SỨC KHỎE » Thuốc

Vì sao thịt gà phải ăn cùng lá chanh chứ không phải bất cứ loại lá nào khác? Không chỉ bày cho đẹp mà còn có lợi ích bất ngờ

Thứ bảy, 16/12/2023 21:52

Thịt gà thêm lá chanh không những tăng thêm vị ngon mà còn trở thành bài thuốc phòng bệnh.

Vì sao thịt gà ăn cùng với lá chanh?

Thịt gà là thực phẩm quen thuộc với mọi người và được sử dụng để chế biến thành nhiều món ăn khác nhau. Trong đó, món gà luộc vẫn là phổ biến nhất. Gà luộc không chỉ là món ăn dân dã mà còn xuất hiện trên các mâm cỗ, trong các bữa tiệc quan trong.

Đã nói tới món gà luộc thì không thể thiếu lá chanh. Đĩa gà luộc luôn được rắc những thêm lá chanh thái sợi, vừa tạo sự đẹp mắt vừa kích thích vị giác. Ngoài ra, sự kết hợp thịt gà và lá chanh không chỉ làm tăng hương vị cho món ăn mà nó có tác dụng phòng bệnh.

Theo lý giải của Lương y đa khoa Bùi Đắc Sáng (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ, Hội Đông y Hà Nội), trong Đông y, thịt gà là vị thuốc có tên là kê nhục. Thịt gà có tính ôn (ấm), vị ngọt, còn lá chanh vị cay ngọt, tính ôn, có tác dụng hoà đàm, tiêu đàm, chữa ho, sát khuẩn. Hai thứ khi kết hợp sẽ bổ trợ cho nhau.

“Da gà dễ gây dị ứng, chứa nhiều vi khuẩn, một số người còn bị ngộ độc khi ăn thịt gà không đảm bảo. Việc rắc lá chanh lên thịt gà ngoài việc tạo mùi thơm, giảm độ ngấy của mỡ ở da gà thì còn có tính sát khuẩn cao, giải độc cho da gà và tránh gây dị ứng”, lương y Bùi Đắc Sáng chia sẻ.

Thịt gà ăn kèm lá chanh sẽ giúp tăng hương vị món ăn mà giảm triệu chứng bị ngộ độc.

Ngoài ra, trong Đông y có bài thuốc rất hiệu nghiệm, đó là những ai bị ngộ độc, dị ứng khi ăn thịt hoặc da gà thì dùng lá chanh sắc lấy nước uống, sẽ giảm được triệu chứng.

"Qua đó có thể thấy, lá chanh kết hợp với thịt gà là vị thuốc chứ không đơn giản chỉ tạo hương sắc, mùi vị. Tuy nhiên, chỉ nên rắc ít bởi dùng nhiều lá chanh thì món ăn sẽ có vị đắng", ông Sáng cho hay.

Một số món ăn bài thuốc từ thịt gà

Thịt gà là thực phẩm tốt cho cơ thể, đặc biệt là người gầy, sút cân, suy kiệt. Một số cách kết hợp thịt gà với các vị thuốc để tạo thành các món ăn bổ dưỡng đối với sức khỏe.

Gà hầm sâm hồi xuyên tiêu: 1 con gà, 10 gram nhân sâm, 10 gram tiểu hồi, 6 gram xuyên tiêu. Gà làm sạch, cho các vị thuốc cùng với chút rượu, đường, dầu, mắm, gia vị vào bụng gà và dùng kim chỉ để buộc chặt lại. Cho gà vào bát hoặc đĩa lên và bỏ vào nồi hầm cách thủy. Dùng cho các bệnh nhân đau bụng, đầy hơi, mệt mỏi.

Gà hầm thảo quả bột nghệ hồ tiêu vỏ quýt: Một con gà trông, 2 quả thảo quả, 3 gram bột nghệ hoặc nghệ tươi, 6 gram hạt tiêu, 3 gram vỏ quýt, hành, giấm, nước mắm. Gà làm sạch bỏ vào nồi cùng các gia vị nói trên, thêm nước và hầm nhừ. Dùng cho các trường hợp suy nhược cơ thể, đầy bụng không tiêu.

Một số bài thuốc từ lá chanh

Lá chanh có tác dụng tốt với trường hợp cảm sốt, ho, nhức đầu, sưng đau... Có thể dùng lá chanh khô sắc lấy nước uống như trà.

Lá chanh còn có tác dụng tiêu mỡ, sát khuẩn rất tốt.

Lá chanh kết hợp với lá gai, lá vối sắc uống từ 15-20 ngày sẽ giúp mát gan, thanh nhiệt, giải độc.

Dùng lá chanh, lá bưởi, hương nhu, cúc tần, lá trẻ đun lấy nước xông giúp giải cảm, trị đau đầu.

Hoàng Khuông (Theo Thương Hiệu và Pháp Luật)
Tin nổi bật
Tin cùng chuyên mục
Tin Video
Tin mới