Tuy nhiên, có những chuẩn mực mà trong thời kỳ kinh tế suy thoái hay phát triển cũng đều được đánh giá cao, đó là đạo đức nghề nghiệp và tinh thần làm việc. Bên cạnh đó, những chiến lược mới sẽ giúp bạn trong quá trình thăng tiến.
Sau đây là một số bí quyết bạn nên tham khảo để thăng tiến trong thời kỳ khủng hoảng:
Vui vẻ giúp đỡ đồng nghiệp
Kể cả trong giai đoạn khó khăn, bạn cũng đừng nên cau có, ganh đua quá mức với đồng nghiệp. Bạn phải nhớ rằng, mọi người cũng như mình, đều cần một công việc ổn định, không ai muốn có những bất đồng với đồng nghiệp hay gặp rắc rối trong công việc. Bởi vậy, bạn nên vui vẻ với mọi người và sẵn sàng giúp đỡ người khác dù chỉ là lời động viên tinh thần thôi cũng được.
Tạo lợi thế cạnh tranh cho bản thân
Thời kỳ suy thoái, thị trường việc làm gần như rơi vào tình trạng khủng hoảng thừa nhân sự. Chỉ một vị trí những nhà tuyển dụng có rất nhiều lựa chọn với nhiều ứng viên khác nhau. Bởi vậy, càng tạo được lợi thế cạnh tranh cho mình, bạn càng có giá trị và cơ hội thăng tiến cũng cao hơn.
Ngoài những kỹ năng đã có, bạn nên thường xuyên bổ sung kiến thức mới không chỉ trong lĩnh vực của mình mà còn nên để ý cả những vấn đề xung quanh để nâng cao hiểu biết cho bản thân.
Làm việc chăm chỉ
Bạn chăm chỉ, hết mình vì công việc. Điều đó không chỉ đơn giản bạn chịu khó mà còn nói lên nhiều giá trị của bạn. Bạn thích công việc này và sẵn sàng cống hiến.
Sự cần mẫn cũng nói lên giá trị của bạn đối với công ty. Trong một cuộc suy thoái kinh tế, khi mà tất cả mọi người đều làm việc ở mức độ vừa phải với suy nghĩ làm việc tương xứng với mức lương công ty trả, sự chăm chỉ sẽ giúp bạn chiến thắng.
Nói ít làm nhiều
Đừng ba hoa, khoe khoang về khả năng của mình cũng đừng phàn nàn hay tìm mọi cách đổ lỗi cho người khác khi mình gây ra lỗi. Thay vì chỉ nói, bạn nên dành thời gian đó để tập trung cho công việc và sẵn sàng chịu trách nhiệm với các hoạt động mình phụ trách. Sếp không muốn nghe bạn nói nhiều nhưng lại đánh giá cao những gì bạn làm được cho công ty.
Tăng doanh thu, giảm chi phí
Đây là chủ đề được nhiều công ty quan tâm và bạn cũng nên ghi nhớ bởi bạn là một cá nhân góp phần vào lợi nhuận, chi phí của công ty. Vì thế, bạn nên tìm cách giúp công ty vượt qua khó khăn, kiếm ra tiền nhiều hơn. Nếu bạn là một nhân vật tiêu tốn khá nhiều tiền từ công ty, bạn cũng nên nghĩ cách cắt giảm bớt chi phí bởi chỉ cần mỗi người một chút sẽ "góp gió thành bão", giúp đỡ công ty rất nhiều trong giai đoạn khó khăn.
Trong thời kỳ suy thoái, bạn nên cảm thấy hạnh phúc và biết ơn công ty vì đã có được một công việc ổn định. Với suy nghĩ ấy, tự nhiên, bạn sẽ làm được nhiều điều tốt đẹp hơn cho công ty, đóng góp vào tầm nhìn, định hướng của công ty. Bằng cách đó bạn có thể tăng khả năng thăng tiến trong công việc mà không phải lo kinh tế suy thoái.