Những ngày cuối cùng của năm cũ, cái xóm nghèo nơi ngụ cư của dân lao động dưới chân cầu Long Biên bỗng dưng chộn rộn tiếng cười nói râm ran. Người ta thấy chị Mai Thị C. (trú tại thôn Đào Xá, huyện Kim Động, tinh Hưng Yên) đã trở về với người chồng quanh năm đau yếu và những đứa con loẻo khoẻo, xanh rớt như những tàu lá úa. Gia đình tưởng như đã rơi xuống hố sâu của tuyệt vọng lại nhen nhóm lên những niềm hy vọng mới.
Những ngày tăm tối đã qua
Theo lời kể của chị C., trước đây gia đình chị cũng thuộc loại khá giả. Bố mẹ chị là chủ một xưởng xay xát lớn nhất nhì trong vùng nên tiếng rằng ở nông thôn nhưng cuộc sống của chị chẳng thua kém gì những cô tiểu thư nơi thành thị. Không phải lo chân lấm tay bùn, đầu tắt mặt tối như những người bạn cùng trang lứa, C. chỉ có việc ăn học, rong chơi.
Nhưng vốn được bố mẹ nuông chiều, vả lại trong thâm tâm luôn tự nhủ rằng sau này mình sẽ được thừa kế xưởng xay xát và gia tài của cha mẹ nên C. chẳng hề bận tâm học hành. Chị luôn cho rằng tương lai đã trải sẵn thảm hồng chờ mình bước tới. Cũng bởi mải chơi nên chưa đầy 18 tuổi, C. đã mang cái bụng bầu lùm xùm rồi vội vã làm đám cưới với một chàng trai xóm bên, người mà chị chỉ mới “đi chơi vài lần và chưa hề có tình cảm gì đặc biệt”.
Vợ trẻ con lấy chồng trẻ con, chưa kịp lớn đã phải làm bố, làm mẹ, nên vợ chồng C. thường xuyên cãi vã. Đã không ít lần, C. phải bế con ra quán điện tử tìm chồng. Dù đã có vợ con nhưng chồng C. vẫn lang thang ra cổng trường cấp 3 chơi để “tăm tia” đám nữ sinh. Rồi một ngày, C. vẫn còn nhớ như in, cô đang ôm đứa con lên cơn sài đẹn khóc ngằn ngặt thì một cô gái còn mặc nguyên chiếc áo trắng đồng phục lớp 10 vác bụng đến trước cửa gào khóc, bắt đền chồng cô.
Tức khí, C. ôm hết đồ đạc, quần áo của chồng ném ra đường, và chồng cô cũng từ đó một đi không trở lại. Đến tận khi ấy, cô vẫn chưa đủ tuổi đăng ký kết hôn. Những tuởng sau những sai lầm, vấp ngã đầu đời, cô sẽ trưởng thành hơn, nào ngờ từ khi bỏ chồng, cô cũng chẳng đoái hoài gì tới con cái, lại mải miết với những cuộc ăn chơi liên tỉnh. Chỉ vài tháng sau, khi đứa con đầu còn chưa tròn một tuổi, cô lại vác bụng bầu, lần này thì chẳng tìm ra ai để “bắt đền” và xin cưới.
Quá xấu hổ, tuyệt vọng với cô con gái đã “vô phương cứu chữa”, bố mẹ C. phải hỏi cho cô một anh chàng gần nhà, hiền lành, cục mịch. Chẳng hiểu bố mẹ cô thuyết phục thế nào mà anh chàng kia đồng ý làm đám cưới. Còn cô, cực chẳng đã cũng phải lấy chồng để hợp thức hóa cái thai. Ngày ấy, cứ mỗi lần lên cơn tức giận là cô lại lôi chồng ra xỉa xói, chửi rủa vì nghĩ rằng anh chỉ ham tiền, hám bạc nhà cô mà đồng ý làm đám cưới. Cô coi chồng chẳng khác nào người làm công trong nhà, nhưng chồng cô với bản tính tốt lành sẵn có, đã nhịn nhục, chịu đựng tất cả.
Chán chồng, nghĩ rằng bố mẹ đày đọa mình, cô lao vào cờ bạc. Đã không ít lần bố mẹ cô phải “ôm bao tải tiền” đi trả nợ cho con. Bố cô cũng vì suy nghĩ nhiều mà lâm bệnh nặng rồi qua đời. Mẹ cô vì sự ra đi của người chồng yêu quý mà suy sụp. Công việc ở xưởng xay xát bị bỏ bê, không ai coi sóc nên dần thất thoát, thua lỗ. Rồi một ngày, C. cũng đem nó đặt phắt vào chiếu bạc, và trở thành trắng tay.
Quá uất ức vì tâm huyết của hai vợ chồng suốt tuổi thanh xuân đã bị cô con gái nướng vào trò đỏ đen, mẹ cô thổ huyết mà chết. Không sống được ở quê bởi điều tiếng, miệng lưỡi thế gian, cô cùng chồng con dắt díu nhau lên “ngồi lê Hà Nội” mong kiếm được việc làm nuôi gia đình đang ngày càng suy kiệt, nheo nhóc.
