“Đây không phải là chuyện con gà, chuyện miếng ăn, mà là chuyện bụng dạ con người ăn ở với nhau”, chị Vinh, 41 tuổi, Tĩnh Gia, Thanh Hóa, chưa hết cay đắng khi nhắc chuyện cũ.
Tuyệt tình vì con gà Tuy đã xây nhà mới trên nền đất cũ được chia nhưng cuối cùng, thuận theo lời thuyết phục của đại gia đình, nhất là anh trai chồng mới chuyển nhà lên thành phố, chị Vinh đồng ý về sống cùng mẹ chồng. Làm dâu 12 năm, sống cách nhau có vài chục bước chân, Vinh và mẹ chồng vốn có quan hệ tốt, hai bên quý nhau. “Đến khi ở cùng thì mới biết mình tưởng bở. Bố bọn trẻ chỉ hắt hơi sổ mũi, bà đã cuống lên như cháy nhà, anh ấy uống thuốc, ngủ ngon rồi mà nửa đêm bà còn bắt tôi dậy nấu cháo giải cảm. Còn tôi ốm liệt giường vẫn phải gượng dậy phục vụ cả nhà, ăn xong mệt quá vứt bát đấy để mai rửa còn bị bà mắng là lười nhác”, Vinh tố khổ. Điều làm Vinh hậm hực nhất là bất cứ việc lớn nhỏ nào trong nhà, cả việc riêng của vợ chồng chị, mẹ chồng cũng chỉ bàn với con đẻ chứ không bao giờ nói với con dâu một tiếng. Có lần chú em họ chồng sang gặp Vinh bảo chị đưa 2 chỉ vàng, Vinh ngơ ngác chẳng hiểu gì thì chú ta giải thích: “Chị Loan (em gái chồng Vinh) bảo em là anh chị cho vay, lúc nào có thì trả”. Vinh vẫn chưa hiểu ra sao thì mẹ chồng từ trong buồng đi ra thủng thẳng bảo: “Nó làm nhà còn thiếu một ít, hôm qua mẹ với con Loan bàn nhau là vợ chồng mày có 2 chỉ vàng, cho nó vay. Anh em phải giúp nhau. Thế chồng mày chưa bảo gì à?”. Chị Vinh tức nghẹn. Hai chỉ vàng bố mẹ đẻ cho hồi cưới, chị vẫn cất kỹ sau này cho con trai lấy vợ, hoặc phòng khi bất trắc, hồi làm nhà túng thiếu cũng không dám bán. Vậy mà mẹ chồng, em gái chồng tự ý hứa cho vay vàng của riêng chị, cứ như chị là cục đất vậy. Vinh bảo tại mẹ không hỏi con hẵng hứa, vàng ấy bán mất rồi. Mẹ chồng khăng khăng “tao biết là vẫn còn”. Chú em họ hầm hầm ra về. Mẹ chồng nhảy lên nhiếc móc. Vì chuyện này, cả họ nhà chồng lên án Vinh hẹp hòi, keo kiệt. Còn Vinh thì ngày một chán ngán khi thấy mình bị coi là người thừa, "công dân hạng hai" trong gia đình. Nỗi uất ức của Vinh lên đến đỉnh điểm vào cái ngày chị báo với mẹ chồng là có việc, chiều tối mới về. Nhưng việc không như dự định, chị về lúc 12h thì thấy cả nhà đang ăn uống vui vẻ, có cả cô em chồng. Mẹ chồng bảo con gái: “Con gà này mẹ muốn để dành bồi dưỡng cho mày, con Vinh cứ đòi thịt mấy lần rồi nhưng mẹ gạt đi bảo để bữa khác. May hôm nay nó đi vắng, chứ con gà bé tẹo, cả đống người ăn chả bõ”. Vinh ném thịch cái túi xuống nền nhà khiến ai nấy giật nảy. Chị đay nghiến: “Nếu bà không muốn cho con dâu ăn thịt gà thì cứ nói thẳng là không được ăn, việc gì phải chờ con đi vắng cho sốt ruột”, rồi quay sang chồng: “Nhìn anh vui nhỉ? Con gà ấy vợ anh nuôi từ khi mới nở đấy, thế mà vẫn phải lừa vợ con đi vắng để thịt ăn với nhau à?”. Mẹ chồng sau phút đơ máy vì xấu hổ, đã phản công bằng cách mắng con dâu có miếng ăn thôi mà cũng làm ầm ĩ lên. Vinh bảo: “Bà ạ, miếng ăn chả là gì, nhưng nhờ nó mà con thấy, bà luôn coi con là người ngoài, một miếng ngon nếu cho con ăn bà cũng thấy phí. Bà đã không coi con là con thì con cũng chả dám coi bà là mẹ. Từ hôm nay mấy mẹ con con dọn về nhà mình, anh ta có về hay không thì tùy”. Nhục mặt với vợ nên cuối cùng chồng Vinh cũng chịu dọn về nhà cũ. Từ đó chị rất hiếm khi qua nhà mẹ chồng và cũng không gọi bà một tiếng “mẹ” nào nữa”.
