Ai gặp Hân đều có chung một nhận xét, đó là một người phụ nữ đầy cá tính và mạnh mẽ, tự tin. Chính nhờ những điều đó cộng thêm năng lực chuyên môn và vẻ ngoài khá xinh xắn mà chỉ hơn 30 tuổi, cô đã được đề bạt làm hiệu phó một trường cấp hai.
Giàu có, con ngoan, chồng hiền lành lại làm chung trường, vợ chồng thương yêu nhau, gia đình Hân trở thành hình mẫu cho dòng họ và bà con lối xóm. Chuyện tưởng chẳng có gì để nói nếu như một ngày, chồng Hân không đưa đơn li hôn.
Trong khi Hân là một nữ hiệu phó năng động, nhiệt tình thì chồng cô - Tuấn lại cam phận làm một giáo viên bình thường. Sau giờ dạy, Tuấn lại chạy về nhà, chăm sóc hai đứa con nhỏ, lo chợ búa, cơm nước và… đợi vợ về. Đối với anh, con và gia đình mới là điều quan trọng. Tuy nhiên, Hân có vẻ không mấy vui khi thấy chồng không có chí tiến thủ. Nhiều lần, cô cũng đề bạt anh với hiệu trưởng, cân nhắc cho anh vào Đảng nhưng anh đều thờ ơ. Dẫn anh tham gia các cuộc liên hoan thì được một lát anh lại kiếm cớ... chuồn mất. Hân mất mặt với các sếp nên dần dà cũng không muốn dẫn chồng đi nữa. Nhưng trong lòng thì dần khinh thường chồng.
Một lần, khi tiếp các vị "mạnh thường quân" ủng hộ cho trường về trễ, nhìn chồng đang tắm các con mà cô lại thấy chán ghét. Tại sao cô lại chọn một người đàn ông hèn hạ như vậy, chỉ biết chui rúc vào xó xỉnh nhà mà không dám ra ngoài xã hội, không thể làm cô tự hào. Bực dọc, cô đập mạnh cái cặp xuống bàn, hai con ngơ ngác quay ra nhìn. Cô hét: “Nhìn gì mà nhìn, tắm mau còn dọn cơm ăn. Người thì mệt quá thể, người thì sướng quá mức”. Mặt Tuấn se lại, nụ cười tắt trên môi ba bố con.
Dọn cơm ra, cô nói mệt nên không ăn chung mà vào thẳng phòng. Nhớ lại cảnh vợ người ta được sánh bước bên chồng, tự tin khoe người đàn ông của mình giỏi giang ra sao mà cô thèm. Phải chi chồng cô được một phần như họ.
Sự khinh thường dành cho chồng càng lúc càng lớn mỗi khi cô về nhà. Nhìn thấy chồng bón cơm cho con ăn, lau nhà và dọn dẹp, cô lại thấy chán nản. Thậm chí Hân không còn muốn nói chuyện với chồng nữa.
Lên trường, khi nghe các chị em khen chồng mình giỏi, biết chăm lo, vun vén cho gia đình, cô lại cười khẩy: “Ôi dào! Cái ngữ ấy có vứt cũng chẳng ai nhặt. Chẳng biết đầu óc để đâu mà suốt ngày chui vào xó nhà, chẳng biết hai chữ tiến thủ viết như thế nào” mà không nhìn thấy chồng sau lưng. Các chị em đồng nghiệp đều lắc đầu thương thay cho Tuấn, còn anh lặng lẽ bỏ lên phòng hội đồng ngồi một mình.
Đêm đó, anh đi nhậu với bạn. “Mình lo cho gia đình là sai sao? Cô ấy tiến thủ để rồi bỏ bê con cái, nhà cửa thì hay sao? Con mình cứ gặp mẹ là nem nép, mặt sợ sệt không biết bị mẹ mắng lúc nào. Dạy học trò thì cô ấy mềm mỏng, mà dạy con chừng vài phút là nghe con khóc. Mình chỉ cần một người vợ hiểu chồng, một người mẹ thương con chứ không cần một bà hoàng ở trong nhà. Nếu không vì hai đứa con, chắc mình không trụ nổi”, Tuấn than thở với bạn.
