Khi chuyện rửa bát, giặt quần áo là một chiến tích
Sau khi tổ chức đám cưới trên Hà Nội được năm ngày, hai vợ chồng Huyền về quê ra mắt họ hàng nhà chồng. Huyền vốn là đứa con duy nhất, từ nhỏ đến lớn được nuông chiều, chẳng phải động chân động tay vào việc gì nên trước khi con ra xe mẹ Huyền đã dặn dò cô rất kỹ: "Về dưới đó đến bữa con nhớ phải nấu cơm, sau khi ăn phải bê mâm bát đi rửa, tắm giặt xong con nhớ giặt quần áo chứ đừng để chồng phải giặt nhé... Có gì khó quá thì nhờ chồng giúp đỡ". Vẫn chưa yên tâm về cô con gái đã 25 tuổi nhưng tính còn rất trẻ con, mẹ Huyền dặn với thêm: “Con cần phải giữ gìn trong cả lời ăn tiếng nói, đừng để mẹ chồng phật ý đấy nhé!”. Huyền vâng dạ vui vẻ về quê chồng cùng với lời dặn dò của mẹ.
Khi về đến nơi, Huyền thấy rất thoải mái vì mọi người tương đối thân thiện và cởi mở. Sau khi ăn cơm tối, nhớ lời mẹ dặn Huyền cũng tự giác bê bát đi rửa nhưng mâm bát đầy quả thật là một ca khó với cô. Loay hoay một lúc Huyền đành cầu cứu sự trợ giúp từ chồng: "Anh ơi đi rửa bát với em đi". Thấy nét mặt của mẹ có vẻ hơi khác nên chồng cô lừng chừng, còn Huyền thì không hay biết vẫn vô tư gọi tiếp: "Anh ra rửa với em đi, mẹ em bảo cái gì không làm được thì nhờ chồng giúp đỡ mà". Nghe được câu này của nàng dâu thì mẹ chồng Huyền đã tỏ rõ sự không hài lòng, bà nói mát mẻ: "Thôi để mai mẹ bảo thằng Hải mua máy rửa bát về cho con".
Thế nhưng với bản tính thật thà, Huyền nghĩ đó là câu nói thật của mẹ chồng, cô tỏ rõ sự vui mừng: “Anh nhớ mua của hãng X ấy, bố mẹ em trên ấy cũng đang dùng của hãng đó, rửa rất sạch mà lại bền nữa”. “Mẹ đã đón một nàng dâu, giờ đón thêm cái máy rửa bát về nữa vậy. Hy vọng thằng Hải nhà này sẽ không phải lọ mọ rửa bát nữa”, mẹ chồng Huyền nói xong lắc đầu đi thẳng vào nhà. Lúc này Huyền mới nhận ra ẩn ý đằng sau câu nói của mẹ chồng. Cô không dám nhờ chồng nữa mà cố gắng một mình xoay sở.
Ở nhà chồng sang đến ngày thứ 3, Huyền đã bắt đầu quen với một số việc nội trợ. Tối ấy sau khi thu dọn xong cô gọi điện cho mẹ đẻ khoe như một đứa trẻ: "Mẹ ơi tối nay con đã rửa bát và giặt quần áo như lời mẹ dặn rồi đấy nhé! Mẹ thấy con có giỏi không?". Không ngờ mẹ chồng Huyền đi ngang qua phòng cô lại nghe được, bà lại cất giọng: “Làm dâu mà mấy việc vặt trong nhà cũng phải có người nhắc nhở mới biết làm thì không biết sau này có lo nổi cho chồng con không nữa”.
Qua điện thoại mẹ Huyền đã nghe rõ từng lời của bà thông gia, bà thương con gái vô cùng, nhưng con mình đã gả đi rồi thì phải theo phép nhà người ta thôi. Bà chỉ biết dặn dò con: “Con phải biết ý tứ hơn, chú ý giữ gìn lời ăn tiếng nói, đừng có nghĩ sao nói vậy mà làm mất lòng nhà chồng”. Những ngày về quê sau khi mới cưới đúng là lần nhớ đời của nàng dâu vô tư “thật như đếm” này. Rất may Huyền không sống cùng mẹ chồng nên dần dần, mỗi lần về quê cô cũng hiểu ý mà biết cư xử khéo léo hơn trước mặt mẹ chồng.
