SỨC KHỎE » Thuốc

Trị bách bệnh từ tất cả các bộ phận của cây nhót

Thứ sáu, 01/05/2015 15:04

Quả nhót được dùng ăn tươi là chính, ngoài ra nó còn được nấu canh chua. Cả cây nhót còn được dùng chữa bệnh.

Nhót là một cây ăn quả được trồng nhiều ở miền Bắc nước ta

Nhót là một cây ăn quả được trồng nhiều ở miền Bắc nước ta. Nó được dùng ăn tươi là chính, ngoài ra nó còn được nấu canh chua.

Lá nhót chứa tanin, saponosid, polyphenol. Quả nhót chứa rất nhiều chất dinh dưỡng, được dùng để nấu canh chua, vị thơm; quả nhót xanh, thái ngang dày 3 - 5mm, phơi hoặc sấy khô để làm thuốc. Ngoài quả, lá, nhân hạt, rễ của cây nhót cũng có tác dụng chữa bệnh.

Theo YHCT, quả Nhót có vị chua, chát, tính bình. Có tác dụng thu liễm, trừ ho suyễn (chỉ khái bình suyễn), chống chảy máu (chỉ huyết). Dùng chữa tiêu hoá kém (tiêu hoá bất lương), lị, ho suyễn, băng huyết, sán khí, trĩ lở loét (trĩ sang). Liều dùng: 9 - 15g.

Nhân hạt nhót có tác dụng sát khuẩn, trị giun sán. Rễ có tác dụng cầm máu, giảm đau, thường dùng dưới dạng thuốc sắc, dùng riêng lẻ hoặc phối hợp với các vị thuốc khác. Liều dùng hằng ngày: quả 8 - 12g (5 - 7 quả khô), lá tươi 20 - 30g, lá và rễ (khô) 12 - 16g.

Dùng ngoài dưới dạng nước tắm, rửa mụn nhọt, không kể liều lượng. Theo các thực nghiệm về sinh học, lá nhót có tác dụng kháng khuẩn đối với nhiều chủng vi khuẩn gram dương và gram âm; đặc biệt đối với các chủng trực khuẩn lỵ: Shigella dysenteria, Shigella shiga, Shigella flexneri, Shigella sonnei. Trên động vật thí nghiệm, lá nhót có tác dụng chống viêm cấp và mạn tính; tác dụng tăng cường sức co bóp của tử cung.

Lá Nhót: Vị chua, tính bình, vô độc. Lá nhót chứa tanin, saponosid, polyphenol. Dùng chữa các chứng phế hư khí đoản, khái thấu khí suyễn, khái huyết, ung nhọt… Liều dùng: 9 - 15g khô (20 - 30g tươi).

Đặc biệt, về tác dụng trị chứng hen suyễn, sách Bản thảo cương mục của Lý Thời Trân đã viết: Ngay cả đối với người bị hen suyễn rất nặng cũng có hiệu quả.

Người bị nặng, uống thuốc một thời gian, ở ngực thấy nổi mày đay, ngứa ngáy, phải gãi liên tục mới chịu được. Người thể tạng suy yếu quá thì cho thêm cùng một lượng Nhân sâm vào sắc uống.

Kết quả thử nghiệm lâm sàng tại một số bệnh viện ở Trung Quốc những năm gần đây cho thấy: Dùng lá Nhót sao vàng tán mịn, ngày uống 2 lần vào sáng sớm và buổi tối, mỗi lần 4g, dùng nước cơm nóng chiêu thuốc, liên tục trong 15 ngày (một liệu trình), trường hợp cần thiết có thể phải điều trị nhiều liệu trình. Có thể dùng lá Nhót tươi 1 lạng, sắc nước, chia 3 lần uống trong ngày, liên tục trong 4 ngày.

Rễ cây Nhót: (thường đào vào tháng 9 - 10, phơi khô dùng dần): Vị chua, tính bình. Có tác dụng chỉ khái, chỉ huyết, trừ phong thấp, tiêu tích trệ, lợi yết hầu.

Dùng chữa các chứng bệnh ho suyễn, thổ huyết, khạc ra máu, đại tiện ra máu, kinh nguyệt quá nhiều, phong thấp khớp xương đau nhức, hoàng đản, tả lỵ, trẻ nhỏ cam tích, yết hầu sưng đau… Liều dùng: 9 - 15g khô (30 - 60g tươi) sắc với nước hoặc ngâm rượu uống. Dùng ngoài: sắc với nước để rửa.

Theo Khoevadep.com.vn