Theo Đông y, phật thủ vị cay, đắng, chua, tính ấm, có tác dụng chỉ thống, hóa đàm, dùng chữa các chứng ăn không tiêu, đầy bụng, đau dạ dày, đau gan, cổ họng nghẹn tắc, ngực tức đầy, mạng sườn trướng đau... Các nghiên cứu dược lý hiện đại cho thấy, phật thủ có tác dụng giải trừ sự co thắt cơ trơn, hạ huyết áp, cắt cơn hen và tăng cường chức năng tiêu hóa. Để sử dụng làm thuốc, khi hái quả về nên thái dọc thành từng miếng mỏng, phơi hoặc sấy khô, bảo quản nơi khô ráo, dùng dần. Sau đây là một số ứng dụng cụ thể: - Chữa nấc, ăn vào nôn ngược trở ra: Lấy vỏ quả phật thủ tươi cắt nhỏ, trộn đều với đường, ăn ngày 3-4 lần, mỗi lần vài miếng, nhai rồi nuốt dần. - Viêm khí quản mạn tính: Phật thủ khô 6 g, bán hạ chế gừng (tẩm nước gừng sao vàng) 6 g, sắc với nước, pha thêm chút đường để uống. - Ăn không tiêu, gan và dạ dày đau tức: Có thể dùng một trong những phương thuốc sau: + Phật thủ tươi 12-15 g (khô 6 g), hãm với nước sôi uống thay trà trong ngày. + Phật thủ khô, huyền hồ sách mỗi thứ 6 g, sắc với nước, chia 2-3 lần uống trong ngày. + Phật thủ khô 6 g, thanh bì 9 g, xuyên luyện tử 6 g, sắc với nước, chia 2-3 lần uống trong ngày. - Chữa đau dạ dày do lạnh: Phật thủ khô 15 g, gạo tẻ sao vàng 30 g, sắc nước uống ngày 3 lần. - Chữa đau bụng do tỳ vị hư hàn: Phật thủ tươi 100 g (khô 40 g), rượu trắng 1 lít. Phật thủ thái nhỏ, ngâm với rượu ít nhất 15 ngày. Mỗi ngày uống 2 lần, mỗi lần 5-10 ml. - Viêm gan truyền nhiễm: Phật thủ khô 9 g; bại tương thảo (cỏ bồng) mỗi tuổi 1 g, từ trên 10 tuổi thì cứ tăng 2 tuổi thêm 1 g. Sắc với nước, pha đường, chia làm 3 lần uống trong ngày, mỗi liệu trình 10 ngày. Một bệnh viện ở Trung Quốc đã thử nghiệm phương thuốc này trên 64 bệnh nhân và tất cả đều khỏi bệnh, các triệu chứng bệnh lý giảm rõ rệt trong vòng 4-6 ngày. - Giải say rượu: Phật thủ tươi 30 g, sắc với nước để uống. Lưu ý: Đối với các chứng bệnh kể trên, nếu không có quả phật thủ thì thay bằng lá cũng có tác dụng tốt.