đến các căn bệnh như ung thư, đột quỵ... Thậm chí theo quan niệm của nhiều người, thức khuya còn là con đường ngắn nhất “hiến” sức khỏe cho...thần chết.