Nhưng cuộc sống ở đất thủ đô không hào nhoáng, dễ dàng như những ngày cô còn rủng rỉnh. Với số tiền mang theo, vợ chồng C. chỉ đủ thuê một căn phòng trọ tối tăm, ẩm thấp ở xóm ngụ cư nghèo dưới chân cầu Long Biên. Ngày ngày cô đi rửa bát thuê, tối đến lại nhặt nylon bỏ tại chợ về giặt rồi bán lại cho những đầu mối thu mua. Còn chồng cô vốn yếu ớt nhưng cũng phải nai lưng kiếm tiền bằng nghề cửu vạn thuê ở chợ.
Chỉ được gần 1 tháng, không chịu nổi cảnh lao động vất vả, cũng không bằng lòng với cuộc sống, nghèo khó, C. kiếm cách “xoay” tiền bằng “vốn tự có”. Còn có chút nhan sắc, cô có thể đứng chân trong các nhà hàng, tụ điểm ăn chơi. Nhưng chỉ sau hai năm “hành nghề”, cô đã rũ rượi, xác xơ như tàu lá sau cơn bão. Không thể trụ nổi ở những nơi hào nhoáng, cô đành ra đứng đường tìm khách vãng lai, được chăng hay chớ.
C. bảo đời làm gái nhục lắm, và cũng không siêu lợi nhuận như người ta tưởng, kiếm được vài đồng thì phải nộp lại cho chủ chứa, cho bảo kê, mình chỉ được phần nhỏ trong số ấy, dù những đồng tiền ấy thực sự là nước mắt và đắng cay. Lại có những khi đen đủi gặp phải bọn “xin đểu” hay đám khách giở thói côn đồ, quỵt tiền thì coi như mất trắng.
C. nhớ lại, ngày ấy chị đã “tã” lắm rồi nên khách nào, giá nào cũng phải đồng ý, không có sự lựa chọn. Có lần gặp phải một đám khách là thợ xây, chị nghĩ rằng cứ cắn răng chịu đựng rồi cũng được một món tiền mang về, nên nhắm mắt đi theo họ. Nhưng sau tất cả xong xuôi, họ bảo không có tiền, chỉ có… một gói mỳ để trả công. Cảm giác bẽ bàng, đau khổ ấy có lẽ cả đời này chị không thể nào quên được.
Rồi trong một đợt quét mại dâm của công an thành phố, chị bị đưa lên trung tâm phục hồi nhân phẩm, giữa lúc chồng đang cơn bệnh nặng vì lao lực còn các con thì nheo nhóc, dù đã đến tuổi đi học nhưng vẫn chưa đứa nào có giấy khai sinh.
Niềm hy vọng trong mùa xuân mới
Lên đến trung tâm, ngày nào C. cũng khóc vì thương chồng, nhớ con, những cảm xúc mà cho đến tận lúc ấy chị mới thấy thấm thía và quý giá biết bao. Bặt tin nhà một thời gian, thấy báo có người đến thăm, chị còn tưởng mình đang mơ, nhưng hình ảnh người chồng gầy yếu như một bộ xương chỉ chực sụp xuống bên những đứa con lem luốc đã cho chị biết đó là sự thật.
Phải tích cóp rất lâu, chồng chị mới đủ tiền để đưa các con đi thăm mẹ một chuyến. Lần gặp mặt ấy, anh chẳng mang được thứ gì làm quà ngoài một phong lương khô đã nhàu nhĩ, rúm ró. Anh thậm chí còn chẳng đủ sức để khóc, những giọt nước mắt chỉ rơm rớm nơi khóe mắt. Để các con có cái ăn, anh đã phải nhặt nhạnh đồ phế thải ở chợ, tranh việc với đám phụ nữ, nhặt nhạnh những hoa quả thải loại về cho các con qua cơn đói. C. chỉ biết khóc và thấy tội mình to lắm, mỗi ngày đều khắc khoải mong được trở về để chuộc lỗi với chồng con.
Những ngày cuối cùng của năm cũ Nhâm Thìn, chúng tôi tình cờ gặp người đàn bà ấy ở trung tâm phục hồi nhân phẩm, đôi mắt đăm đắm hướng về nơi xa xôi và chứa đựng những tâm sự ngổn ngang, bộn bề. Chị bảo sắp được về rồi, chỉ gần một tuần nữa là sẽ được đoàn tụ với gia đình. Nhìn không khí chuẩn bị Tết trong trung tâm, chị lại càng nóng lòng, sốt ruột. Càng cận kề ngày trở về, chị lại càng bối rối, nhưng rồi sự bao dung, vị tha của người chồng đau yếu, và những đứa con đã mở đường cho chị.
Nói về dự định tương lai, C. bảo chị sẽ cùng chồng con dọn về quê, nơi ấy vẫn còn ngôi nhà tổ tiên anh để lại cùng khoảnh ruộng đã lâu không có người trồng trọt. C. vẫn hy vọng rằng quê hương và tình ruột thịt của những người thân sẽ giúp chị quên đi quá khứ, quên đi những tăm tối của quãng đời lưu lạc nơi thành thị. Chị sẽ làm lại cuộc đời, sẽ trân trọng hơn những gì mình đang có. Trên chuyến xe trở về, ngoài những thứ quần áo, xoong nồi lỉnh kỉnh, vợ chồng chị còn xách theo một cặp giò mỡ, dường như họ đã sẵn sàng cho một cái tết với niềm hạnh phúc và hy vọng mới.