Kết luận trên được đưa ra sau khi các nhà khoa học tại trường đại học Công nghệ Queensland tiến hành nghiên cứu về tác động của kem chống nắng đối với việc ngăn ngừa bệnh ung thư da.
Hàng loạt thí nghiệm sinh thiết đã được tiến hành trên mẫu da của 57 người được chiếu tia UV (tia cực tím).
So sánh kết quả trước và sau khi chiếu tia UV đối với các mẫu da được bôi và không bôi kem chống nắng cho thấy các loại kem này ngoài tác dụng ngăn ngừa da không bị cháy nắng còn giúp bảo vệ một loại gen có tên gọi P53, được coi là một "siêu anh hùng" chống lại ba loại bệnh ung thư da hiện nay là ung thư tế bào đáy, ung thư tế bào sừng và ung thư tế bào hắc sắc tố. Trưởng nhóm nghiên cứu Elke Hacker cho biết khi một vùng da bị tác động của ánh sáng mặt trời, gen P53 sẽ ngay lập tức di chuyển đến đó và chữa lành các vùng da bị tổn thương, đồng thời không để cho tế bào ung thư hình thành. Tuy nhiên, nếu vùng da này liên tục tiếp xúc với ánh sáng mặt trời, các "siêu anh hùng" nói trên sẽ bị biến đổi và mất chức năng vốn có của nó, hậu quả là có thể tạo điều kiện cho các tế bào ung thư hình thành và phát triển. Nhà khoa học này cũng nhận định phát hiện nói trên có thể sẽ được áp dụng để phát triển phương pháp điều trị các loại bệnh liên quan đến tác hại của ánh sáng mặt trời đối với da người, như chế tạo các loại kem chống nắng đặc biệt.