Nhiều COCC sốt vó
Cô M., 51 tuổi, trưởng phòng kế toán ở tỉnh Q. đang rất lo lắng trước thông tin tinh giản biên chế, xét về hưu trước tuổi cho một số cán bộ. Cô M. không có bằng cấp cao, trước đây chỉ tốt nghiệp trung cấp, sau học tại chức dần lên cao đẳng, đại học để bổ sung bằng cấp. Rất có thể cô sẽ thuộc diện phải nghỉ hưu sớm trong đợt tinh giản biên chế này.
Cô M. muộn chồng, chỉ có duy nhất một đứa con gái đang học năm thứ hai đại học. Cô đã vạch sẵn kế hoạch tương lai sẽ lo cho con gái vào phòng mình trước khi cô nghỉ hưu.
Đợt tinh giản biên chế lần này khiến cô lo sốt vó vì kế hoạch của cô có khả năng đổ bể. Nếu cô phải nghỉ hưu sớm trước khi con gái cô ra trường, sẽ không còn đủ quan hệ để lo cho con nữa. Mấy ngày nay, cả gia đình mất ăn, mất ngủ. Bố mẹ thì thở dài lo cho con, còn cô con gái của cô M. cũng hoảng hốt khi con đường nhung lụa, nhàn hạ tưởng chừng chắc ăn có nguy cơ sụp đổ.
Cũng trong tâm trạng sốt vó, ủ ê vì dự thảo tinh giản biên chế đợt này là D., một cô gái trẻ mới vừa được nhận vào làm công chức nhà nước ở tỉnh B. Người xin cho D. vào làm là cô ruột của cô, đang có nguy cơ phải giảm biên trong đợt này.
Dù vào công ty bằng thực lực và có khả năng làm việc tốt, nhưng D. vẫn rất lo. Thực chất, trong thời gian gần đây, kể cả là COCC có người xin cho, cơ quan D. cũng xem xét đến bằng cấp và thực lực của nhân viên trước khi tuyển dụng, không nhận người không làm được việc vào cơ quan. Thế nhưng, việc không có người đỡ lưng trong lúc mới vào làm, còn nhiều bỡ ngỡ cũng làm D. lo lắng, bởi bản chất cô nàng khá nhút nhát, không giỏi giao tiếp cho lắm.
Bố mẹ D. cũng buồn rầu, sợ rằng không có người quen, tiểu thư khờ khạo, ngây ngô của họ sẽ không đối chọi nổi với những sóng to, gió lớn ở cơ quan.
L., một công chức nhà nước ở tỉnh B. thì lo sốt vó do cô có 2 năm liền có ngày nghỉ ốm trên 60 ngày. Vốn L. bị bệnh thận, thường xuyên phải đi chạy thận, thỉnh thoảng thấy mệt trong người thì lại xin nghỉ nằm ở nhà. Nếu ở cơ quan khác, có lẽ L. đã bị cho thôi việc từ lâu. Nhưng vì L. đã làm ở đây lâu năm, thân quen với mọi người trong cơ quan. Đồng nghiệp cũng chân tình, thông cảm cho cô, sếp là bạn thân của mẹ cô nên cũng nhắm một mắt, mở một mắt cho L.
Dự thảo tinh giản biên chế được đưa ra khiến L. lo lắng sẽ mất việc, một khoản thu nhập của gia đình không còn và bảo hiểm xã hội - thứ rất cần cho việc chữa bệnh của cô cũng mất. L. khóc ròng mấy đêm vì lo cho tương lai của bản thân và gia đình.
Phe thực lực vui mừng
T. (28 tuổi, Hà Nội) từ lâu đã bất bình với bạn đồng nghiệp cùng tuổi – H. Xét về khả năng, thực lực, T. đều hơn hẳn H. Cô vô cùng bất bình khi một người chỉ tốt nghiệp đại học bằng trung bình khá một trường dân lập như H. có thể dễ dàng vào làm cùng chỗ với cô.
Trong khi công việc của T. khá bận rộn thì H. lại nhàn nhã sáng cắp túi đi, chiều cắp túi về. Mọi người cũng ít khi giao việc gì quan trọng cho H. vì biết rằng cô không được lanh lợi cho lắm.
Khi đọc được các trang tin tức trên mạng về thông tin tinh giản biên chế, T. đã khấp khởi mừng thầm, hy vọng rằng cơ quan sẽ loại trừ những người không có thực lực như H.
C. thì hy vọng sẽ thoát khỏi phó phòng kiến thức kém nhưng độ tác quái, săm soi có thừa của mình, và nhân viên mới như C. chính là mục tiêu hàng đầu của bà. Thay vì săm soi về nghiệp vụ, bà lại thường xuyên soi chuyện ăn nói, chuyện đi đứng và sai C. đi làm những việc vặt vãnh. C. thường xuyên bị bắt đi chợ mua đồ ăn vặt hay nhặt rau hộ phó phòng. Trong lòng cô uất ức từ lâu nhưng không dám ho he gì, chỉ cun cút nghe lời.
