Ngày Hạnh bước chân về làm dâu nhà chồng, cô đã thoáng chút lo lắng khi phải sống chung nhà với không chỉ bố mẹ chồng mà cả anh chị chồng. Nhà chồng Hạnh có hai anh em, anh trai chồng đã kết hôn được 5 năm và có 1 cháu. Căn nhà của bố mẹ chồng Hạnh rất rộng rãi, kiên cố, ông bà cũng muốn con cháu quây quần nên cả 3 cặp vợ chồng sống trong một nhà. Hạnh không lo chỗ ở chật chội mà cô e ngại mối quan hệ giữa hai chị em dâu.
Lúc trước khi cưới, vài lần Hạnh đến nhà chơi có gặp Loan - chị dâu. Trong mắt cô, chị dâu là người sành điệu, sắc sảo, không mấy dễ gần. Cô để ý thấy chị dâu cũng có chuyện trò cùng cô, nhưng chỉ toàn hỏi chuyện xã giao chứ không phải kiểu chị chị em em gần gũi. Sau kết hôn, cô cũng không hy vọng sẽ lấy lòng được chị dâu, vì cô nghĩ nhà ai người nấy sống, không động chạm đến nhau là được. Dẫu sao vợ chồng chị dâu sống chung nhà nhưng ăn riêng, sẽ không lo sợ chuyện va chạm, ảnh hưởng đến cuộc sống riêng của nhau. Nhưng rồi, có về sống chung nhà, Hạnh mới thấm thía cảnh mâu thuẫn bắt nguồn từ những lý do rất vụn vặt.
Thu nhập của vợ chồng Hạnh ở mức làng nhàng, đủ ăn đủ tiêu, không mấy dư dả. Nhìn chị dâu ăn mặc sành điệu, hết mốt này, váy kia, giày dép chật ních cả tủ lớn, đôi lúc Hạnh cũng chạnh lòng, thèm được như thế lắm. Đặc biệt, Loan là "tín đồ" của hàng hiệu, quần áo toàn tiền triệu, trong khi đó Hạnh thường chỉ mua sắm váy áo rẻ tiền, cái đắt nhất của cô cũng chỉ tầm 500 nghìn. Sở dĩ cô biết được điều đó là bởi Loan rất hay khoe. Không khoe thẳng với Hạnh, song khi ngồi chơi với mẹ chồng, khi đứng buôn dưa lê với hàng xóm, Loan rất hay kể lể vừa mua chiếc váy này triệu mấy, đôi giầy hơn 2 triệu... Hạnh có cảm giác Loan còn cố tình nói thật to, như để khoe cho cô biết. Đúng là Hạnh cũng có chút ghen tị thật, song điều kiện nhà cô làm gì có mà chạy đua với chị dâu.
Hôm ấy, Hạnh đi làm đúng lúc Loan cũng dắt xe ra khỏi cửa. Hai chị em dâu khựng người lại khi nhìn thấy chiếc váy mặc trên người giống y như nhau. Hạnh thì ngạc nhiên, hồn nhiên nói với chị dâu "Ơ, em với chị đụng hàng", nhưng ánh mắt Loan thì "tóe lửa". Chiếc váy ấy, Loan order đến gần 2 tuần qua web mới nhận được hàng, chẳng lẽ cô em dâu giản dị của chị cũng "học đòi" làm tín đồ hàng hiệu giống chị sao? Ý nghĩ ấy thoáng qua đầu Loan, chị gượng cười rồi đi làm.
Vài tuần sau, khi mặc lại chiếc váy đó, Loan tá hỏa khi thấy chiếc váy có điều gì bất thường, chị ngứa ngáy vì bị tag váy chạm vào da, mà rõ ràng khi mua về, chị đã cắt tag cẩn thận. Rồi những đường kim mũi chỉ được may rất ẩu. Loan nghĩ ngay đến việc chiếc váy đã bị Hạnh đánh tráo khi phơi bởi cả nhà đều phơi chung quần áo trên sân thượng.
Nhưng làm gì có bằng chứng để buộc tội Hạnh. Loan tức tối, vứt ngay chiếc váy giữa giường rồi chọn bộ quần áo khác đi làm. Hôm ấy, trên facebook của Loan treo status "Kẻ nghèo, chẳng mấy tấc mà thành kẻ cắp". Hạnh có đọc được dòng trạng thái đó, nhưng cô không hiểu chuyện gì nên bơ đi. Đến tối hôm ấy đi làm về, Loan cầm chiếc váy xuống phòng Hạnh hỏi xem, đó có phải váy của cô không. Hạnh trả lời "không" vì quần áo cô giặt từ hôm qua vẫn chưa thu xuống, nhưng Loan không chịu, bắt em dâu mang chiếc váy ra để so sánh, muốn chỉ thẳng mặt Hạnh là kẻ đã đánh tráo chiếc váy hàng hiệu của mình. Hôm ấy nhà Hạnh đã rối tung vì trận ". Nghĩ mình bị vu oan, bị hạ nhục, Hạnh lớn tiếng: "Có chết tôi cũng không làm cái trò ấy. Chị nghĩ chị nhiều tiền thì vu khống ai cũng được à....".
Bác giúp việc của vợ chồng Loan thấy hai chị em dâu to tiếng bèn chạy vào và hiểu được đầu đuôi câu chuyện. Và chỉ đến lúc bác lên tiếng, cuộc chiến mới hạ nhiệt. Thì ra tất cả là do bác. Việc dọn dẹp phòng, giặt giũ, thu dọn quần áo của vợ chồng Loan đều do bác đảm nhận, chiếc váy của Hạnh phơi bị gió thổi bay dạt sang khu vực quần áo của nhà Loan khiến bác thu nhầm. Bác vừa giải thích, vừa cầm chiếc váy còn lại từ sân thượng xuống, đó chính xác là chiếc váy hàng hiệu của Loan.
Sau cuộc đại chiến ấy, dẫu Loan đã xin lỗi em dâu, cũng xóa dòng status trên facebook nhưng Hạnh thì "từ mặt" chị dâu luôn, cô nghĩ mình đã bị chị dâu sỉ nhục. Nhìn em dâu lạnh mặt với mình, Loan cũng giả câm giả điếc mỗi khi gặp Hạnh. Bố mẹ chồng Hạnh trước kia luôn muốn tất cả sống chung nhà cho vui vẻ, hơn nữa nhà rất rộng rãi, nhưng giờ nhìn cảnh hai nàng dâu chỉ chờ thời cơ để "chiến tranh", ông bà buồn lòng lắm. Suy đi tính lại, ông bà họp đại gia đình, bàn bạc chuyện cho vợ chồng Loan ra riêng: "Vợ chồng con có kinh tế hơn, con cái cũng lớn rồi nên bố mẹ sẽ hỗ trợ một ít, các con tìm một chỗ phù hợp rồi sống riêng cho thoải mái...".