Chị Nga (Hàng Trống, Hoàn Kiếm, HN) là người phụ nữ may mắn khi có được một người chồng như thế. Chị cho biết: “Mẹ chồng mình khá khó tính và xét nét, vì thế mặc dù mình đã mềm mỏng, nhưng nhiều khi vẫn không tránh khỏi được ‘chiến sự’ nổ ra”.
Nhưng, theo như chị Nga tâm sự, chị luôn cảm thấy may mắn khi chồng chị thường xuyên đứng giữa dàn hòa và làm cầu nối cho mẹ chồng và chị. Chồng chị không phải là người mồm mép hay khéo ăn nói nên trông chờ anh tỉ tê tâm sự, rủ rỉ động viên thì có mà… đến kiếp sau.
Đối mặt với những lần mâu thuẫn của mẹ và vợ, anh lại có những cách "dẹp loạn" rất độc: “Anh ấy thường xông vào bày trò để xoa dịu, trêu đùa cho mình và mẹ chồng nguôi giận, phì cười ra thì thôi. Có lần mình với mẹ chồng đang trong lúc ‘chiến tranh’, chồng mình tự dưng đứng giữa nhà… kể chuyện cười, kể to oang oang như loa phóng thanh ấy. Khi nghe xong mình và mẹ chồng không ai nhịn được cười, ôm bụng cười ngặt nghẽo, thế là chuyện giận dỗi cũng theo đó mà tiêu tan”.
Một sự vụ khó quên liên quan đến vấn chồng chị giúp dàn xếp mâu thuẫn giữa 2 người phụ nữ của đời anh, đó là anh giả bệnh nặng để “dằn mặt” mẹ mình và vợ.
“Bữa đó mình và mẹ chồng mâu thuẫn rất gay gắt, mấy ngày liền mà trong nhà lúc nào cũng như có khói thuốc súng lởn vởn. Mẹ chồng thì tất nhiên không bao giờ muốn nhượng bộ mình, còn mình thì như đã đến cực hạn của sức chịu đựng rồi, cũng chẳng muốn cố gắng nhịn nữa. Đến ngày thứ 5 như thế thì chồng mình tự dưng lăn ra ốm liệt giường. Anh ôm gối vào phòng làm việc ngủ 1 mình, không cho ai đến gần, không cho ai động vào, kể cả là vợ. Mình với mẹ chồng tự dưng chẳng nhớ gì đến mâu thuẫn hiện tại nữa, cùng lo sốt vó cho anh” - Chị Nga kể.
Theo lời chị Nga, đến khi không chịu nổi nữa, mẹ chồng đã kêu than: “Con muốn mẹ phải làm sao đây? Muốn mẹ không sống nổi nữa phải không?”. Lúc này chồng chị liền chớp thời cơ đáp luôn: “Câu đấy con phải hỏi 2 người mới đúng!”.
Sau đó là anh “xổ” ra 1 tràng: “2 người căng thẳng mâu thuẫn thì người khổ nhất trong cái nhà này là con chứ không ai khác đấy! Cứ cái đà này con không sống được mất. 2 người phải làm hòa đi, không thì con chết non đấy! 2 người đều nói yêu con, thương con mà sao lại không thể hòa thuận với nhau? Cứ như này con không muốn sống nữa đâu, để con chết đi cho 2 người thoải mái mà cãi nhau, không con sống mà chứng kiến những cảnh này thì thà con chết còn hơn. Ai là thành viên trong một gia đình mà không mong mỏi về một mái ấm hạnh phúc. Con nghĩ cả 2 người đều có chung ước muốn như thế, nếu vậy thì mọi điều đều làm được phải không, huống chi cái việc hóa giải mâu thuẫn vụn vặt trong nhà” - nguyên văn lời anh theo như chị Nga thuật lại.
Sau khi chị Nga và mẹ chồng gật đầu lia lịa trước những lời anh nói thì anh tươi cười mãn nguyện, rồi bật dậy đi chơi thể thao như thường, không hề có dấu hiệu bệnh tật. Chị và bà ớ người, rồi thấy vừa tức vừa buồn cười khi phát hiện ra đã bị “xỏ mũi”. Nhưng sau vụ đó, mẹ chồng chị Nga tự dưng bớt ghê gớm hẳn. Chị cũng thầm cảm ơn chồng và tự nhắc bản thân luôn cố gắng để hạn chế tối đa những va chạm không đáng có với mẹ chồng.
