SỨC KHỎE » Chăm sóc sức khỏe

Trên lá sung có nhiều nốt sần, nếu mua phải nên ăn hay bỏ?

Chủ nhật, 17/03/2024 12:56

Theo chuyên gia, những nốt sần xuất hiện trên lá sung do loài sâu P.syllidae ký sinh, nhưng con sâu đã bỏ đi rất lâu trước khi những nốt này phồng to, phía trong không có trứng hay sâu ký sinh sót lại.

Theo Đông y, lá sung tính mát, vị ngọt hơi chát, có tác dụng thông huyết, giảm đau, lợi tiểu, tiêu viêm, tiêu đờm, sát trùng, bổ huyết. Dân gian còn dùng lá sung để chữa tê thấp, lợi sữa. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) gợi ý, có thể sử dụng lá sung để hỗ trợ điều trị bệnh tiểu đường do nó có tác dụng giảm glucose.

Lá sung thường được dùng làm rau gia vị ăn kèm trong các món nem tai, nem thính, gỏi... nhằm giúp giảm độ ngán và làm dịu vị chua của món ăn. Thế nhưng, những nốt sần trên lá sung thường khiến nhiều người sợ và tự hỏi liệu những chiếc lá đó có ăn được không.

Lá sung thường nổi những nốt sần.

Lá sung nổi lên những nốt phồng nhỏ gọi là lá sung vú hoặc lá sung có tật, sung cóc.

Theo BS Nguyễn Thùy Trang - Trung tâm Y học cổ truyền Vinmec Sao Phương Đông, những nốt sần xuất hiện do loài sâu P.syllidae ký sinh; nhưng con sâu đã bỏ đi rất lâu trước khi những nốt này phồng to, phía trong không có trứng hay sâu ký sinh sót lại.

Trong Đông y, lá sung có nốt sần được xem là tốt hơn những lá bình thường, có thể chữa bệnh gan, nhức đầu, làm thuốc bổ cho người ốm...

Nốt sần chỉ hình thành ở những lá mới mọc từ chồi. Biết rõ tại sao trên lá sung lại có nhiều nốt mụn, bạn hãy cứ mạnh dạn chọn ăn những lá có nốt sần.

Một số bài thuốc từ lá sung:

- Lợi sữa: Lá sung vú (lá có nốt sần) 100gr, chân giò lợn 1 cái, quả mít non 50gr, quả đu đủ non 50gr, lõi thông thảo 10gr, hạt mùi 5gr, gạo nếp 100gr, nấu thành cháo, ăn 2 lần trong ngày. Dùng 3 ngày liền.

- Chữa nổi cục đỏ ở lưng ngực, có đau và sốt: Lá sung vú 40gr, huyền sâm, huyết giác, ngưu tất, mỗi vị 20gr, thái nhỏ, sắc uống 2 lần trong ngày.

- Chữa gan nóng, vàng da: Lá sung vú 30gr, nhân trần 30gr, kê huyết đằng 20gr, rau má 50gr, sâm đại hành 20gr, sắc uống trong ngày thay trà.

- Chữa sốt, cảm cúm: Lá sung vú 16gr, lá chanh 16gr, nghệ 16gr, tỏi 6gr, sắc lấy nước đặc, uống. Nếu mồ hôi ra nhiều thì uống nguội, ngược lại thì uống nóng, rồi đắp chăn cho ra mồ hôi.

- Chữa bong gân, sai khớp: Lá sung vú, lá bàng, lá mua, lá cỏ xước, lá cứt lợn giã nhỏ, thêm ít rượu và đắp vào chỗ đau.

- Chữa nổi mụn trên mặt: Lá sung vú đem nấu nước, xông và rửa hàng ngày.

Ngoài ra, lá sung cũng được dùng để chế thuốc bổ cho người mới ốm dậy, kém ăn, mất ngủ: Lá sung vú 200gr, củ mài, hạt sen, đảng sâm, thục địa, hà thủ ô, táo nhân, ngải cứu mỗi vị 100gr. Lá sung phơi trong râm cho khô, tán bột, củ mài đồ chín, sao vàng, tán bột.

Thục địa tẩm nước gừng, sao thơm, giã nhuyễn. Ngải cứu tươi nấu kỹ lấy nước đặc. Hà thủ ô tẩm nước đậu đen, sao kỹ, tán bột. Táo nhân sao đen, tán bột. Hạt sen, đảng sâm, đều sấy khô, tán bột.

Tất cả trộn đều thêm mật làm viên bằng hạt ngô, sấy khô. Người lớn mỗi lần uống 18 viên. Trẻ em tùy tuổi mỗi lần dùng 2-6 viên, ngày 2 lần.

Tường San (Theo Thương Hiệu và Pháp Luật)
Tin nổi bật
Tin cùng chuyên mục
Tin Video
Tin mới