Trong “Anna Karenina” có một câu nói: “Hạnh phúc của những gia đình hạnh phúc đều giống nhau, còn những gia đình không hạnh phúc lại có những nỗi bất hạnh khác nhau”. Theo đuổi hạnh phúc là nhu cầu, là quyền của mỗi người, chỉ có cố gắng khiến bản thân mình hạnh phúc thì mới không uổng phí sinh mệnh, không uổng phí đến với thế gian này.
“Hạnh phúc của những gia đình hạnh phúc đều giống nhau” tức là định nghĩa về hạnh phúc của mọi người đa phần đều giống nhau, suy cho cùng chỉ cần là người cảm thấy mình hạnh phúc thì đều sẽ đem theo sự lạc quan và thỏa mãn về cuộc sống. Còn “những gia đình không hạnh phúc lại có những nỗi bất hạnh khác nhau” lại là một vấn đề khá phức tạp. Có người bất hạnh là do tự mình chuốc lấy, còn có người bất hạnh lại là vì gặp phải người không tốt, là nhân tố bên ngoài gây ra, còn có người bất hạnh là vì cả hai trường hợp trên gộp lại.
Dưới đây là câu chuyện về cuộc hôn nhân của một người phụ nữ có cả hạnh phúc cũng có cả nỗi bất hạnh đan xen.
Mẹ chồng tôi nói với tôi rằng: “Phụ nữ mà không sinh được con trai thì không phải là vượng phu. Người phụ nữ vượng phu thực sự đều sẽ sinh con trai cho nhà chồng, cho dù là sinh 3 - 4 đứa, cũng phải sinh bằng được con trai thì thôi”. Bà dùng tiêu chuẩn như vậy để đánh giá tôi là một người phụ nữ “không vượng phu”, tôi mãi mãi không thể quên được những việc xảy ra vào ngày tôi sinh con.
Hôm ấy bà ấy xuất hiện không phải là vì lo lắng cho tôi mà là muốn xem xem tôi sinh con trai hay con gái, muốn thông qua việc tôi sinh con để quyết định xem tôi có tư cách tiếp tục ở lại nhà chồng hay không. Sau khi biết tôi sinh con gái, bà ta bắt đầu mắng chửi trước phòng sinh, nói tôi không vượng phu, nói tôi vô dụng, nói nhà bọn họ lấy tôi về lãng phí tiền của, nói số tiền mua đồ bồi bổ cho tôi trong thời gian dưỡng thai là không đáng.
Khi ấy tôi thực sự rất muốn chạy ra đánh nhau với bà ta một trận, loại người này đúng là không có nhân tính. Đã là thời đại nào rồi mà còn cố chấp, bảo thủ và cổ hủ như vậy. Đúng là khiến người ta căm ghét. Tại sao cứ nhất thiết phải sinh con trai? Con trai chắc gì đã tốt hơn con gái?
Khi ấy bị lời nói của mẹ chồng chọc tức không chỉ có mình tôi, ngay cả bác sĩ, y tá cũng không chịu đựng nổi. Có một cô y tá thẳng tính đã hỏi ngược lại mẹ chồng tôi rằng: “Đã thời đại nào rồi, sao lại vẫn có loại người như bà cơ chứ? Con gái thì đã làm sao? Nếu như mọi người đều không sinh con gái thì con trai bà lấy được vợ chắc? Trên đời này chính vì có loại người như bà nên phụ nữ chúng tôi mới bị người ta đánh giá thấp trong xã hội, ghét nhất là loại người như bà, bao nhiêu tuổi đầu rồi mà chẳng hiểu biết gì hết!”.
Chồng tôi cũng chẳng phải dạng vừa, luôn bảo vệ vợ, không muốn để người khác nghĩ rằng mình là loại chồng tồi, nhưng mẹ chồng tôi cũng là mẹ ruột anh ấy, anh cũng không muốn mẹ mình cãi nhau với người khác ở bệnh viện, vì thế đã lôi bà đi thẳng ra ngoài.
