Chán nản, ức chế khi bị chồng khinh là tâm trạng chung của những người vợ có thu nhập thấp hơn nhiều so với chồng.
"Tiền lương cả tháng của em có đủ chi tiền ăn sáng?"
Nguyễn Minh Trang là một cô gái xinh đẹp quê ở Tuyên Quang. Cô tốt nghiệp Đại học Văn hóa và may mắn tìm được việc làm tại một Viện nghiên cứu. Tuy lương ba cọc ba đồng nhưng Trang rất hài lòng với cuộc sống, công việc của mình.
Với vẻ ngoài xinh đẹp, đi đâu Trang cũng được nhiều người chú ý. Bản tính thực dụng nên cô đã chọn Hoàng - người đàn ông hơn cô 10 tuổi, thành đạt, giàu có, có nhà ở Hà Nội. Trang rất sợ thiếu thốn về mặt vật chất. Cô sợ cảnh vợ chồng cãi vã vì thiếu tiền sinh hoạt, sợ sống chật chội trong các căn nhà trọ.
Ai cũng mừng cho Trang lấy được chồng có điều kiện kinh tế, lại chững chạc. Ban đầu, Trang cũng mỉm cười hài lòng với lựa chọn của mình.
Đúng là phụ nữ lấy chồng mạnh về kinh tế có nhiều lợi thế. Trang tưởng như đã trút được gánh nặng cơm áo gạo tiền. Chồng Trang còn là người không tiếc tiền chi cho vợ. Ngoài tiện nghi sẵn có trong nhà, anh mua quần áo, mỹ phẩm… toàn đồ đắt tiền cho vợ xài.
Nhưng niềm vui của Trang chưa kéo dài được bao lâu đã bị “dội” gáo nước lạnh vào mặt. Tháng lương đầu tiên Trang lĩnh sau khi về nhà chồng khiến cô xấu hổ. Chồng Trang - một người kiếm và xài tiền đô, cầm phong bì cả tháng lương của vợ rồi nhếch mép hỏi: "Tiền lương cả tháng của em có đủ chi tiền ăn sáng?".
Lúc mới ra trường, cầm phong bì lương, ít hơn cả bây giờ, Trang cũng thấy sung sướng lắm. Nghe chồng nói vậy, tự nhiên cô cảm thấy cái phong bì ấy sao mà đáng thương thế. Nó không bằng số tiền lẻ trong ví của chồng nữa.
Chồng Trang “động viên” cô bỏ việc vì tiền cô kiếm không được là bao. Anh cũng nói chỉ cần anh một mình đi làm là đã có thể nuôi cô như một bà hoàng. Trước sau cô đều không muốn nghỉ vì đó là tất cả những gì thuộc về lòng tự trọng của cô. Cô làm việc vì cô là con người bình thường, không phải một đứa vô dụng.
Nhưng cãi chồng thì cô yếu thế. Trang có cảm giác cô không có giá trị nhiều trước chồng. Dần dần, cô trở nên khép nép, vô hồn trước anh. Những gì chồng mua cho Trang, cô cũng không dám dùng tự nhiên như trước nữa.
Ngồi "nhỏ to" với cô bạn thân lâu ngày mới gặp, Trang tâm sự: "Lấy chồng giàu mà làm gì. Người ngoài thì tưởng mình sướng lắm, 'ở trong chăn mới biết chăn có rận'. Mình cũng đi làm đấy, cố gắng đấy mà chồng khinh thường không coi ra gì. Mang tiếng là vợ mà có bao giờ được quyền quyết định việc gì đâu".
"Em ở nhà anh đỡ phải thuê ô sin"
Chồng chị Phương (Khu đô thị Mễ Trì Hạ - Từ Liêm - Hà Nội) là trưởng phòng vật tư một Công ty Xây dựng với quy mô lớn. Anh không phải là người kiếm tiền như nước, nhưng lo cho vợ con một cuộc sống thỏa mái, không phải nghĩ ngợi về tiền nong thì anh làm rất tốt.
Chị Phương là kỹ sư môi trường, lương "ba cọc ba đồng". Từ nhà chị đến chỗ làm mất 20km. Không có thời gian ở nhà dọn dẹp, nên vợ chồng chị phải thuê ô sin làm việc nhà.
Khổ nỗi chồng chị rất khó tính. Ô sin nào thuê về cũng không làm anh hài lòng. Anh luôn càu nhàu với họ, rồi càu nhàu sang cả vợ. Không những thế, nhiều lúc không hài lòng với vợ điều gì là anh mang chuyện lương lậu "nhỏ giọt" của chị ra để cạnh khóe: "Tiền đó nuôi miệng em bữa sáng chưa đủ"...
Rồi anh cũng thường xuyên than thở chị đi làm vừa xa mà đồng lương ba cọc ba đồng còn chẳng bằng lương trả ô sin. Chị Phương nghe rất tự ái, hai vợ chồng tranh luận nhiều nhưng mãi chưa ngã ngũ việc này. Tạm thời, chị vẫn duy trì công việc của mình.
Nhưng càng ngày anh càng tỏ ra coi thường công việc của chị. Những lúc cãi vã, anh luôn nói: "Hoặc là em ở nhà chăm lo cuộc sống gia đình, hoặc là em đi học cái gì khác liên quan đến kinh tế rồi ra ngoài kiếm tiền lo cho cả nhà, anh ở nhà dọn dẹp nhà cửa. Em ở nhà thì anh đỡ phải thuê ô sin".
Chị Phương vô cùng ấm ức vì cách nói "cùn" của chồng. Bị chồng khinh ra mặt, song chị song chưa biết giải quyết ra sao nên đành im lặng.
Chị tâm sự: “Giờ chỉ ước giá mình lấy một người chồng bình thường, hai vợ chồng có thu nhập gần tương đương nhau và đừng có chênh lệch nhau quá. Ai cũng đi làm từ sáng tới tối về, cùng nhau nấu nướng, chăm con còn hạnh phúc hơn lấy một người chồng giàu có mà mình bị chồng khinh hoặc biến thành con búp bê vô dụng trong mắt chồng”.