Mới đây, một ngôi sao của showbiz Việt phát ngôn rằng: “Mất trinh năm 20 tuổi đã là trễ nhất showbiz Việt”. Ngôi sao này cho biết, cô 20 tuổi mới làm “chuyện ấy”. Nhưng mốc thời gian này là quá muộn so với chị em trong nghề rồi nhé. Bởi theo như những gì mọi người xung quanh tâm sự hay làm cuộc khảo sát miệng, thì cô là người mất trinh cuối cùng…
Vẫn biết, thế giới showbiz vô cùng phức tạp. Những chuyện khoe hàng, lộ ảnh nóng, những tin đồn mỹ nữ cặp kè đại gia, đổi tình lấy tiền… không còn xa lạ. Tuy nhiên, nếu đúng như lời của ngôi sao này, thì quả là cho chúng ta không ít bất ngờ, bởi có những người bước chân vào showbiz khi tuổi đời còn rất trẻ, chưa đến 18 tuổi và đang còn là học sinh.
Mà đâu chỉ có giới showbiz, trong xã hội hiện nay, suy nghĩ của nhiều cô gái cũng thoáng lắm. Thế nên, một anh chàng giáo viên 30 tuổi ở quận Thanh Xuân, Hà Nội từng có một phát ngôn rằng: “Với kinh nghiệm yêu đương trong 2 năm, vào nhà nghỉ với khoảng 20 cô, tôi khẳng định 99% con gái bây giờ không còn trinh trắng, 1% còn lại không dở hơi, thần kinh thì cũng chả ra gì”.
Vẫn biết rằng, những lời nói trên đây chỉ là phiếm diện, và tính chính xác còn cần phải xác minh, nhưng nó cũng khiến cho tôi rất hoang mang. Bởi trinh tiết của người phụ nữ phương Đông, trong đó có Việt Nam vốn được coi như một phạm trù để đánh giá đạo đức của người phụ nữ, và được ví như “ngàn vàng” của người con gái. Người còn gái mất trinh trước khi lấy chồng bị coi là hư hỏng. Thời xưa, người con gái không chồng mà chửa thường phải chịu những hình phạt rất nặng nề như: Bị “cạo trọc, bôi vôi”, “đóng bè thả trôi sông”…
Không còn hà khắc như thế, trong xã hội ngày nay, hai chữ “trinh tiết” tuy vẫn rất được coi trọng, nhưng con người cũng đã có cái nhìn thoáng hơn rất nhiều. Đất nước hội nhập với thế giới, sự du nhập của nhiều nền văn hóa, đặc biệt là phương Tây đã khiến cho lối sống của giới trẻ trở nên “thông thoáng” hơn. Việc sống thử, đi qua giới hạn trước hôn nhân không còn là điều gì xa lạ. Xã hội cũng dần chấp nhận, và cho đó là chuyện bình thường. Thế nhưng, trong con mắt của nhiều người, thì trinh tiết vẫn là một trong những yếu tố rất thiêng liêng, quý giá, cần phải giữ gìn của người con gái.
Thế nhưng, lối sống của một bộ phận những người con gái quá dễ dãi đang làm mất đi những giá trị truyền thống tốt đẹp của người con gái Việt Nam. Tôi không cho rằng việc “mất trinh” trước khi lấy chồng là một điều xấu xa. “Giữ” hay “cho” là tùy thuộc vào suy nghĩ của mỗi người. Nhưng tôi rất khó chịu khi có người lại tự hào là mình đã “mất trinh” khi chưa có chồng; tôi cũng vô cùng phản cảm khi nghe những người đàn ông phát ngôn coi thường rằng con gái Việt là thoáng và dễ dãi, với giọng điều và lời lẽ đầy khinh thường và miệt thị.
Dù khó chịu, nhưng nó vẫn buộc tôi nhìn vào một thực tế: Là tôi quá nhạy cảm hay do tôi đã bị tụt hậu, lạc lõng trong cái xã hội ngày nay. Là một người con gái mang trong mình tư tưởng truyền thống, từ trước tới giờ, tôi vẫn luôn kiên định rằng, phải giữ gìn cái quý giá nhất của người con gái đến đêm tân hôn, dành cho người mà mình sẽ lấy làm chồng. Dù người yêu rất nhiều lần đỏi hỏi, nhưng tôi luôn kiên định từ chối.
Tôi chưa từng băn khoăn hay lo lắng về quyết định của mình, bởi tôi nghĩ, nếu anh yêu tôi anh sẽ chờ, còn nếu cái anh cần chỉ là thân xác của tôi, thì anh không đáng để tôi gửi gắm cả cuộc đời. Nhưng nay, khi đọc được phát ngôn của ngôi sao kia trên báo, lần mò lại vô tình đọc được bài viết của anh chàng giáo viên kia khiến tôi vô cùng hoang mang. Một đằng tôi nghĩ, việc tôi kiên quyết giữ gìn “cái ngàn vàng” của mình có ý nghĩa gì không, tôi có bị lạc lõng trong trong cuộc sống hiện đại này không, và lẽ nào tôi lại nằm trong số 1% những người bị dở hơi ấy. Tôi có nên đi làm lễ “phá trinh” để theo kịp thời đại.
Thế nhưng, nếu tôi “cho” đi rồi, liệu người yêu tôi có còn trân trọng, yêu thương tôi như trước. Bởi ngày nay, dù tư tưởng đã thoáng hơn rất nhiều, nhưng cũng có không ít đàn ông vẫn dựa vào cái “màng trinh” ấy để đánh giá về đạo đức của người con gái. Khi yêu, họ “đòi hỏi” cho bằng được, nhưng khi được “cho” rồi, thì họ lại nghĩ là mình dễ dãi. Khi yêu, họ muốn chiếm bằng được, nhưng khi lấy vợ, họ lại muốn lấy được một người con gái còn “nguyên tem, nguyên kiện”.
Điều tôi lo lắng không phải là không có cơ sở. Qua thông tin báo chí, qua những câu chuyện mà tôi được chứng kiến trong cuộc sống thường nhật, đã có không ít người con gái bị bỏ rơi khi đã “dâng hiến” cho người yêu. Rồi có những người chồng vội trở mặt vì sau đêm tân hôn không thấy vợ ra máu. Họ dựa vào đó để có thể danh chính ngôn thuận đi ngoại tình, thường xuyên nhục mạ, hành hạ vợ mỗi khi tức giận…
“Trinh tiết” của người con gái vẫn là vấn đề muôn thủa trong xã hội của chúng ta và cũng là nguyên nhân khiến không ít người con gái phải “ngậm quả đắng” trong cuộc sống hôn nhân. Chính vì vây, ngày nay, có không ít cô gái khi lỡ “mất đi” đã phải tìm cách “vá lại”…
Thật mong, các đấng mày râu đừng chỉ dựa vào một cái “màng trinh mỏng manh” ấy để đánh giá đạo đức, phẩm hạnh của một người con gái.