Kiên quyết không "đánh động" dù bố chồng sắp bước vào phòng tắm
Giống như Huyền, Nga cũng là một cô gái hồn nhiên và rất thật. Chính cái sự thật thà bảo sao nghe vậy đã khiến cô gặp phải nhiều tình huống dở khóc dở cười trong thời gian sau sinh ở nhà chồng.
Nga lấy chồng khi mới đôi mươi. Chồng cô người Bắc cô người miền Trung, hai người cùng vào Nam lập nghiệp, gặp nhau yêu nhau rồi đi đến hôn nhân. Một đám cưới nhỏ diễn ra ngay tại vùng đất hai người đang làm việc cùng với sự hiện diện của bố mẹ hai bên. Hôn lễ tổ chức xong, vì điều kiện không cho phép hai người chưa về quê ra mắt họ hàng ngay được. Mãi khi chuẩn bị sinh đứa con đầu lòng Nga mới về quê chồng để sinh và nhờ sự chăm sóc của mẹ chồng.
Về nhà chồng được nửa tháng thì Nga đến ngày sinh nở. Nga sinh được thằng cu kháu khỉnh nên khỏi phải nói bố mẹ chồng cô mừng rỡ thế nào. Ngày hai mẹ con từ viện về nhà, mẹ chồng cô bắt đầu truyền đạt lại tất tần tật những kinh nghiệm kiêng cữ, đi lại, cách chăm con cho con dâu. Nga nhớ cặn kẽ từng lời mẹ chồng và thực hiện không sai việc nào.
Chiều hôm ấy, tranh thủ lúc con ngủ, Nga vào nhà tắm để vệ sinh cá nhân. Hai mẹ con cô ở tầng 3 nên hoàn toàn tự do chẳng có ai làm phiền. Cũng như mọi lần, cô vào nhà tắm mà không chốt cửa, nhưng thật không may là hôm ấy bố chồng cô cũng có nhu cầu mà các nhà vệ sinh ở hai tầng dưới đều bận cả nên ông đã lên tầng 3. Để kiểm tra chắc chắn xem có người không, ông đã gõ cửa và hỏi: “Có ai không?”. Dù đang ở trong nhà tắm nhưng vì nhớ lời mẹ chồng dặn, gái đẻ không được nói to, nói vọng không thì sau này sẽ bị nói nhịu nên Nga kiên quyết không trả lời dù bố chồng cô đã hỏi đến câu thứ 3. Mãi tới khi ông mở cửa định bước vào thì lúc này Nga không thể nhịn thêm được nữa cô đành phải lên tiếng: “Con trong này bố ạ”. “May mắn mình còn kịp trả lời đúng lúc chứ không chậm chút nữa thì chắc mình không dám nhìn mặt bố chồng nữa”, Nga vẫn tỏ rõ sự ngượng ngùng trên khuôn mặt khi kể lại tình huống này.
Cái tính “thật như đếm” của Nga còn gây ra sự hiểu nhầm cho người khác. Một hôm chị họ chồng Nga qua thăm hai mẹ con, nhân tiện mang cho cô bát canh móng giò hầm đu đủ để ăn cho lợi sữa. Thế nhưng vừa bê vào phòng, Nga đã tuôn ra một tràng toàn là những lời giáo huấn mà cô nghe được từ mẹ chồng. “Mẹ em dặn rồi, gái đẻ là phải ăn khô không được ăn ướt, chị cho em ăn canh thế này thì sau em suốt ngày chạy tháo thôi à? Canh gì mà toàn mỡ lõng bõng thế này, em ăn con em đi ngoài thì chết, em không ăn đâu, chị mang về đi”. Bà chị họ trố mắt nhìn Nga, giận dỗi ra về.
Nhưng chuyện chưa dừng lại ở đó, người chị họ vừa ra đến sân thì thằng bé con của Nga tè ướt tã, khó chịu nên khóc. Chẳng cần biết khách đã về hay chưa, nhớ lời mẹ chồng dặn, cô vội vã lấy miếng dẻ rách mang ra cửa đốt vía. Trước hành động của Nga, từ đó cho đến khi mẹ con Nga đi người chị họ không sang chơi một lần nào nữa.
“Thực ra vì hồi đó còn trẻ, cũng chưa có nhiều kiến thức về sinh đẻ nên mẹ chồng bảo sao nghe vậy. Đến giờ, mỗi dịp về quê chồng mà gặp lại chị ấy mình vẫn còn ngượng ngùng”, Nga thành thật chia sẻ.