28 tuổi tôi lên xe hoa với một chàng trai cùng tuổi, học chung lớp Đại học. Những tưởng cuộc sống hạnh phúc đang chờ đợi phía trước nhưng không ngờ đó lại là chuỗi ngày sống trong mệt mỏi và lo âu.
Khi chưa có con cái, tôi chăm chồng không khác gì chăm một đứa trẻ. Ở nhà, ngoài việc nằm chơi game hoặc xem phim trên máy tính và ăn ra, anh chẳng bao giờ mó tay vào một việc nào. Tôi luôn phải theo sau anh nhặt cà vạt, tất chân, quần lót... để giặt,nếu không chỉ vài ngày sau là chúng sẽ “mọc nấm” ở đâu đó. Những lần anh phải đi dự hội nghị, anh cuống quít hỏi tôi: “Em ơi, cái áo màu xanh da trời của anh đâu?” hay “Em ơi, vào tìm cho anh cái cà vạt sọc xanh, nay anh phải phát biểu”. Những lúc đó tôi vẫn rất vui vẻ giúp anh dù rằng quần áo của anh tất cả đều nằm trong tủ, chỉ cần anh bình tĩnh một chút là nhìn thấy.
Nhưng đến khi mang bầu, tôi vô cùng mệt mỏi. Tôi bị nghén nặng, người gầy và xanh xao. Anh trông thấy tôi bị như vậy nên phụng phịu ôm cổ tôi nói: “Vợ ơi, thương vợ quá. Sau này con mà không nghe lời vợ, anh sẽ tét mông nó”. Sau đó anh ríu rít hỏi han tôi thích ăn gì để anh mua. Khi ấy tôi rất cảm động, thỉnh thoảng sai phái anh mua vài thứ về đổi vị.
Anh cũng chịu khó phóng xe đi, dù đêm khuya hay trời mưa để mua cho tôi bát cháo đậu xanh hay cốc chè đậu đỏ, nhưng tuyệt nhiên anh không bao giờ chú tâm đến nhà cửa bừa bộn ra sao. Chỉ có hai vợ chồng, nhưng nếu lần nào tôi nằm lì trên giường 2 ngày không dậy thì sẽ chẳng khác nào bãi rác. Anh thích ăn đồ ăn vặt còn hơn cả phụ nữ có thai là tôi đây. Vỏ giấy, vụn bánh rơi vung vãi trên ghế sô pha và sàn nhà. Quần áo của anh chất đống trong nhà tắm. Nơi nào cũng thấy bùn đất từ đôi giày đi chạy bộ của anh in dấu... Tôi ngán ngẩm đến mức ca thán thì anh lại gãi đầu gãi tai tỏ vẻ biết lỗi rồi cười bảo lần sau sẽ chú ý.
Đến khi mang bầu được 4 tháng, tình hình của tôi cũng cải thiện hơn. Tôi bắt đầu quay lại chăm chỉ dọn dẹp nhà cửa và đi chợ nấu cơm cho chồng. Tuy thỉnh thoảng vẫn có áp lực từ công việc nhưng nhìn chung mọi thứ vẫn tốt đẹp.
Bụng bầu 8 tháng, tôi bị phù chân, đi lại vô cùng khó nhọc nên lại nhác việc. Đi làm về, anh thấy tôi nằm trên sô pha xem phim thì tự đi lục lọi đồ ăn. Đến khi phát hiện trong bếp chẳng có cơm cũng không thấy gì ăn anh mới xông ra hỏi: “Vợ mệt à? Thế để chồng gọi đồ ăn bên ngoài nhé”. Sau đó anh bấm số gọi 2 chiếc pizza. Trong quá trình chờ, anh liên tục than vãn đói quá, mệt quá, sao lâu thế nhỉ?... Anh nào biết từ sáng tới giờ tôi cũng mới uống có một ly sữa. Tôi chỉ biết thở dài buồn vì sự vô tâm của anh.
Tôi biết anh không biết nấu ăn nên cũng chẳng mong chờ gì anh sẽ nấu hoặc sẽ hầm nồi canh cho tôi bồi bổ. Nhưng nhìn những người đàn ông khác chăm vợ mang thai mà tôi lại chạnh lòng. Chưa bao giờ anh pha cho tôi một cốc sữa, mà có lẽ anh còn không biết nhãn sữa tôi đang uống là gì cũng nên. Thỉnh thoảng anh hỏi tôi có thích ăn gì để anh mua, nếu tôi lắc đầu thì anh sẽ lại vùi đầu chơi game tiếp.
Đến ngày sinh, tôi nằm trong phòng chờ sinh 8 tiếng, bụng đau âm ỉ khiến tôi không sao ngủ được nên đứng dậy đi lại. Thế là anh bảo, vợ không dùng đến giường thì anh nằm. Nói xong, anh leo lên giường ngáy một mạch 4 tiếng bù lại cho việc đêm qua phải dậy đưa tôi đến bệnh viện. Hai người nằm cùng phòng với tôi còn cười trêu “Chồng chị vô tư nhỉ?”.
Lần đầu tiên được bế con, anh nước mắt ngắn dài hết thơm con lại quay sang nói cảm ơn vợ. Điều này cũng an ủi tôi rất nhiều và quên hết sự vô tư đến vô tâm của chồng khi trước.
