Ngày con gái, mặc cho mẹ và chị gái ngăn cản nhưng Hoài (Phú Thọ) vẫn quyết tâm lấy chồng tận mũi Cà Mau xa xôi. Cô nghĩ thời nay có phương tiện đi lại, khoảng cách địa lý không còn là vấn đề lớn nữa. “Thôi thì người ta lấy chồng gần tháng nào cũng về thăm nhà, còn con lấy chồng xa năm về đôi lần cũng được”, Hoài đã an ủi mẹ như vậy. Thế nhưng mọi chuyện không đơn giản như Hoài nghĩ, lấy chồng còn phải lo việc nhà chồng, rồi con cái vào thì chuyện về thăm bố mẹ cũng đành gác lại sau. Cứ thế lần lữa từ năm này qua năm khác, phải 5 năm sau khi lấy chồng Hoài mới có dịp được về thăm bố mẹ đẻ.
Hoài ngậm ngùi kể về những phút cô đơn nơi quê chồng: “Nếu được lựa chọn lại thì nhất định mình sẽ không lấy chồng xa, tủi hờn nhiều lắm, nhất là lúc bầu bí, sinh con. Hồi mới có bầu, mình bị nghén không ăn được đồ nóng, vậy là toàn chờ cả nhà chồng ăn xong mình mới ăn. Ngồi ăn cơm một mình, xong lại khệ nệ đi dọn dẹp đã khiến mình tủi muốn khóc. Lúc ấy nhớ nhà, nhớ mẹ kinh khủng. Giá như lấy chồng gần, lúc ốm nghén thế thì có thể xin về nhà mẹ đẻ để mẹ chăm sóc. Như chị gái mình, lấy chồng cách nhà có hơn 2km, hôm nào chị cũng ghé qua nhà chơi. Khi bầu bí thèm ăn gì đều được mẹ nấu, thỉnh thoảng mẹ lại tần cho con gà hoặc hầm cho bát cháo. Rồi khi chị gái mình sinh, cả 3 tháng ở cữ cũng được mẹ chăm sóc chu đáo. Còn mình sinh con được gần chục ngày, mẹ chồng bận nên đã phải tự tay giặt giũ đồ cho con rồi”.
Đã xa gia đình, Hoài còn phải sống cùng một người chồng vô tâm. Đã có những lúc cô thầm nghĩ sai lầm lớn nhất của cuộc đời mình chính là bất chấp sự ngăn cản của mẹ và chị gái mà lấy chồng xa. Hoài rơm rớm nước mắt khi nghĩ về hoàn cảnh của mình: “Mẹ chồng mình tối mắt buôn bán nên thời gian mình bầu bí, mẹ không quan tâm và giúp đỡ gì được cho mình hết. Con bé quấy đêm đều một mình mình ngồi tựa lưng vào thành giường bế con. Đã thế lại lấy phải ông chồng vô tâm. Con quấy khóc thì cằn nhằn khó chịu, quát mắng cả vợ. Cứ mỗi lần con quấy đêm là chồng mình lại ôm chăn sang phòng khác ngủ, mặc kệ hai mẹ con mình, con khóc mẹ cũng khóc theo. Những lúc ấy vừa tủi hờn cô đơn, vừa giận chồng ghê gớm. Giá kể lấy chồng gần thì ôm con về 'ăn vạ' mẹ đẻ, thể nào cũng được mẹ đỡ đần ít nhiều, lại đỡ tủi thân".
Hoài cho biết sống ở nơi đất khách quê người, cô chẳng có ai để trải lòng. Mẹ và chị gái là hai người gần gũi nhất thì đều ở xa, mà nếu cô gọi điện về kể những chuyện không vui thì mọi người ở nhà lại không yên lòng. Vậy nên những tủi hờn ấy cô đều cố giữ trong lòng. Nhiều lúc giận chồng, cô chỉ muốn ôm con bỏ về nhà đẻ mấy hôm cho khuây khỏa, thế nhưng xa xôi như vậy, con lại còn bé quá nên không thể đi được. Hoài ngậm ngùi tâm sự: "Lấy chồng xa cứ như 'mất' bố mẹ, họ hàng vậy. Đến vài năm mới được về quê gặp mặt mọi người, có nhớ nhà thì cũng đành chịu. Sợ nhất là những lúc con nhỏ, bận rộn và vất vả đến mấy cũng không nhận được sự giúp đỡ từ nhà ngoại chỉ vì khoảng cách xa xôi quá".
