SỨC KHỎE » Chăm sóc sức khỏe

Virus gây teo não nguy hiểm như thế nào?

Thứ tư, 03/02/2016 09:22

Virus Zika đang lây lan chóng mặt trên khắp thế giới, Tổ chức Y tế thế giới đã phải ban hành tình trạng khẩn cấp về dịch bệnh này.

Virus Zika là gì?

Zika là một loại virus lây truyền qua muỗi Aedes – loại muỗi truyền sốt xuất huyết và sốt vàng da.

Virus Zika có tốc độ lây lan chóng mặt, hiện đã lan 31 quốc gia khắp thế giới

Bệnh lây lan dễ dàng, ngoài lây truyền qua đường muỗi đốt, virus Zika có thể lây truyền từ mẹ sang con, qua đường máu và đường tình dục (ghi nhận hiếm).

ARN của virus Zika cũng đã được phát hiện có trong sữa nhưng chưa có bằng chứng lây truyền virus Zika qua bú mẹ.

Các trường hợp nhiễm virus Zika có thời gian ủ bệnh từ 3-12 ngày. Tuy nhiên người nhiễm virus Zika hầu hết không biểu hiện triệu chứng, chỉ có khoảng 20% có các biểu hiện nhẹ như sốt, phát ban, đau khớp, viêm kết mạc mắt, số còn lại không có biểu hiện lâm sàng rõ ràng nên việc chẩn đoán gặp rất nhiều khó khăn.

2 biến chứng hay gặp nhất ở virus Zika là tật đầu nhỏ ở trẻ sơ sinh do người mẹ bị nhiễm virus trong quá trình mang thai. Tại Brazil đã ghi nhận khoảng 4.000 ca mắc tật đầu nhỏ, trong đó ít nhất 40 trường hợp tử von. Biến chứng thứ hai là gây hội chứng viêm đa rễ dây thần kinh Guillain-Barré, gây ra hiện tượng yếu cơ ở tay và chân, ngứa ran ở tay, chân.

Tốc độ lây lan

Virus được phát hiện đầu tiên vào năm 1947 tại khu rừng Zika của Uganda, sau đó tiếp tục ghi nhận ở Nigeria vào năm 1954 và trở thành chủng virus lưu hành ở nhiều nước khu vực châu Phi.

Tại châu Á cũng đã ghi nhận trường hợp mắc đầu tiên vào năm 2007 tại đảo Yap thuộc Liên bang Micronesia. Năm 2013, ghi nhận ổ dịch đầu tiên tại French Polynesia, sau đó lây lan ra các đảo khu vực Thái Bình Dương, bao gồm cả New Caledonia, đảo Cook, đảo Easter; trong năm 2013, Thái Lan cũng đã ghi nhận một số trường hợp mắc bệnh do virus Zika ở một số tỉnh, thành phố

Tại Nam Mỹ, ca bệnh đầu tiên xuất hiện vào tháng 4/2015 ở Brazil sau đó đã lan nhanh Trung và Nam Mỹ. Trong đó dịch lây lan mạnh nhất Brazil với 300.000 ca mắc.

Đến nay, WHO đã ban bố tình trạng khẩn cấp khi virus Zika đã lây lan tới 31 quốc gia, dự kiến tác động 3-4 triệu người trước khi ngưng phát tác.

Phương pháp điều trị

Hiện chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và vắc xin chích ngừa virus Zika.

Hội chứng đầu nhỏ là biến chứng nguy hiểm hay gặp nhất ở trẻ sơ sinh do mẹ nhiễm virus khi mang bầu

Các điều trị hỗ trợ bao gồm: Nghỉ ngơi, bồi phụ nước, điện giải, hạ sốt nếu có sốt cao. Cần thận trọng khi dùng Aspirin hay corticoid khi chưa loại trừ được sốt xuất huyết Dengue.

Phụ nữ có thai nghi ngờ hoặc xác định bị nhiễm virus Zika cần được theo dõi siêu âm thai mỗi 3-4 tuần một lần để phát hiện sớm tình trạng đầu nhỏ hoặc vôi hóa não ở thai nhi.

Trẻ bị dị tật đầu nhỏ hoặc có tiền sử mẹ nhiễm virus Zika khi mang thai cần được theo dõi sự phát triển về tinh thần- vận động, đánh giá thị lực và điều trị các rối loạn như co giật, động kinh (nếu có).

Cách phòng tránh

Cách phòng ngừa tốt nhất là tránh bị muỗi đốt. Điều này có thể được thực hiện dễ dàng bằng cách sử dụng các loại thuốc diệt côn trùng, mặc quần áo dài tay sáng màu, ngủ mắc màn... và thường xuyên dọn dẹp, vệ sinh các ổ nước đọng có nguy cơ chứa trứng muỗi.

Với muỗi Aedes chỉ cần 3 ngày nghỉ ngơi có thể đẻ trứng liên tục, những quả trứng có thể tồn tại lên đến 1 năm mà không cần nước, khi gặp nước sẽ lập tức nở thành ấu trùng.

Ngoài ra WhO cũng khuyến cáo người dân các nước không nên đi đến các vùng lưu hành dịch Zika.

Cần sử dụng bao cao su khi quan hệ tình dục với người bị nhiễm virus Zika.

Nguy cơ với Việt Nam

Tại Việt Nam hiện nay chưa phát hiện trường hợp nào nhiễm virus Zika, tuy nhiên do trong nước vẫn đang lưu hành muỗi Aedes truyền sốt xuất huyết, người dân chưa có miễn dịch và hiện nhiều nước xung quanh như Thái Lan, Đài Loan, Úc đã ghi nhận các trường hợp mắc dịch nên nguy cơ xâm nhập Zika vào Việt Nam là rất lớn.

Theo Bộ Y tế, trường hợp bệnh xâm nhập, việc phát hiện chẩn đoán những ca đầu tiên là hết sức khó khăn do hầu hết bệnh nhân nhiễm virus Zika không có triệu chứng điển hình, dễ bị cộng đồng bỏ qua. Việt Nam cũng chưa có những thiết bị chẩn đoán nhanh virus Zika.

Hiện Bộ Y tế đang phối hợp chặt chẽ với Tổ chức Y tế thế giới để theo dõi sát diễn biến của Zika để có các biện pháp giám sát, phòng chống dịch bệnh kịp thời.

>> Click xem Bí quyết trị chấy rận cho trẻ không cần dùng hóa chất

Theo Vietnamnet.vn