‘Thóc đâu mà đãi gà rừng” Những nàng dâu như chị Vinh thường được gọi là ghê gớm vì dám ra mặt so đo với mẹ chồng. Có điều nếu không có nhà riêng để về thì cũng chưa chắc chị đã dám làm um lên rồi bỏ đi. Các nàng dâu gặp trường hợp bị gạt ra rìa như chị vốn rất nhiều nhưng đa số phải chấp nhận. Chị Vân, sống ở ngay Hà Nội, cũng thất vọng và đau buồn khi biết hóa ra mình không thực sự được coi là con cái trong nhà, nhưng chẳng dám “đấu tố”, thậm chí còn chẳng dám tâm sự với chồng vì sợ sinh chuyện. Chị chỉ âm thầm. Không phải là dâu trưởng nên dù sống chung, chị vẫn ấp ủ kế hoạch ra riêng và cố gắng chắt chiu, tiết kiệm. Được cái Vân kiếm tiền rất khá, sau 6 năm đã đủ để nghĩ đến chuyện mua chung cư trả góp. Hai vợ chồng bàn bạc với nhau, bố mẹ chồng biết được bèn gọi lại bảo: “Mua căn hộ tập thể làm gì. Tiền đó chúng mày dùng xây lại cái nhà này, sau này chúng mày ở luôn, có phải đàng hoàng hơn không. Thằng cả giỏi làm ăn đã có biệt thự rồi, bố mẹ chỉ cho một số tiền lấy khước là được”. Hai vợ chồng thấy có lý, số tiền định mua chung cư, nếu dùng xây nhà thì sẽ hoành tráng lắm. Vân định chờ mấy hôm nữa đến ngày đáo hạn là rút sổ tiết kiệm ngay. Hai hôm sau, Vân tình cờ nghe được bố mẹ chồng thì thầm bàn bạc với nhau. Bà khen ông "tỉnh", phản ứng nhanh. Ông đắc ý: “Tôi phải vậy, cái nhà này mới được như ngày nay. Bà xem, con Vân nó sắc sảo, kiếm tiền giỏi, hơn hẳn con trai mình. Ai mà biết chúng nó có ở với nhau suốt đời hay không. Nó mua nhà bên ngoài không đủ tiền, mình kiểu gì cũng phải cho thêm. Nhà mang tên vợ chồng nó, ly dị phải chia đôi, hóa ra lại đem thóc đãi gà rừng à? Xây lại nhà này thì giấy tờ vẫn là vợ chồng mình, nếu bỏ nhau thì con Vân phải tay trắng ra đi”. Vân lạnh người, không phải hú vía vì suýt mất tiền, mà vì trước giờ chị vẫn nghĩ mình được bố mẹ chồng quý như con đẻ và cũng yêu họ hết lòng. Hóa ra con dâu bao giờ cũng chỉ là người khác dòng máu. Vân nghĩ nát nước rồi quyết định đem hết sổ tiết kiệm gửi mẹ đẻ, rồi về “thú nhận” với chồng rằng trước đây chị trót tham nên nói dối là gửi tiết kiệm chứ thực ra đã cho vay ngoài để ăn lãi cao, nay người ta làm ăn thất bát chưa trả được. Mới đây, chị rút tiền mua một căn hộ xây gần xong, sau đó báo ngay với chồng là em đòi được tiền rồi, giá nhà xuống đáy nên mua ngay kẻo thiệt, sau này ở hay không tính tiếp. Chồng chị vô tư chẳng nghĩ gì, nhà của bố mẹ còn đẹp, chưa nhất thiết phải xây lại, Vân mua được thêm nhà là thêm của, càng tốt. Vân tâm sự: “Mình chẳng muốn tính toán làm gì, nhưng họ coi mình là gà rừng thì mình cũng coi họ là cáo thôi, phải phòng thân. Nói chung làm con dâu thì phải hết lòng thương yêu bố mẹ chồng, nhưng tấm lòng của mình, họ phải thật lòng đón nhận thì mình mới trao được. Tình cảm mà, bao giờ cũng phải đến từ hai phía”.
Bạn đang có những tâm sự, vui, buồn… muốn chia sẻ những bức ảnh đẹp, gửi lời nhắn (một bài hát, lời yêu, một tấm thiệp chúc mừng hay những dòng thơ nhỏ…) tới những người thân yêu của mình. Hãy để Ngoisao.vn đồng hành và giúp bạn! Vui lòng gửi tới email:tamsu@ngoisao.vn. Chúng tôi sẽ thường xuyên cập nhật và đăng tải những điều mà bạn muốn chia sẻ! |