Tuy nhiên anh cũng không đỡ đần được tôi chút nào trong việc chăm sóc con cái. Bởi dù bế con nhưng anh vẫn mải mê với trò chơi, máy tính, điện thoại của riêng anh. Tôi cảm thấy kiệt sức khi phải cùng lúc chăm nom 2 đứa trẻ, một lớn một bé. Hết lau dọn nhà cửa, nấu ăn cho bố lại đến phục vụ “ông con”. Có những hôm tôi phải thức đến 2 giờ sáng với con bởi bé đòi thức nói chuyện với mẹ.
Có lần, khi ấy con được 7 tháng, đang chơi đồ chơi cạnh bố thì đột nhiên con đi vệ sinh luôn ra quần. Anh cuống lên gọi tôi vào lau rửa cho con. Khi đó tôi đang dở tay rửa bát nên bảo anh bế con lên để con không nghịch “sản phẩm”. Anh gào lên “Nó bẩn như thế mà em bảo anh bế, dính hết vào người anh thì sao?”. Tôi lại vội buông việc đang làm mà bế con vào nhà tắm.
Vì không chịu được tính tình trẻ con, lười biếng lại vô tâm của chồng mà đến khi con được 9 tháng, tôi đề nghị sống ly thân. Lúc đầu anh cho tôi nói đùa. Sau thấy mặt tôi nghiêm túc nên anh e dè hỏi sao tôi lại quyết định như vậy? Anh bảo vợ chồng đang sống hạnh phúc mà. Tôi lắc đầu nói, tôi không cảm thấy tốt chút nào. Tôi muốn sống xa anh một thời gian để nghỉ ngơi, đồng thời bình tĩnh và suy xét xem chúng tôi có nên ly hôn không. Anh tái mét mặt rồi hỏi: “Em vẫn yêu anh phải không? Em sẽ không bỏ anh thật chứ?”.
Thật tình tôi rất thương chồng. Chồng tôi như một cậu bé lớn xác chưa thể tự chăm lo cho mình. Tôi biết anh được bố mẹ bao bọc từ bé, cũng biết vốn dĩ anh rất tốt chẳng qua chưa trưởng thành, chưa lưu ý để quan tâm đến người khác. Nhưng tôi vẫn bỏ mặc chồng ở nhà một mình mà ôm con về nhà mẹ đẻ một thời gian.
4 tháng đầu, ngày nào anh cũng gọi điện nhắn tin đến hỏi vợ bao giờ về. Anh nói rằng nhớ tôi và con. Anh kể lể việc anh sống không tốt chút nào, anh sụt 4kg, anh đến muộn cuộc họp vì không tìm thấy cà vạt nên bị sếp khiển trách. Tôi có thể tưởng tượng ra cảnh anh ngồi giữa một đống bừa bộn, cả tháng trời ăn đồ ăn gọi bên ngoài. Nhưng tôi vẫn tự nhủ lòng phải cứng rắn, không quay về làm mẹ, làm vợ, làm giúp việc của anh.
3 tháng tiếp theo anh ít làm phiền tôi hơn. Chỉ thỉnh thoảng nhắn cho tôi một tin “Nhớ 2 mẹ con. Chờ em và con quay về” Song tôi luôn cố dửng dưng không nhắn lại gì.
Mấy ngày hôm trước, họp lớp Đại học, mấy đứa bạn gái rủ rê mãi nên tôi cũng miễn cưỡng đồng ý. Tôi biết anh chắc cũng sẽ đến (vì vợ chồng tôi học cùng lớp) nên cố ý trang điểm và mặc một chiếc váy thật quyến rũ. Đến nơi, tôi thấy anh ngồi uống rượu cùng mấy cậu bạn thân một bàn riêng biệt. Tôi chọn một chỗ cách xa anh rồi ngồi xuống. Mấy người bạn thân biết chuyện chúng tôi ly thân nên cũng không trêu chọc hay gây khó xử gì.
Buổi họp lớn diễn ra sôi động náo nhiệt nhưng dường như chẳng có liên quan gì đến chúng tôi. Thỉnh thoảng tôi có cảm giác anh đang nhìn vợ. Nhưng khi tôi ngước lên thì anh đã lảng sang nói chuyện với người khác. Anh gầy đi nhiều song lại có cảm giác điềm tĩnh hơn, chín chắn hơn, cũng không dễ xúc động như trước nữa.
Cuối bữa cơm, anh bước lại gần đề nghị đưa tôi về. Tôi định lắc đầu từ chối nhưng anh bảo có chuyện muốn nói với tôi. Đến trước cửa nhà tôi, anh dừng xe lại, đứng đối diện với tôi và nói: “Hãy tha thứ cho anh. Những ngày không có em và con, anh rất cô đơn cũng biết mình mắc những sai lầm nào. Anh hứa sẽ hoàn thiện mình, học cách quan tâm và yêu thương em. Em hãy ở bên giúp anh”.
Tôi khóc và hai chúng tôi ôm chầm lấy nhau. Cảm ơn trời, cuối cùng chồng tôi cũng đã trưởng thành rồi. Dù xúc động, dù biết anh đã phần nào thay đổi nhưng tôi chưa đồng ý hoàn toàn mà nói rằng muốn suy nghĩ kỹ lại một lần nữa. Bởi vì tôi đã từng quá mệt mỏi với trách nhiệm phải làm “mẹ” của anh. Hơn hết, tôi vẫn lo sợ có thể sau này chồng tôi không sửa đổi được như anh nói.
Mấy ngày nay, ngày nào chồng cũng gọi điện nhắn tin ngóng mẹ con tôi trở về. Theo các bạn tôi có nên một lần nữa tin tưởng sự trưởng thành của chồng hay để thêm một thời gian nữa cho chồng tự hoàn thiện mình?