SỨC KHỎE » Thuốc

Những người không nên áp dụng biện pháp tiêm thuốc tránh thai

Thứ hai, 17/02/2014 15:07

Tiêm thuốc tránh thai là một trong những biện pháp tránh thai đơn giản, dễ thực hiện mà có hiệu quả tránh thai cũng cao nhưng không phải ai cũng phù hợp để áp dụng.

Chào bác sĩ. Em 26 tuổi và có một em bé 5 tháng tuổi. Hiện tại vợ chồng em đang muốn kế hoạch bằng biện pháp tiêm thuốc thánh thai. Nhưng em không biết mình có thể áp dụng biện pháp đó được không. Em mong bác sĩ tư vấn giúp em để em biết thêm về biện pháp này. Em xin cảm ơn bác sĩ! (L. Mai)

BS. Hoa Hồng tư vấn:

Bạn L. Mai thân mến!

Tiêm thuốc tránh thai là một trong những biện pháp tránh thai đơn giản, dễ thực hiện mà có hiệu quả tránh thai cũng cao. Tiêm tránh thai được sử dụng khi phụ nữ trong độ tuổi sinh sản muốn dùng một biện pháp tránh thai tạm thời và có hồi phục.

Tiêm thuốc tránh thai được thực hiện bằng cách tiêm thuốc tránh thai vào bắp thịt sâu (cơ Delta hoặc cơ mông); sau khi rút kim không xoa vùng tiêm để tránh thuốc lan tỏa sớm và nhanh. Mũi đầu tiên có thể tiêm bất cứ ngày nào nếu chắc chắn không có thai, trường hợp nghi ngờ cần phải dùng que thử thai và phải dùng bao cao su hoặc kiêng giao hợp trong hai ngày sau tiêm. Tốt nhất là tiêm trong vòng 7 ngày kể từ ngày có kinh đầu tiên. Mũi thứ hai được tiêm sau đó 2-3 tháng tùy từng loại thuốc.

Tiêm thuốc tránh thai là một trong những biện pháp tránh thai đơn giản, dễ thực hiện mà có hiệu quả cũng cao nhưng không phải ai cũng phù hợp. Ảnh minh họa

Tiêm thuốc tránh thai có ưu điểm rõ rệt là có tác dụng lâu dài tiêm một mũi có tác dụng tránh thai trong 2 hoặc 3 tháng, dễ thực hiện, không ảnh hưởng nhiều đến "chuyện vợ chồng"  và có thể dùng cho phụ nữ đang cho con bú (sau 6 tuần kể từ khi sinh) vì không gây ảnh hưởng đến việc tiết sữa... Tuy nhiên, biện pháp này không giúp đề phòng được các bệnh lây qua đường tình dục, HIV/AIDS và cũng có tác dụng phụ như có những thay đổi về kinh nguyệt (thường xuất hiện mất kinh sau 9-12 tháng sử dụng. Đôi khi kinh nhiều hoặc kéo dài sau khi sử dụng 1-2 tháng).

Tiêm thuốc tránh thai là biện pháp không thích hợp với một số người như:

- Phụ nữ đang có thai hoặc đang bị ung thư vú. 

- Những người có nhiều nguy cơ bị bệnh mạch vành (như lớn tuổi, hút thuốc lá, tiểu đường và tăng huyết áp). 

- Người có bệnh tăng huyết áp hoặc có bệnh lý mạch máu.         

- Người đang bị thuyên tắc tĩnh mạch sâu, thuyên tắc phổi hoặc đã từng hoặc đang bị tai biến mạch máu não hoặc thiếu máu cơ tim.  

- Người đang bị lupus ban đỏ hệ thống và có kháng thể kháng phospholipid (hoặc không làm xét nghiệm) hoặc có giảm tiểu cầu trầm trọng.          

- Người bị ra máu âm đạo bất thường chưa được chẩn đoán nguyên nhân.          

- Người đã từng bị ung thư vú và không có biểu hiện tái phát trong vòng 5 năm trở lại.      

- Người bị bệnh tiểu đường có biến chứng (thận, thần kinh, võng mạc, mạch máu) hoặc trên 20 năm.

...

Bạn nên tới các cơ sở y tế chuyên sản phụ khoa để được khám cẩn thận và biết mình có thể áp dụng biện pháp tránh thai nói trên hay không. Dựa trên tình trạng sức khỏe của bạn, các bác sĩ sẽ khuyên bạn nên áp dụng biện pháp nào là phù hợp nhất.

Chúc bạn vui khỏe!

afamily.vn