NỮ GIỚI » Tâm sự

'Cay xé lòng' với câu chuyện 'Bố mẹ các anh chị sắp phải chết, là do chính các anh chị...'

Thứ tư, 01/06/2016 21:57

Bà Lan 64 tuổi nhập viện trong tình trạng choáng nhiễm trùng, mạch nhanh nhẹ khó bắt, huyết áp khó đo, với bệnh nền đái tháo đường, tăng huyết áp.

- Mẹ tôi có sao không bác sĩ? - Tình trạng bà rất xấu, tiên lượng dè dặt. Chúng tôi đã dùng kháng sinh phổ rộng, liều cao, bù dịch, vận mạch ... Nhưng ... - Bác sĩ ơi cứu dùm. Mẹ chỉ có một à bác sĩ ơi. Nhìn ba người con của bệnh nhân khóc mà lòng mình nặng trĩu. Chẳng lẽ mình lại nói : Đó là lỗi của mấy anh chị. Ngay từ lúc mẹ mình mới khởi phát bệnh Zona ( dân gian gọi là Giời ăn ), mấy anh chị không chịu đưa bác đến bác sĩ khám và điều trị đàng hoàng, nghe lời người ta bày đi "phán" và "cắt lễ", để cho vết thương nhiễm trùng, cộng với bệnh đái tháo đường lâu năm kiểm soát kém nên dẫn đến choáng. Và khi thấy bệnh tình mẹ mình không thuyên giảm, sốt cao, bỏ ăn, bức rức cũng không chịu đưa vào bệnh viện ngay. Mình biết, nói như vậy sẽ làm cho họ đau đớn, chẳng những lúc này và mãi về sau. Có những tổn thương không thể chữa lành được. Họ có kiến thức về y khoa rất hạn chế, kèm theo ít quan tâm đến mấy vấn đề sức khoẻ cộng đồng hay được truyền thông trên các phương tiện thông tin nên mới dẫn đến như thế này.

Nhưng mình biết, có rất nhiều người con không hề biết bệnh ba mẹ mình đang mắc là bệnh gì, được điều trị bởi bác sĩ nào, và uống thuốc ra sao. Chuyện này không khó, chỉ cần một chút chú ý là được. Có rất nhiều trường hợp mình cấp cứu bệnh nhân mà người thân đưa vào hỏi gì cũng không biết, không rõ.

