SỨC KHỎE » Chăm sóc sức khỏe

Vì sao cần ngâm sắn trước khi nấu? Những ai cấm kị ăn sắn?

Thứ tư, 23/10/2024 10:25

Một bước bắt buộc khi sơ chế sắn (khoai mỳ) là ngâm với nước, nhưng lý do tại sao làm như vậy thì không phải ai cũng biết.

Ngâm sắn trước khi nấu là cần thiết bởi:

Loại bỏ độc tố

Sắn chứa một lượng nhỏ hợp chất độc hại cyanogenic glucosides, còn gọi là cyanide (xianua). Khi ăn sắn không được xử lý đúng cách, bạn sẽ đưa chất này vào cơ thể và rất dễ ngộ độc, đặc biệt là khi ăn sắn nấu chưa chín kỹ. Các triệu chứng ngộ độc cyanide thường là đau đầu, buồn nôn, khó thở, trong trường hợp nghiêm trọng có thể dẫn đến tử vong.

Nếu không ngâm sắn dễ bị ngộ độc cyanide do ăn sắn (còn được gọi là say sắn).

Ngâm sắn ttrước khi nấu là phương pháp hiệu quả để loại bỏ hoặc làm giảm lượng cyanide trong củ do cyanide tan vào nước. Sau quá trình ngâm, bạn nên vớt sắn ra và xả lại với nước sạch để loại bỏ hoàn toàn lượng độc tố còn sót lại, giảm nguy cơ ngộ độc sắn.

Giảm độ đắng

Đôi khi ăn sắn, bạn khó chịu vì cảm nhận vị đắng. Sắn bị đắng là do sự hiện diện của các hợp chất cyanogenic, đặc biệt là ở sắn đắng vốn có hàm lượng cyanide cao hơn so với sắn ngọt. Việc ngâm sắn giúp loại bỏ cyanide nên cũng làm giảm vị đắng, giúp sắn ngon hơn khi nấu chín.

Tăng độ mềm

Sắn có cấu trúc cứng và khó chế biến khi chưa được ngâm trong nước. Việc ngâm sắn trước khi nấu giúp củ trở nên mềm hơn, dễ cắt, gọt và chế biến thành nhiều món ăn khác nhau. Điều này đặc biệt quan trọng khi bạn muốn cắt sắn thành từng miếng đều để nấu hoặc luộc, tạo sự đồng nhất về mặt cấu trúc và hương vị.

Sắn được ngâm sẽ hấp thụ nước, làm cho quá trình nấu trở nên nhanh hơn, tiết kiệm năng lượng.

Khi sắn được ngâm đủ lâu, quá trình nấu chỉ cần từ 15-20 phút.

Tránh sượng

Sắn nấu không đúng cách rất dễ bị sượng. Điều này thường xảy ra khi bạn không ngâm sắn trước khi nấu. Củ sắn hấp thụ nước sau quá trình ngâm sẽ ít khi bị sượng, nấu lên sẽ mềm, bở và ngọt hơn.

Khi dùng sắn để làm các món như bánh sắn, chè sắn hay sắn luộc, việc ngâm trước sẽ giúp củ sắn mềm mịn và dễ kết hợp với các nguyên liệu khác.

Tránh đau bụng, khó tiêu

Nếu ăn sắn không ngâm hoặc nấu kỹ, bạn có thể gặp phải các vấn đề tiêu hóa như đau bụng, tiêu chảy hoặc khó tiêu. Đặc biệt, sắn chứa một lượng lớn chất xơ không tan, nếu không chế biến kỹ sẽ có thể gây khó chịu cho dạ dày và ruột.

Lưu ý: Sắn nên được ngâm trong 6-8 tiếng hoặc qua đêm để loại bỏ tối đa cyanide và làm mềm củ. Nếu bạn nóng vội muốn nấu sớm cũng không nên ngâm ít hơn 3 giờ đồng hồ.

Những ai không nên ăn sắn?

Trích dẫn lời PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, khoa Công nghệ thực phẩm, ĐH Bách Khoa Hà Nội cho biết, nhiều người ăn sắn bị say có thể tử vong. Theo ông Thịnh những nhóm người dưới đây được khuyến cáo không nên ăn củ sắn:

Bà bầu

Chất acid cyanhydric - chất độc mạnh có trong sắn (giống như trong măng tươi) có thể gây ra tình trạng rối loạn tiêu hoá hay thậm chí là bị ngộ độc.

Do đó bà bầu nên hạn chế ăn sắn luộc, sắn hấp như một bữa phụ trong ngày.

Trẻ nhỏ

Ngộ độc sắn cấp là một trong những nguyên nhân gây ra tử vong ở trẻ nhỏ. Do sắn có chứa độc tố nên tuyệt đối không được cho trẻ dưới 3 tuổi ăn sắn vì hệ tiêu hóa của trẻ còn non nớt, chưa thực hiện tốt việc tiêu hóa và loại thải độc tố.

Nếu như cho trẻ ăn nhiều, các chất độc tố có thể sẽ tích tụ lại trong cơ thể trẻ lâu ngày và gây ra bệnh. Đặc biệt, là càng không nên cho trẻ ăn sắn vào lúc đói vì có thể dẫn đến ngộ độc.

Người bị rối loạn tiêu hóa

Ăn sắn cũng có thể gây ngộ độc, rối loạn tiêu hóa. Vì vậy người có “bụng dạ” yếu cũng không nên ăn sắn.

Người hay bị ốm, sức đề kháng kém

Những người có sức đề kháng kém cũng rất dễ bị ngộ độc cyanhydri trong sắn.

Lưu ý: Không nên ăn nhiều sắn vào lúc đói. Không nên ăn sắn nhiều vào buổi tối, vì nếu bị ngộ độc, nạn nhân đang ngủ khó phát hiện. Không nên cho trẻ nhỏ ăn sắn vì trẻ dễ bị ngộ độc và khi bị ngộ độc thường nặng hơn.

Tường San (Theo Thương Hiệu và Pháp Luật)
Tin nổi bật
Tin cùng chuyên mục
Tin Video
Tin mới