Cùng hoàn cảnh lấy chồng xa như Hoài, chị Thanh quê ở Ninh Bình lại về làm dâu ở một huyện xa xôi của tỉnh Lào Cai. Chị và chồng yêu nhau từ thời đại học, học xong anh về Lào Cai làm, chị vẫn làm ở Hà Nội. Sau một thời gian, cả hai cảm thấy không thể sống xa nhau nên anh chị quyết định lấy nhau mặc cho gia đình chị phản đối kịch liệt vì lấy anh chị sẽ theo anh về Lào Cai sinh sống. Thế nhưng tuổi trẻ thường không suy tính nhiều, chỉ biết yêu là cưới thôi. Đến khi về quê chồng sống, xa cách bố mẹ thì chị Thanh mới thấy lấy chồng xa buồn nhiều hơn vui.
Chị Thanh kể về cuộc sống của mình: “Khi yêu thì nghĩ chồng mình sẽ là chỗ dựa cho mình trong cuộc sống hàng ngày nhưng vợ chồng nào chẳng có lúc này lúc kia. Những lúc cãi vã nhau thì vợ chồng chẳng khác gì người dưng, vậy là một mình mình cô độc nơi đất khách quê người. Chẳng có lấy một chốn để đi về và dựa dẫm. Nếu như lấy chồng gần, còn có thể về nhà kể lể tâm sự với mẹ, hoặc cũng có thể ôm con về nhà mẹ đẻ để 'răn đe' chồng. Nhưng lấy chồng xa thì đó là điều xa vời”.
Cuộc sống ở nhà chồng của chị Thanh còn buồn khổ hơn khi chồng chị là người khô khan và vợ chồng chị phải sống cùng gia đình chồng đông anh em nên anh cũng ngại thể hiện sự quan tâm, chăm sóc với vợ. Những lúc ốm đau, chồng chị chỉ qua loa hỏi uống thuốc chưa chứ chẳng bao giờ nấu cho chị bát cháo hay giúp chị việc này việc kia để nghỉ ngơi. Những lúc ấy chị thèm bát cháo mẹ thường nấu mỗi khi ốm kinh khủng. Rồi hai lần sinh con, mẹ chị cũng chỉ lên được vài ngày rồi về. Vì khoảng cách xa nên lúc mẹ chị lên thì chị cũng đã sinh con xong rồi. Chị Thanh rướm nước mắt khi nhớ đến lần sinh con đầu tiên: “Lúc từ phòng mổ đẻ trở về giường nằm, mình cố tìm xung quanh nhưng chỉ thấy có chồng và mẹ chồng. Tự nhiên lúc ấy tủi thân quá, giá mà lấy chồng gần thì chắc chắn sẽ được gặp bố mẹ và các anh chị mình. Mình đã khóc òa lên làm chồng mình cuống quýt tưởng có chuyện gì. Trong những giây phút quan trọng của cuộc đời thì chỉ muốn có những người thân yêu ở bên cạnh”.
Mà khi lấy chồng xa, bố mẹ ở nhà ốm đau cũng chẳng biết mà về, lúc biết thì bố mẹ cũng khỏi rồi, con gái lấy chồng xa khác gì bát nước đổ đi. Chị Thanh ngậm ngùi kể lại: “Có lần mẹ mình bị đau ruột thừa phải mổ, nhưng mãi lúc mẹ khỏi rồi mới gọi điện báo cho mình biết. Lúc ấy buồn vô hạn, cảm thấy mình làm con thật bất hiếu, bố mẹ đau yếu mình chẳng có mặt để chăm sóc. Từ ngày lấy chồng cũng hơn 7 năm rồi nhưng số lần mình về thăm nhà chắc được 3, 4 lần. Mỗi lần về cũng phải tiền tàu xe, quà cáp mà đồng lương ít ỏi của hai vợ chồng mình chẳng để ra được là bao. Thế nên cứ 2, 3 năm vợ chồng mình mới cho các cháu về thăm ông bà ngoại một lần. Còn dịp lễ Tết thì chẳng bao giờ có mặt. Mình cũng có con gái, sau này nhất định sẽ không cho nó đi lấy chồng xa...”.