Điện thoại reo, vừa bấm máy, anh đã nghe con trai lớn đang khóc. “Ba ơi, em Sóc bị mẹ đánh vì không chịu ăn, em ấy khóc nhiều lắm, mẹ giận nên không cho em ấy ăn nữa mà đi chấm bài rồi, em ấy cứ đòi ba mãi”. Anh vội vã về nhà khi nghe con nói. Tới nhà, một bãi chiến trường hiện ra trước mắt. Chén cơm còn hơn nửa, thằng lớn, con bé nước mắt nước mũi tèm nhem, giấy ăn vứt khắp phòng. Tiếng vợ quát sang sảng vọng ra từ phòng làm việc: “Im hết cho tao làm, nghe không hả? Ăn đòn nữa bây giờ!”. Thấy con rúm mình vì sợ, Tuấn không thể chịu nổi nữa.
“Cô bước ra đây ngay!”, anh hét to đủ để hàng xóm nghe thấy. Nghe tiếng chồng, Hân mở cửa bước ra với vẻ mặt bực dọc, vừa thấy chồng, cô mắng xa xả: “Anh đi đâu giờ này mới về, biết công chuyện tôi nhiều lắm không? Tôi không dư thời gian đâu mà chăm sóc con. Đó là công việc của anh, một người chồng chỉ biết chui rúc xó bếp như con chuột nhà”.
Mắt Tuấn đỏ vằn lên giận dữ: “Cô nói gì?”. “Tôi nói tôi khinh thường anh vì anh là con chuột nhà, nếu anh là thằng đàn ông thật sự thì ra ngoài kiếm tiền đem về đây cho vợ con. Đừng có đứng đó giở giọng này kia với sếp của anh đấy...”. Bốp, mắt Hân như hoa đi, cô loạng choạng vì cái tát như trời giáng của Tuấn. Chưa kịp tỉnh hồn thì Tuấn đã bỏ đi. Đêm đó, anh không về nhà. Hai đứa con khóc đòi ba suốt đêm làm Hân lo thật sự. Có lẽ cô đã quá lời, nhưng đó là sự thật. Ở trường, cô là sếp của Tuấn và tiền lương cũng hơn anh.
Hôm sau lên trường Hân đã nghe thầy hiệu trưởng thông báo Tuấn xin nghỉ làm. Lần này, Hân choáng váng thật sự. Không ngờ chồng cô lại cả gan làm thế mà không báo cho cô biết. Tan giờ làm, cô vội vã đi đón con. Nhưng tới trường thì nghe cô giáo nói hai anh em đều đã được ba đón đi rồi. Hân mừng thầm, vì con, Tuấn lại sẽ quay về nhà sớm thôi, khi đó, cô sẽ "tính sổ" cái vụ xin nghỉ làm và đánh cô. Còn bây giờ, cô sẽ đi mua sắm giải stress.
Nhà vắng tanh, tối om, chỉ có lá đơn xin ly hôn đặt ngay ngắn trên bàn. Đọc lí do mà Hân thấy đau nhói: "Không được vợ tôn trọng, không đem lại hạnh phúc và tiền bạc như vợ mong muốn. Cảm thấy ức chế khi sống với một người vợ quá lạm quyền". Đồng thời, trong đơn chồng cô cũng đòi nuôi cả hai đứa con.
Lao ra đường như điên như dại, Hân phải đi tìm lại ba cha con. Cô không thể mất họ được. Đến bây giờ, cô mới hiểu cảm giác mất mát nó đau đớn ra sao. “Chồng ơi, em xin lỗi!”, nếu tìm được gặp chồng, chắc chắn cô sẽ nói câu này đầu tiên, và cũng là lần đầu tiên cô có ý định xin lỗi chồng.