Tôi gạt chị và vô thức chạy mải miết mà không dừng lại. Vừa chạy vừa thấy đau nhói trong tim và thấy thương cho phận đàn bà như chị, như tôi và nhiều kiếp đàn bà khác nữa...
Tôi và chị L. không phải là chị em ruột. Bố mẹ tôi ly hôn khi tôi chưa tròn 1 tuổi rồi mẹ tái giá với bố của chị L. Chị L. hơn tôi 3 tuổi. Hai chị em tôi tuy không cùng chung một dòng máu nhưng rất sống thuận hòa, yêu thương và biết nhường nhịn nhau. Nếu không nói ra thì ai cũng nghĩ chúng tôi là chị em ruột. Chị L. càng lớn càng xinh đẹp và được nhiều trai làng đến tán tỉnh hỏi cưới làm vợ nhưng chị nhất quyết phải học xong lớp trung cấp mới chịu đi lấy chồng.
Tốt nghiệp trung cấp Y, chị lấy chồng và được gia đình chồng xin cho làm cấp dưỡng ở bệnh viện Tỉnh. Từ khi chị đi học và lấy chồng xa nhà, tôi và chị ít khi được gặp gỡ, hàn huyên, tâm sự với nhau.
Tốt nghiệp cấp 3 mẹ tôi đã gửi gắm chị L. và anh rể cho tôi lên phố để học hoặc tìm việc làm. Tôi không giỏi dang, xinh đẹp và thông minh như chị L. nhưng vẫn được rất nhiều đàn ông để ý.
Xa mẹ, tạm biệt làng quê thanh bình tôi theo chị L. lên phố để học ôn thi đại học. Đó là hướng đi mà chị L. vẽ ra và bắt tôi phải thực hiện bằng được vì chị bảo: "Đàn bà không học thì khổ một đời nên em gắng học rồi có công ăn việc làm hẵng tính đến chuyện gia đình".
Ở cùng gia đình anh chị, tôi mới biết cuộc sống của chị gái mình cũng không sung sướng như tôi đã từng mơ.
Anh rể tôi là một người đàn ông gia trưởng, kỹ tính và độc đoán. Anh ít nói, ít cười và chẳng mấy khi thấy anh tìm cảm, trò chuyện tình cảm với vợ. Tuy chị L. không tâm sự gì với tôi nhưng bằng linh cảm của một người con gái tôi hiểu rằng giữa anh chị có điều gì đó khúc mắc, mâu thuẫn ghê gớm lắm.
Chị L. là mẫu phụ nữ của gia đình và luôn nhẫn nhịn. Và có lẽ chính vì vậy mà vợ chồng chị ít khi xẩy ra tranh cãi gay gắt mà nếu có thì cũng chỉ từ phía anh rể mà thôi. Đã nhiều lần tôi thấy chị đứng ở ban công khóc nhìn xa xăm nhưng khi thấy tôi đi ra chị lại cười và bảo "Không có chuyện gì đâu, em đừng bận tâm".
Và rồi một biến cố xảy ra với gia đình tôi. Bố chị L. tức là cha dượng của tôi bị tai biến. Chị và mẹ xoay đủ mọi nơi cũng chẳng kiếm đủ số tiền chữa trị dứt điểm cho cha dượng tôi. Gia đình anh rể tôi cũng thuộc dạng khá giả trên phố nhưng tôi biết anh ta sẽ không chịu bỏ tiền ra giúp nhà vợ. Tôi biết vì đã nghe lén cuộc tranh cãi khi chị L. ngỏ ý muốn hỏi vay tiền chồng. Rồi họ to tiếng và anh rể tôi nói điều gì đó vào tai chị L.... (tôi không nghe rõ nhưng đoán chắc phải là một điều gì khủng khiếp lắm thì một người vốn hiền lành như chị mới phẫn nộ mạnh mẽ như thế).
Hai ngày sau cuộc cãi vã đó thì tôi thấy chị hẹn gặp riêng tôi ở quán cà phê. Nhìn chị phờ phạc đi vì lo cho cha dượng và chắc từ hôm cãi nhau với chồng chị không hề ngủ. Chị nắm lấy tay tôi rồi nói lời xin lỗi và tâm sự những bí mật bấy lâu chị giấu kín.
"Trước khi lấy anh T. chị đã không còn trinh nguyên vì đã dại dột trao đời con gái cho anh người yêu cùng khóa học. Đó là lý do mà chị và anh rể mâu thuẫn suốt 7 năm qua dù đã có hai đứa con ngoan ngoãn, thông minh. Hôm qua khi chị hỏi vay tiền thì anh ta ra giá mua cái ngàn vàng của em với giá 200 triệu. Anh ta muốn chị bù đắp những thiệt thòi, cái mà chị đã đánh mất trước khi kết hôn. Chị biết nói ra điều này khiến em sốc và khinh bỉ chị nhưng chị thực sự không còn lối thoát. Chị không thể làm ngơ nhìn bố bệnh tật như vậy... Chị nói ra điều này không phải bắt ép gì em mà chỉ mong em suy nghĩ và hãy vì mẹ, vì chị, vì bố hy sinh được không".
Tôi thương chị, thương mẹ và thương cả người cha không có chút máu mủ ruột rà đang nằm trong viện kia nhưng liệu tôi có nên làm theo yêu cầu của anh rể? Với tôi trinh tiết không thể quý bằng tình yêu thương gia đình được và có thể hy sinh chấp nhận mất nó để cho người thân của mình được hạnh phúc. Với số tiền lớn kia gia đình tôi không thể vay ngân hàng hay vay mượn bất cứ ai để chữa trị bệnh cho bố.
Hai ngày qua tôi ở tạm nhà cô bạn thân và suy nghĩ... nhưng chưa thể tìm được lối thoát. Tôi mong có ai đó hãy cho tôi một lời khuyên! Tôi có nên hy sinh?