Bố chồng tôi năm nay đã ngoài 70 tuổi. Mẹ tôi mất sớm nên ông sống cùng vợ chồng tôi suốt những năm qua. Tuy là mày râu nhưng ông cụ rất thích hóng hớt. Thậm chí, những chiều đi làm về, tôi đều thấy ông ngồi túm năm tụm ba với mấy người rỗi việc ngoài quán nước đầu xóm để buôn chuyện.
Thôi thì chuyện người ngoài, cụ thích bàn tán ra sao cũng được, đằng này, ngay cả đến những thay đổi trên cơ thể con dâu, ông cũng săm soi rất kỹ. Trong một bữa cơm tối gần đây, tôi suýt ngất lịm trước câu tuyên bố xanh rờn của cụ: “Hình như con dâu dạo này khang khác thì phải, nhất là vòng một, trông cứ giả giả. Có phải con vừa đi nâng ngực về?”. Sao ông cụ lại phán một câu vô căn cứ như vậy? Không kiềm chế được, tôi hỗn hào cãi lại: “Chuyện đó có liên quan tới bố sao? Răng của bố chẳng phải cũng là đồ giả đó sao?”.
Biết hơi lỡ lời, nên nói xong, tôi lặng thinh, không cằn nhằn gì thêm. Cả chồng tôi lẫn ông cụ đều há hốc miệng khi nghe câu nói ấy. Bố chồng không nói gì, lẳng lặng bỏ bát đũa, vào phòng nằm nghỉ. Còn lại hai vợ chồng và đứa con gái ngồi lặng thinh bên mâm cơm. Tình huống trớ trêu ấy khiến ai cũng khó xử. “Em nên ăn nói từ tốn hơn với cụ, đừng để bố bị tổn thương. Có gì thì cho qua đi!”, chồng tôi từ tốn dặn dò.
Vì gia đình, tôi nén bực, không muốn bới móc lại chuyện ấy. Nhưng “cây muốn lặng mà gió chẳng ngừng”, mấy ngày gần đây, mỗi lần tôi vào phòng tắm, ông cụ lại thập thò ngoài cửa. Tôi phát hiện được là vì có lần, vừa trút xong quần áo, tôi mới nhớ ra để quên nội y trong phòng, nên lại vội vàng trở ra để lấy. Vừa mở cửa, tôi đã thấy ông cụ đang lù lù trước mặt, ánh mắt rất lấm lét. Mấy lần sau đó, tôi vẫn thấy có bóng ai lù lù bên ngoài qua lớp cửa kính. Y như rằng, mở cửa kiểm tra, thì thấy ông bố chồng vội vàng quay người đi thẳng về phòng.
Bực mình, tôi hỏi thẳng cụ: “Sao bố lại có hành động khiếm nhã như vậy?”. Ban đầu, ông vẫn chối bay biến, sẵng giọng đốp lại: “Tôi làm gì mà chị vu oan giá họa như vậy?”. “Còn làm gì nữa ạ. Mấy ngày nay, con để ý thấy bố toàn rình rập ngoài cửa phòng tắm. Nếu con nói chuyện này với anh Hoan, bố còn mặt mũi nào để đối diện cùng con cái?”, tôi dọa. Thấy vậy, ông cụ bèn khai thật lý do: “Tôi chả có ý gì xấu, chẳng qua chỉ muốn kiểm chứng xem, ngực cô là đồ thật hay đồ giả. Tôi nghe các bà trong xóm đồn ầm lên là cô đi thẩm mỹ để lẳng lơ với trai”.
Hóa ra, đó là lý do mà suốt những ngày qua, ông bố chồng đáng kính của tôi hành động lấm lét như kẻ trộm. Tôi chẳng nói chẳng rằng, bỏ về phòng mình. Một người bố như vậy, có đáng để tôi phải tôn trọng, cung phụng? Ông cụ đã nhiều tuổi, sao xử sự nông nổi như đứa trẻ nít? Tôi phải làm sao để giải quyết êm xuôi tình huống trớ trêu này? Không lẽ, phải dọn ra ở riêng cho cụ thấm thía tội lỗi của mình?
Lời bàn
Câu chuyện của bạn quả thực oái oăm. Mối quan hệ bố chồng, nàng dâu xưa nay ít mâu thuẫn như mẹ chồng, nàng dâu. Thói quen buôn chuyện của cụ cũng xuất phát từ hoàn cảnh cô đơn tuổi già. Khi không còn người bạn đời ở bên, con cái đã trưởng thành và bận công tác, nên cụ chỉ có thể tìm nguồn vui bằng cách giao lưu với hàng xóm. Đó thực chất là việc hoàn toàn bình thường, nhưng trong trường hợp cụ thể của nhà bạn, ông cụ lại bị ảnh hưởng xấu từ những câu chuyện tầm phào, vô bổ nơi vỉa hè, nên mới nảy sinh thói xấu ấy. Để giải quyết êm xuôi chuyện này, cách tốt nhất là hãy chia sẻ với chồng bạn, để anh ấy hiểu mình và cùng tìm ra biện pháp hợp lý nhất. Có thể đưa cụ về quê một thời gian, cho cụ sống trong không khí thân thiết của xóm làng, giúp cụ thoải mái đầu óc và tránh xa những phức tạp của cuộc sống đô thị. Một khoảng cách nhất định sẽ giúp bố chồng và nàng dâu có thời gian suy nghĩ lại mọi chuyện và hoàn thiện mình hơn trong cách đối nhân xử thế. Dù gì, bạn vẫn là phận con, đừng đối đáp với cụ theo kiểu sẵng giọng, xấc xược như vậy, dễ khiến cụ bị tổn thương và nghĩ quẩn. Mong gia đình bạn sớm hòa thuận, vui vẻ trở lại.