Chú ý đến cách ăn mặc của mình
Phần lớn đàn ông là những người ít chú trọng chuyện ăn mặc. Họ có thể ra ngoài với chiếc áo phông khi mặc ở nhà, và vẫn chiếc áo ấy họ có thể lên giường đi ngủ. Họ cũng hay diện quần bò, áo phông đến tham dự một buổi lễ trang trọng, trong khi tủ quần áo có đủ sơ mi, cà vạt, comple... Đây cũng là điều khiến không ít người vợ phiền lòng.
Với nhiều phụ nữ, việc chồng mình quá xuề xòa chuyện ăn mặc không chỉ làm mất mặt họ mà còn còn khiến họ buộc phải trở thành stylish bất đắc dĩ cho chồng. Hễ đi đâu, làm gì, người vợ thường phải chọn sẵn một bộ quần áo phù hợp cho chồng mặc. Họ cũng hay phải nhắc nhở, chỉnh đốn chồng mặc cái này, thay cái kia...
Trong khi chị em dành nhiều thời gian chăm chút chuyện ăn mặc của mình thì trái ngược hoàn toàn, đàn ông lại quá lơ là với việc đó. Với người ngoài, cách ăn mặc của một người đàn ông phản ánh cả sự chăm sóc, khéo léo, quan tâm của người vợ. Vậy nên, chị em luôn ao ước cánh mày râu biết ăn mặc hơn, chăm chút cho diện mạo của mình khi ra ngoài hơn để họ được "thơm lây".
Biết lắng nghe hơn
Nhiều cô gái tâm sự, họ chỉ mong chồng/người yêu mình trở thành người lắng nghe một cách tích cực nhất. Phụ nữ biết khi nào nửa kia lắng nghe mình nói, khi nào chỉ giả vờ tập trung trong khi đầu óc đang lơ đễnh việc khác. Người lắng nghe tích cực là người hiểu và biết chia sẻ với nỗi niềm của phụ nữ.
Khi gặp khó khăn trong công việc, khi mệt mỏi chuyện gia đình, khi mối quan hệ đang có vấn đề, điều phụ nữ mong mỏi ở đàn ông không phải chỉ là cái gật/lắc đầu vô hồn hay một câu nói cụt lủn "Có"/"Không". Trái lại, điều phụ nữ muốn đàn ông thay đổi sau khi kết hôn đó là "luôn luôn lắng nghe, luôn luôn thấu hiểu". Họ mong mọi điều mình nói ra, mình tâm sự phải nhận được sự chú ý của nửa kia để giúp họ gỡ rối những muộn phiền.
Phụ nữ đã quá ngán ngẩm mỗi khi rơi vào tình huống "Anh có nghe em nói không đấy?", "À ừ, có chứ, em nói tiếp đi". Trong khi vừa trả lời, đàn ông vừa dán mắt vào điện thoại hoặc ti vi thì những gì đàn ông nghe được chỉ là câu được câu chăng. Trong suy nghĩ của chị em, chỉ có lắng nghe một cách tích cực mới có thể trở thành người đồng cảm sâu sắc.
Biết sơ lược về chuyện bếp núc
Nhai nhóp nhép trong lúc ăn, dao thái dùng làm dao chặt, đổ salad vào chảo chiên... là những điều không thể chấp nhận được nhưng đã xảy ra với nhiều người đàn ông. Có lẽ cánh mày râu đã quen với việc làm thực khách trong căn nhà của mình nên đa số họ gần như "mù tịt" chuyện bếp núc.
Trong khi đó, cuộc sống của người phụ nữ sau khi kết hôn rất bận rộn. Ngoài bổn phận của một người vợ đảm, chị em vẫn phải đi làm, kiếm tiền, đối nội - đối ngoại... Những khi cơ nhỡ không thể kịp nấu ăn ở nhà, một người đàn ông biết nấu nướng sẽ san sẻ bớt gánh nặng cho chị em. Đây cũng là điều mà mọi phụ nữ đều khao khát người đàn ông của mình thay đổi sau khi kết hôn.
Người đàn ông biết nấu nướng vừa san sẻ việc cho vợ, vừa khiến cuộc sống gia đình trở nên thú vị hơn. Những khi rảnh rỗi, những dịp cuối tuần, hai vợ chồng có thể cùng nhau vào bếp để "đổi gió"cho bữa cơm gia đình.
Sống có tổ chức hơn
Một chàng trai độc thân có thể đi sớm về khuya, cả ngày không ăn cơm nhà, chăn màn bừa bãi trên giường - dưới đất, lên giường vào lúc gần sáng và bình minh vào khoảng giữa trưa... Nhưng người đàn ông đã có gia đình mà vẫn giữ nguyên những thói quen ấy thì thực sự là cơn ác mộng với vợ. Cuộc sống gia đình đòi hỏi sự nỗ lực gắn kết và vun vén tình cảm từ hai phía. Nếu một người luôn cố gắng hết mình, nhưng người kia lại ra sức "đạp đổ" thì chẳng hạnh phúc nào có thể níu giữ.
Khi chuyển từ cuộc sống độc thân sang cuộc sống gia đình, điều phụ nữ thực sự mong mỏi đó là người yêu trước kia - người chồng hiện tại biết sống có tổ chức hơn. Nề nếp, quy củ, biết mọi thứ mình làm và làm mọi việc để đạt được kế hoạch đề ra... là những gì các bà vợ mong chồng thực hiện.
Đàn ông nên biết rằng, lập gia đình nghĩa là mình không còn là chàng trai cô đơn, tự do, phóng túng với mọi sở thích của mình nữa. Suy cho cùng, muốn sống có tổ chức hơn thì người đàn ông ấy cần phải đề cao hai chữ "trách nhiệm" trong đầu mình.
Phê bình một cách chân thành
Nếu nhìn thấy nửa kia mặc chiếc váy quá béo, diện chiếc áo không phù hợp, hãy thẳng thắn góp ý cho phụ nữ biết. Điều tưởng như đơn giản đó nhưng lại là kỳ vọng của chị em về cánh mày râu sẽ biết đường thay đổi sau khi kết hôn.
Có một thực tế là phụ nữ luôn thích nhận được sự khen ngợi. Và để chiều lòng chị em, khi yêu, đàn ông luôn tự biến mình trở thành kẻ dối trá khi phải đưa ra lời nhận xét về một nửa của mình. Tuy nhiên, người phụ nữ khi đã có gia đình không còn là cô gái ưa nịnh nọt như trước đây nữa. Họ sống thực tế hơn, thích những lời khen chân thành và muốn nhận được những lời phê bình thật lòng. Béo nói béo, đẹp nói đẹp, tốt nói tốt, xấu bảo xấu... Khi thấy bộ trang phục mới quá "lệch tông" so vợ, chị em sẽ đánh giá cao nếu chồng tế nhị nói cho vợ biết.
Những lời khen giả tạo không còn phù hợp với "gái có chồng". Điều phụ nữ khao khát là người đàn ông của mình sẽ giúp bản thân hoàn thiện hơn cả về diện mạo, tích cách... nhờ những góp ý chân thành.