Ảnh minh họa

Bệnh nhân thứ 2 trong phòng cấp cứu bây giờ là ông Nam, 56 tuổi, nghề nhà giáo. Ông được hai người con đưa đến bệnh viện trong tình trạng hôn mê. - Ba tôi đang ngồi coi tivi, tự nhiên than đau đầu, rồi ngã ra bất tỉnh. - Trước đây ông bị bệnh gì? - Cao máu. Nhưng ổng ngừng thuốc cả năm nay. Ổng nghe mấy người bạn bày uống thuốc Bắc. Vì thuốc tây uống hoài nóng lắm. Mình nghe xong thở dài. Kết quả chụp CT của bệnh nhân là xuất huyết não cả hai bán cầu diện rộng, chèn ép não thất. Và huyết áp của ông Nam trên monitor là 220/130 mmHg. - Bệnh của bác Nam nặng lắm. Xuất huyết não, trên nền tăng huyết áp không điều trị. Tiên lượng dè dặt. Bây giờ chúng tôi tiến hành đặt nội khí quản, cho thở máy. - Có chết không bác sĩ? Tôi nghe người ta nói tai biến mạch máu não trong vòng 24 giờ đầu có thể tái thông mạch máu cứu sống bệnh nhân. Ở bệnh viện này có làm cái đó không bác sĩ? - Tái thông mạch máu khi mạch máu bị tắc nghẽn. Cái này là đang chảy máu não. - Dạ, xin lỗi bác sĩ. Tại tụi tôi rối bời quá. Bác sĩ cứu dùm ... Ba thì chỉ có một! Mình ra y lệnh đặt nội khí quản thở máy. Giá như ... Có lẽ mình đã già, đã thấy mệt mỏi với những đêm trực cấp cứu. Nơi mà mình thấy cái chết đến quá dễ dàng bất cứ lúc nào với bất cứ ai... Nếu có các vị thần, thần tài lộc, thần quyền lực, thần nhan sắc... thì có lẽ thần chết là vị thần công bằng nhất, vì ai rồi cũng phải chết! Cả hai bệnh nhân ở trên có chung một điểm : Nghe người ta bày, chứ không chịu tin bác sĩ. Mà người ta là ai? Người ta ấy có chuyên môn về y khoa, về sức khoẻ? Hay người ta chỉ thích giúp đỡ bày vẽ cách chữa bệnh cho nhau mà chẳng có một chứng cứ khoa học nào rõ ràng. Mỗi ngày trên facebook, mình thấy bạn bè bấm like bấm share những phương pháp chữa bệnh rất nhiều. Các bạn cứ bấm cứ áp dụng mà chẳng cần tìm hiểu nguồn gốc những bài thuốc này từ đâu, và có thích hợp với mình hay người thân của mình không? Y học hiện đại đang điều trị theo hướng "cá thể hoá". Điều đó chứng tỏ mỗi con người rất khác nhau, đáp ứng với thuốc cũng khác nhau. Không phải thuốc X tốt cho anh A, cũng sẽ tốt cho chị B. Không phải thuốc Y chữa lành bệnh ung thư vú cho cô C, cũng có nghĩa là chữa lành bệnh luôn cho cô D. Có thể tên bệnh giống nhau, nhưng còn phải chú ý đến giai đoạn bệnh, đã di căn hay chưa, cơ địa và hàng chục yếu tố khác nữa.

Việc không hiểu tường tận một vấn đề mà hướng dẫn người khác cách chữa trị nhiều khi gây tội giết người một cách gián tiếp. Câu chuyện xưa kể rằng : Có anh Dũng nọ, mời thầy thuốc về chữa bệnh cho mẹ. Thầy thuốc bắt mạch kê toa, dặn dò liều lượng chu đáo. Anh Dũng cho mẹ uống, mấy ngày sau khỏi bệnh. Anh Dũng cho rằng toa thuốc đó hay, có thể chữa được bách bệnh. Anh liền tự xưng mình là thầy thuốc, đi khám bệnh chữa bệnh cho mọi người. Bất kì bệnh nào anh cũng cho toa thuốc như vậy. Nào ngờ người bệnh uống vô lăn đùng ra chết. Anh Dũng bị nhà vua bắt và tử hình. Có thể, xuất phát ban đầu là từ lòng tốt muốn giúp đỡ mọi người, nhưng nếu lòng tốt không có sự hiểu biết sẽ dẫn đến tai hại vô cùng. Khi muốn bày ai đơn thuốc, hay cách chữa trị nào đó, hãy nhắc nhở chính mình : Ta đâu phải là thầy thuốc. Mà nếu ta là thầy thuốc cũng phải xem có đúng chuyên khoa của mình không. Bác sĩ chuyên khoa tai mũi họng mà điều trị bệnh tim mạch ... thì có cái gì đó sai sai, dù bác sĩ đó đã học qua 6 năm đa khoa, nhưng vẫn không chuyên. Và dù bác sĩ chuyên khoa vẫn có nhiều bệnh không thể chữa khỏi. Thiệt. Hãy để nhạc sĩ sáng tác nhạc phẩm, nhà thơ làm thơ và bác sĩ khám chữa bệnh. Đừng làm công việc của người khác. Trong lời thề Hippocrates còn có câu : không gây hại. Khi trải nghiệm nhiều trong cuộc sống, trong nghề mình mới hiểu hết câu nói đó : Khi không giúp đỡ được, thì đừng gây hại thêm!

VD (Theo Giadinhvietnam.com)