Anh cũng không đi quá lâu, sau khi quay lại đã hỏi han quan tâm tôi, bận chăm sóc tôi, lo thủ tục, viện phí, hơn nữa còn xin lỗi tôi về chuyện hồi nãy, hứa với tôi rằng: “Em yên tâm, anh tuyệt đối sẽ không có suy nghĩ như mẹ, anh thấy con trai hay con gái đều giống nhau. Sinh con vốn dĩ giống như là bốc thăm, bốc được cái gì thì là cái đó. Nếu như con gái chúng ta đã ra đời, vậy thì anh sẽ chuẩn bị sẵn sàng để yêu chiều nó, coi nó như công chúa, cùng em nuôi dưỡng nó thật tốt”.
Theo lý mà nói thì tôi sẽ phải rất cảm động, nhưng tôi không hề, vì quan niệm của anh ấy chỉ có thể coi là bình thường, quan niệm của một người hiện đại bình thường. Tôi nhắc anh tốt nhất là nói được phải làm được: “Em không mong rằng anh nói như vậy chỉ để dỗ dành em, tính em thế nào anh cũng rõ, nếu như anh với mẹ hùa vào một giuộc với nhau thì em có thể đưa con đi và ly hôn bất cứ lúc nào”.
Sự thực đã chứng minh, anh ấy cũng coi là đáng tin, không làm tôi thất vọng. Tôi không muốn qua lại nhiều với mẹ chồng, anh ấy cũng chẳng nói gì. Chỉ là nhìn từ góc độ gia đình nhỏ của chúng tôi mà nói, tôi vẫn được coi là hạnh phúc. Nhưng nếu nhìn từ góc độ của nhà chồng thì tôi không được coi là hạnh phúc.
Tất cả những điều này đều là do mẹ chồng tôi, nghe nói đến bây giờ bà ta vẫn luôn than vãn, oán trách, nói rằng mình bất hạnh, nuôi ong tay áo, lại rước về một đứa con dâu không ra gì. Tôi chỉ có thể nói rằng, bà ta đã định nghĩa sai về hạnh phúc, không cảm nhận được hạnh phúc cũng là đáng đời.
Lời khuyên dành cho mọi người sau câu chuyện trên:
Sự va chạm giữa quan niệm cũ và mới, quan niệm bảo thủ và cởi mở đều sẽ xảy ra mâu thuẫn nhất định, vì trong nội tâm cả hai đều có tiêu chuẩn định nghĩa khác nhau về nhiều sự việc.
Vấn đề mà người phụ nữ trên đưa ra cũng là vấn đề về quan niệm khác nhau. Cô cho rằng sinh con trai hay con gái đều như nhau, còn mẹ chồng lại cứ cho rằng con trai tốt hơn con gái, ai cũng không chịu thỏa hiệp, không ai chịu đồng tình với người kia, thế nên xảy ra mâu thuẫn là lẽ tất nhiên. Không chỉ là vấn đề sinh con, rất nhiều những quan niệm khác đều xảy ra vấn đề. Chỉ cần đối phương cố chấp ý kiến của mình thì mâu thuẫn sẽ luôn tồn tại.
Những mâu thuẫn kiểu này đối với những nhân vật khác nhau trong hôn nhân mà nói thì liệu có thăng cấp trở thành “cảm nhận bất hạnh” hay không đều phụ thuộc vào định nghĩa về hạnh phúc của từng người. Đối với người phụ nữ bên trên mà nói, cô không muốn qua lại với mẹ chồng, không phải vì hành động của bà mà là vì lời nói của bà khiến cô phẫn nộ. Giữ gìn gia đình của mình, giữ gìn tâm hồn của mình, cô ấy sẽ cảm thấy hạnh phúc.
Còn về phần mẹ chồng, vốn dĩ có thể hạnh phúc, chỉ cần không quá cố chấp như vậy. Nhưng nếu như cứ mãi cố chấp vào mâu thuẫn giữa mẹ chồng nàng dâu, luôn cố chấp với quan niệm nối dõi tông đường, từ đó sau này cho rằng con trai con dâu không hiếu thuận thì bà sẽ không bao giờ cảm thấy hạnh phúc.
Những vấn đề này không hề có việc “ai nên nhường ai”, vấn đề tâm lý và tâm thái của mỗi người đều chỉ có thể tự mình hòa giải, tự mình giải quyết, hạnh phúc của bạn phụ thuộc vào suy nghĩ của bạn.