Bị "cá dí"
Mai (23 tuổi, Tp. Hồ Chí Minh) vừa mới tốt nghiệp đại học loại giỏi và ngay lập tức được nhận vào làm tại Công ty tư nhân H.M. Biết mình là “lính mới” nên sếp giao việc gì Mai cũng cố gắng hoàn tất, dù làm bên mảng Marketing nhưng khi bên Bộ phận Nhân sự thiếu người, sếp yêu cầu qua hỗ trợ đồng nghiệp, chị cũng vui vẻ thực hiện.
Tuy nhiên, không chỉ mệt mỏi bởi áp lực công việc, cô gái trẻ còn phải hứng chịu sự dè bỉu, đố kị từ những đồng nghiệp xung quanh, chỉ đơn giản vì Mai luôn làm tốt công việc của mình. Mặc dù chị luôn cố gắng hòa đồng với mọi người nhưng sự quá quắt vẫn ngày càng tăng cao, họ hùa nhau “ném” thêm nhiều công việc “ngoài lề” khác cho chị. Vì “đơn thương độc mã”, chị chẳng dám hó he nửa lời.
Được vài tháng, chị cảm thấy cường độ làm việc ngày càng cao, công việc nhiều đến chóng mặt, mà đa số lại không nằm trong nhiệm vụ của chị và không hề có tên trong bản hợp đồng đã ký trước đó.
Cắt lương
Trường hợp của chị Phượng (25 tuổi, Tp. Hồ Chí Minh) còn bi đát hơn, làm nhân viên bất động sản trong công ty P.T từ những ngày đầu mới thành lập nên dù thị trường bất động sản đang đóng băng, mức lương của cô vẫn ổn định. Tuy nhiên trong thời gian gần đây, việc bán đất, căn hộ ngày càng khó khăn, nhiều công ty đứng trên bờ vực bị phá sản, đóng cửa, công ty P.T cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự.
Ban điều hành lại chưa tìm ra giải pháp phù hợp để tăng nguồn doanh thu, bị đẩy vào thế chân tường, công ty đã tiến hành chiến dịch cắt giảm 10% lương thưởng nhân viên. Mức thu nhập và chất lượng công việc bị chèn ép, nhiều nhân viên đã tỏ thái độ phẫn nộ và ra sức phản đối “điều luật” mới này.
Sa thải vô cớ
Mỗi lần kể lại chuyện này, chị Trang (32 tuổi, Tp. Cần Thơ) không khỏi tức giận. Với thâm niên phục vụ cho công ty đã hơn 10 năm, Trang rất bất ngờ trước sự quyết định bị sa thải từ công ty du lịch Đ.L.
Trong suốt quá trình làm việc, chị luôn dốc lòng phục vụ đem lại nguồn lợi cho công ty, chị tích cực làm thêm ngoài giờ để tìm kiếm và chăm sóc nguồn khách hàng mà không đòi hỏi thêm khoản nào. Những tưởng với năng lực và sự trung thành này, Trang sẽ được thăng chức, tăng lương và có một chế độ đãi ngộ tốt nhưng kết quả hoàn toàn trái ngược.
Công ty bỗng nhiên tuyển một nhân viên mới có kinh nghiệm 1 năm vào làm ở bộ phận chị dù trước giờ bộ phận này do một mình chị phụ trách toàn bộ. Giám đốc yêu cầu chị phải chuyển tất cả nguồn dữ liệu khách hàng cho nhân viên mới. Nhanh chóng nhận ra chiêu trò của công ty chèn ép mình, chị Trang kiên quyết phản đối, không làm theo lệnh của giám đốc.
Tức nước vỡ bờ
Sau thời gian lãnh đủ mọi công việc tả pí lù, Mai đã quyết định xin nghỉ việc và chuyển công ty vì không chịu nổi cách làm việc bóc lột và sự phân biệt đối xử từ đồng nghiệp. Chị nghĩ rằng, mình còn trẻ còn nhiều cơ hội cho mình trải nghiệm, chị không thể “giam mình” trong môi trường tù túng này, vừa áp lực, cơ hội thăng tiến lại mịt mù. Cho đến bây giờ, chị vẫn không hối hận với quyết định cho mình.
Vì nhu cầu chi tiêu thành phố đắt đỏ, mức lương thấp, nên sau khi thương lượng mức lương không thành với Ban điều hành công ty P.T, Phượng cùng một số nhân viên kinh doanh đã nộp đơn xin nghỉ việc, kéo theo nhiều thành viên khác cũng nghỉ theo.
Cùng một lúc mất nguồn nhân lực lớn, Ban lãnh đạo đã bày tỏ tình hình bế tắc hiện tại của công ty và mong nhận được sự chung tay giúp đỡ từ nhân viên, công ty hứa sẽ xem xét lại về quyết định mức lương, kết quả cuối cùng là chỉ giảm 5% lương so với ban đầu.
Bị “yếu thế” trước những chứng cứ hùng hồn của chị Trang như giấy tờ công chứng, hợp đồng đã ký, điều luật Lao động cùng tinh thần “đấu tranh” của chị suốt hai tháng trời, công ty Đ.L đã phải bồi thường và cho chị hưởng đúng theo quyền lợi . Chị Trang bộc bạch: “Bây giờ người ta sống thực dụng lắm, đừng bao giờ có suy nghĩ sẽ gắn bó cống hiến cho một công ty lâu dài, đó là một điều không tưởng, chắc chắn người thiệt thòi chỉ là mình mà thôi!”