Tất nhiên, không thể bàn cãi gì nữa, trong gia đình ly hôn, con trẻ chịu thiệt thòi và đau khổ. Trẻ con sẽ hạnh phúc hơn khi được sống trong gia đình toàn vẹn, được nhận sự quan tâm, chăm sóc của cả mẹ lẫn cha, nhận được sự quan tâm, chia sẻ – chiếc chìa khóa cho hạnh phúc riêng của đứa trẻ trong tương lai khi nó hiểu được ý nghĩa của một gia đình bên nhau. Nhưng tất cả những sự phát triển hòan hảo đó, thật không may, chỉ diễn ra trong hình ảnh của các nhà tâm lý học.
Còn thực tế thường diễn ra như thế nào? Có một quan niệm hết sức thông thường và phổ biến rằng người phải bảo vệ gia đình, giữ gìn sự ấm áp của mái nhà là phụ nữ - và tệ hơn nữa là, người ta cho rằng phụ nữ phải làm điều đó bằng mọi giá – bắt đầu từ sự hy sinh tự do riêng, cảm xúc riêng... – bất kể thực tế rằng thường sau khi ly hôn, cuối cùng là trẻ vẫn ở với mẹ. Hãy đừng xem xét các vấn đề vật chất và áp lực nuôi dạy con cái. Hãy xem xét điều gì diễn ra trong tâm lý của trẻ trong tình huống này?
Hãy tưởng tượng sự việc: người phụ nữ quyết định ly hôn với chồng. Bỏ qua những nguyên nhân như sự phản bội trắng trợn, bạo lực gia đình và những vấn đề nặng nề khác, ta chỉ xét tới nguyên nhân thông thường nhất: chồng không quan tâm tới gia đình, con cái, không kiếm tiền đủ cho đời sống sinh hoạt, anh ta chẳng mấy khi có mặt ở nhà.
Cuối cùng thì người vợ cũng nhận ra, đằng sau cái hàng rào hôn nhân đó là một thế giới tuyệt vời mà ở đó, cô ấy không phải chịu đựng những vấn đề căng thẳng do người chồng gây ra và cô ấy tuyên bố dự định ly hôn của mình. Chỉ cần nghe thấy thế là tất cả họ hàng, người thân sẽ đổ lên đầu cô ấy những lời mắng nhiếc: “Chị làm sao thế? Chị thật là ích kỷ. Chị chỉ nghĩ đến chị thôi sao? Phải nghĩ tới con cái chứ! Chị làm cho con chị mất cha! Nó sẽ phải chịu đựng những người xa lạ! Hãy nghĩ đến những điều tồi tệ mà con chị sẽ phải gánh chịu từ quyết định của chị! Chị làm sao nuôi dạy con cái một mình!” – vân vân và vân vân.
Cũng không hiếm trường hợp, chính người cha, người chẳng hề động đậy một ngón tay cho việc bảo vệ và gìn giữ gia đình lại là người dọa dẫm người mẹ. Và cũng có không ít trường hợp người mẹ khi không muốn buông tay thả người đàn ông đi khỏi gia đình đã từ lâu không còn tồn tại của mình thì lấy con trẻ ra đề đe dọa chồng: “Anh mà ly hôn thì đừng bao giờ mong được nhìn thấy con”.
Có một câu hỏi thú vị là, con trẻ có thể có hạnh phúc hay không trong một gia đình luôn luôn xung đột, với một người mẹ suy nhược hay một người cha luôn chán nản hoặc bị kích động? Có hay không sự liên kết để giáo dục con cái trong một thỏa thuận ngầm: “Chúng ta hãy sống vì con” và im lặng chịu đựng lẫn nhau, cố gắng giấu đi sự thù hằn? Con trẻ sẽ học được gì trong mối quan hệ đầy bệnh hoạn trong gia đình, khi người ta sống một cách bất hạnh, hy sinh thời gian sống quý báu của mình vì một ai đó?
Hơn nữa, với lựa chọn sống này, chẳng ai khác ngoài chính con trẻ sẽ là người phải trả giá. Chúng trở thành kẻ tội đồ khi người mẹ tuyên bố: “Mẹ sống với bố chỉ vì các con! Mẹ đã chịu đựng khổ sở bao nhiêu năm qua chỉ đề các con có một ông bố!” Và cảm giác có lỗi với cuộc sống khổ sở của mẹ sẽ đè nặng lên vai của con trẻ ngay cả khi chúng đã lớn lên. Điều tội tệ nhất chính là con người từ thế hệ này sang thế hệ khác sẽ tiếp tục lặp lại cảnh: “Chúng tôi chịu đựng bất hạnh chỉ vì con cái” và không có khả năng thoát khỏi lời nguyền số phận về sự bất hạnh, sự hy sinh, cảm giác có lỗi đó.
Chẳng lẽ lại không tốt đẹp hơn khi trẻ được sống với một người mẹ vui vẻ, hạnh phúc, tự do và thanh thản – thậm chí dù là sau đó phải có một ông bố khác không phải bố ruột của mình hay có thể là hoàn toàn không có ông bố khác nữa? Thà là một con người hạnh phúc một mình, còn hơn là kẻ bất hạnh có đôi. Hãy để con trẻ học bài học đó từ thời thơ ấu, bắt đầu từ cha mẹ mình, chứ không phải từ kinh nghiệm sống buồn tủi của chúng ngay cả khi đã là người lớn.