Sởi, căn bệnh từng được cho là đã bị xóa sổ ở nhiều nước phát triển, giờ đây lại đang tái xuất và hoành hành ở nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam.
Mặc dù vắc xin MMR đã làm giảm đáng kể những ca mắc bệnh sởi trên toàn thế giới, song vì một số lý do khác nhau, vẫn có nhiều trẻ em không được tiêm phòng sởi, khiến dịch sởi còn bùng phát rải rác ở nhiều khu vực đông dân cư ở các nước.
Trong một nỗ lực nhằm chấm dứt dịch sởi đang hoành hành ở nhiều nước, trong đó có Mỹ và Canada, các nhà nghiên cứu tại Đại học Bang Georgia, Mỹ và Viện Paul-Ehrlich ở Langen, Đức đã tạo ra một loại thuốc uống có tên gọi ERDRP-0519 có thể ngăn chặn được virus sởi lây lan trên loài chồn sương.
Theo các nhà nghiên cứu, họ hy vọng loại thuốc này sẽ sớm được sử dụng kết hợp với chương trình tiêm chủng mở rộng trên toàn cầu để có thể loại bỏ hoàn toàn virus sởi.
Người phụ trách nhóm nghiên cứu Richard Plemper tại Đại học Bang Georgia cho biết: “Loại thuốc của chúng tôi không phải là một giải pháp thay thế tiêm chủng, tuy nhiên việc kết hợp nó với tiêm chủng có thể tạo ra hiệu ứng cộng hưởng để dập tắt và loại trừ dịch sởi ra khỏi những cộng đồng thực hiện tốt chương trình tiêm chủng.”
Là loại virus phát tán trong không khí qua đường hô hấp, ho hoặc hắt hơi, sởi là căn bệnh có thể lây lan rất nhanh chóng trong cộng đồng. Theo Trung tâm Kiểm soát và Ngăn ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC), trong thực tế sởi dễ lây lan đến mức 90% những người chưa được tiêm chủng tiếp xúc với virus này sẽ bị lây nhiễm.
Giống như nhiều loại virus gây bệnh khác, sởi có thời gian ủ bệnh khoảng hai tuần trước khi các triệu chứng bộc lộ rõ ràng, và các nhà nghiên cứu coi đây là thời gian vàng mà loại thuốc của họ có thể phát huy hiệu quả.
Lý giải về điều này, ông Plemper nói: “Khi xuất hiện các triệu chứng sởi như phát ban cũng là lúc virus đang bị hệ miễn dịch của cơ thể kiểm soát. Nhiều triệu chứng xuất hiện là hậu quả của việc hệ miễn dịch đang tìm cách tiêu diệt virus lây nhiễm. Trong thời kỳ toàn phát, lượng virus trong cơ thể bệnh nhân giảm nhanh chóng, vì chúng đã bị hệ miễn dịch tiêu diệt phần lớn. Thế nên lúc này việc sử dụng thuốc kháng virus không còn mấy hiệu quả.”
Loại thuốc ERDRP-0519 này có thể tấn công và loại trừ enzim polymerase, một loại enzim mà virus sởi cần để nhân bản và phát triển. Khi enzim này bị loại trừ, virus sẽ không thể tổng hợp được các protein mới và không lan tỏa ra khắp cơ thể.
Để đánh giá hiệu quả của loại thuốc này, ông Plemper và đồng nghiệp đã sử dụng ERDRP-0519 trên nhiều con chồn sương đã bị lây nhiễm virus CDV, một căn bệnh nguy hiểm ở động vật có vú tương tự như bệnh sởi ở người. Những con chồn sương được sử dụng thuốc sau 3 ngày bị lây nhiễm đã sống sót và virus bị loại trừ hoàn toàn khỏi cơ thể chúng.
Ông Plemper giải thích: “Loài chồn sương dùng thuốc cũng trở nên miễn dịch với loại virus này. Những con chồn sống sót đã sản sinh kháng thể chống lại virus, thế nên khi chúng tôi tiêm lại virus CDV vào người chúng, chúng không hề bị mắc bệnh.”
Ông Plemper hy vọng ERDRP-0519 sẽ không gây ra tác dụng phụ ở người và sẽ trở thành một loại thuốc uống cho người rẻ hơn thuốc tiêm rất nhiều trong tương lai không xa.
Trong điều kiện lý tưởng, các nhà nghiên cứu cho rằng thuốc của họ sẽ là một công cụ hữu hiệu để dập tắt dịch sởi ở những quốc gia thực hiện tốt chương trình tiêm chủng. Mặc dù tỉ lệ tử vong do sởi chỉ là 1/1000 ở các nước phát triển, nhưng những biến chứng mà căn bệnh này gây ra có thể rất nghiêm trọng.
Ông Plemper nói: “Đó là căn bệnh không thể xem thường. Loại virus này ảnh hưởng đến hệ miễn dịch trong một thời gian dài sau khi khỏi bệnh. Thế nên chúng tôi hy vọng loại thuốc này không chỉ cứu được nhiều bệnh nhân khỏi căn bệnh quái ác này mà còn giảm bớt những biến chứng tiềm tàng sau khi nhiễm bệnh.”
Kết quả công trình nghiên cứu của họ vừa được đăng tải trên tạp chí Science Translational Medicine.