Chị Thương (Yên Phụ, Tây Hồ, HN) cũng có một người chồng luôn thấu hiểu và thông cảm cho chị trong những mâu thuẫn mẹ chồng - nàng dâu. Chồng chị còn sẵn sàng đứng ra làm cầu nối hóa giải những mâu thuẫn đó nữa. Mà theo như lời chị Thương thì, “chiếc cầu nối” ấy nhiều khi vô cùng dễ thương.
“Câu cửa miệng của chồng mình là: ‘Vợ con nó thương mẹ lắm mẹ ạ! Nhưng nó vụng về không biết nói ra thế nào ấy. Con biết mẹ thương con thương cháu mà, mẹ bỏ quá cho lỗi lầm của vợ con! Rồi để con dạy dỗ lại vợ!’. Đấy, khi giận mà mẹ chồng được nghe chồng nói thế là cười tít ngay. Vì anh vừa khen mẹ, lại hứa dạy dỗ vợ thì còn gì bằng nữa” - Chị Thương cười tươi cho biết.
Chị kể lại một lần mẹ chồng và chị giận nhau, lần này hơi gay go nên anh có nói gãy lưỡi mẹ chồng cũng chẳng chịu nguôi giận. Anh biết cả mẹ và vợ đều mê ăn uống nên đã đặt bữa tại một nhà hàng cả 2 đều thích. Rồi anh lên lịch hẹn hò với cả 2 người, với mẹ thì nói 2 mẹ con mình đi, với vợ thì bảo 2 vợ chồng mình đi. Cuối cùng chị Thương và mẹ chồng đến địa điểm hẹn thì ngỡ ngàng nhìn nhau và tá hỏa nhận ra đây là cuộc hẹn 3 người.
“Lúc đó, chồng thấy mẹ định bỏ về thì thủng thẳng nói: ‘2 người không ăn thì con sẽ gọi cả đám chiến hữu đến đây đập phá rồi rút hầu bao chi trả. Nhìn menu toàn những món đắt xắt ra miếng thế này, chắc hẳn tốn phải biết đấy!’. Nghĩ đến cảnh tốn tiền là 2 mẹ con đều ót ruột, phụ nữ mà. Lại thêm khoản mê ẩm thực, thế là liền ngồi vào bàn. Món ăn ngon làm tâm trạng dễ chịu hơn, chồng mình ngồi giữa cười nói pha trò, không khí khá thoải mái. Sau bữa đó về, mẹ chồng - nàng dâu nhà mình làm hòa” - Chị Thương vui vẻ nói.
Một vụ việc khác chồng chị đứng ra "dẹp loạn" cũng được chị thuật lại, mà theo như chị Thương mô tả thì vô cùng hoành tránh, chồng chị diễn xuất rất tài tình và kết quả thành công mỹ mãn.
“Lần đó mình và mẹ chồng lại có mâu thuẫn lớn. Đi làm về, mình vào phòng riêng thì hoảng sợ tột độ khi thấy máu me lênh láng cổ tay chồng. Lay gọi anh không tỉnh, mình quáng quàng chạy ra gọi mẹ chồng vào. Lúc này, anh mới hé hé mắt và thều thào muốn mẹ chồng ở lại 1 mình bên anh. Mình thẫn thờ ra ngoài, thì nghe tiếng anh nói với mẹ chồng trong phòng: ‘Con chỉ có một mong ước là gia đình hòa thuận, mẹ với vợ con không tranh cãi nữa mà thôi. Tại sao mẹ không thể coi cô ấy như con gái mẹ mà đối đãi. Cô ấy là vợ con, là người bạn đời của con, là người sát cánh cùng con cả cuộc đời này, là người sinh cho mẹ những đứa cháu khỏe mạnh, mẹ thương con thì mẹ hãy yêu thương cô ấy! 2 người cứ như này con không thiết sống nữa đâu’” - Chị Thương nhớ lại.
Sau khi mẹ chồng chị Thương tuyên bố: “Chỉ cần con sống khỏe mạnh, điều gì mẹ cũng có thể làm”, chồng chị lập tức tươi tỉnh, bật ngay dậy ôm chầm lấy mẹ mà cảm ơn. Lúc ấy chị với mẹ chồng mới ngớ người nhận ra anh đang diễn kịch. Vừa giận vừa muốn cười, nhưng những lời anh nói, dường như mẹ chồng đã lưu tâm đến, chả thế mà sau đó, bà đối xử dễ chịu hơn hẳn với chị Thương.