Sau Tết, tình trạng uống bia rượu khai xuân hay tụ tập bạn bè vẫn còn rất nhiều. Trước câu hỏi uống rượu bia bao lâu thì hết nồng độ cồn thì đây là giải đáp từ chuyên gia y tế.
Trước hết, cần biết rằng không có con số chính xác về thời gian cần để cơ thể hoàn toàn đào thải nồng độ cồn. Quá trình này phụ thuộc vào nhiều yếu tố như lượng rượu uống, đặc điểm sinh học, và thể trạng sức khỏe của từng người.
1 đơn vị cồn tương đương 10g cồn nguyên chất chứa trong dung dịch uống, tức khoảng 3/4 chai hay lon bia 330 ml (5%) hoặc 1 cốc bia hơi 330 ml hay 1 ly rượu vang 100 ml (13,5%), một chén rượu mạnh 30 ml (40%).
Uống rượu bia sau bao lâu thì hết nồng độ cồn và được lái xe?
Đối với người có chức năng gan bình thường, sau khoảng 1 giờ, gan sẽ chuyển hóa và dung nạp hết 1 đơn vị cồn. Tuy nhiên, để hoàn toàn loại bỏ 1 đơn vị cồn, cần khoảng 1-2 giờ nữa.
Do đó, một người khỏe mạnh, không có bệnh gì thì khi uống 1 đơn vị cồn cơ thể phải mất từ 2-3 giờ mới hết nồng độ cồn trong cơ thể.
Với những người có chức năng gan suy yếu hay cơ thể chuyển hóa chậm hơn thì cần thời gian lâu hơn để chuyển hoá hết cồn trong máu.
Hiện nay, cảnh sát giao thông kiểm tra nồng độ cồn dựa trên phương pháp đo qua ống thở, vì vậy, 24 giờ sau khi uống bạn vẫn có thể bị phát hiện và xử phạt. Trường hợp người nào bị tai nạn giao thông thì khi vào viện, các bác sĩ sẽ lấy mẫu máu để xác định nồng độ cồn ngay.
Như vậy, ít nhất 24 giờ sau khi uống rượu, bia bạn hãy lái xe, có nghĩa là tối nay bạn uống thì ngày mai đừng lái xe.
Một công thức do các nhà khoa học trên thế giới nghiên cứu về tốc độ suy giảm nồng độ cồn trong máu, đó là: Ci = C – 0,015t. Trong đó, C là nồng độ cồn trong máu khi uống xong, Ci là nồng độ cồn trong máu tại thời điểm xác định, t là thời gian, 0,015 là hằng số. Nồng độ cồn được đo bằng hơi thở hoặc nồng độ trong máu. Để hết nồng độ cồn trong máu thì Ci phải bằng 0.
Tuy nhiên, công thức tính chỉ dùng tham khảo để một người có thể tự điều chỉnh lượng bia rượu khi uống, tránh ảnh hưởng tới sức khỏe, công việc, đặc biệt là khi điều khiển phương tiện giao thông và không thay thế cho kết quả xét nghiệm chính xác.
Do đó, để an toàn cho bản thân, cho mọi người xung quanh, không vi phạm pháp luật, Bộ Y tế khuyến cáo tốt nhất đã uống rượu bia thì không lái xe, nếu lái xe thì không uống rượu bia.
Theo Nghị định 100/2019/NĐ-CP, người lái xe khi tham gia giao thông đã uống rượu, bia có thể bị phạt tiền ở mức cao nhất là 40 triệu đồng và tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe lên tới 24 tháng.