Từ hôm dự thảo được đưa ra, nhìn phó phòng hắc xì dầu lo lắng, mặt xanh nanh vàng, thường xuyên thở ngắn, than dài mà C. mừng thầm, mong rằng sẽ kết thúc những tháng ngày đen tối dưới trướng "bà la sát".
Y., một công chức thi tuyển vào làm hoàn toàn bằng thực lực cũng rất mừng trước tin tức này. Cô chia sẻ:
“Nhiều người khi nghe mình chia sẻ về việc làm đều hỏi là ai xin cho đấy, mất bao nhiêu tiền. Thực tế, hầu hết mọi người trong cơ quan mình đều vào nhờ thực lực. Bọn mình thi tuyển tập trung và nghiêm túc.
Bị nhiều người hiểu lầm thế này mình rất buồn và cảm thấy bất công. Mong rằng khi dự thảo tinh giản biên chế được thực hiện sẽ giúp mọi người có cái nhìn thiện cảm và đúng đắn hơn về nghề nghiệp của bọn mình.
Mình ủng hộ việc tinh giản biên chế, sẽ giúp thu hút nhân tài và tiết kiệm ngân sách cho nhà nước”.
Trên các trang mạng và diễn đàn, rất nhiều người vui mừng và ủng hộ dự thảo mới này của Chính phủ.
“Tinh giảm những cán bộ không còn năng lực làm việc là chủ trương đúng, phù hợp với quy luật phát triển của xã hội”. – Bạn Kito Kun comment dưới tin tức về vấn đề này trên một trang báo mạng.
Theo dự thảo nghị định về chính sách tinh giản biên chế của Chính phủ do Bộ Nội vụ vừa công bố, sẽ có 5 trường hợp nằm trong diện xét tinh giản biên chế sắp tới của Chính phủ, gồm:
Thứ nhất, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động có hợp đồng không xác định thời hạn dôi dư do sắp xếp lại, chưa đạt trình độ theo tiêu chuẩn, có chuyên môn đào tạo không phù hợp với ngành nghề, có năng lực hạn chế, có 2 năm liên tiếp có số ngày nghỉ ốm trên 60 ngày.
Thứ hai là cán bộ cấp xã nghỉ việc do thực hiện chế độ kiêm nhiệm một số chức danh theo quyết định của cấp trên, không thể bố trí được công tác khác.
Thứ ba là thành viên hội đồng quản trị, tổng giám đốc và các vị trí lãnh đạo của các công ty TNHH một thành viên do nhà nước làm chủ sở hữu, nay cổ phần hoá hoặc giao, bán, giải thể, phá sản…
Thứ tư là người đại diện theo ủy quyền đối với phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp có vốn nhà nước, nay doanh nghiệp đó không còn phần vốn nhà nước nhưng không bố trí được vào vị trí công tác mới.
Thứ năm là những cán bộ, công chức được luân chuyển sang giữ các chức danh chủ chốt, được tuyển dụng hoặc được điều động thuộc biên chế được giao trong các hội có tính chất đặc thù, nay thuộc danh sách dôi dư do sắp xếp lại hoặc không đáp ứng yêu cầu chuyên môn…
Theo dự thảo, đối tượng tinh giản biên chế nói trên sẽ kèm theo điều kiện từ 55 – 58 tuổi đối với nam, 50 – 53 tuổi đối với nữ, có thời gian đóng bảo hiểm xã hội từ 20 năm trở lên.
Số đối tượng tinh giản biên chế khi chuyển sang bộ phân khác không hưởng lương từ ngân sách sẽ được lĩnh 3 tháng tiền lương hiện hưởng, được trợ cấp ½ tháng lương cho mỗi năm đóng bảo hiểm. Riêng với những người thôi việc, ngoài được 3 tháng tiền lương thì được thêm 1,5 tháng lương cho mỗi năm công tác đóng bảo hiểm.
Theo báo cáo của Bộ Nội vụ, số cán bộ, công chức trong diện biên chế hưởng lương ngân sách nhà nước năm 2012 gần 400.000 người, chưa bao gồm Bộ Quốc phòng và Công an. Ngoài ra còn khoảng 257.000 biên chế cấp xã. Trong năm 2013 số lượng biên chế không tăng và Bộ dự kiến sẽ đề xuất Chính phủ giảm khoảng 15 – 20% số biên chế hiện tại.
Còn theo kế hoạch từ nay đến 2020, Bộ sẽ đề xuất Chính phủ thực hiện tinh giản biên chế khoảng 100.000 người. Trong đó khoảng 80% giải quyết nghỉ hưu trước tuổi và 20% giải quyết thôi việc.
Dự kiến tổng kinh phí thực hiện chính sách tinh giản biên chế số cán bộ, công chức, viên chức nói trên trong sáu năm khoảng 8.000 tỷ đồng.