Thân gửi bạn P.H - Tác giả bài viết: "Mẹ chồng sẽ không bao giờ yêu thương con dâu như con ruột"!
Tôi rất đồng cảm với bạn ở suy nghĩ "không muốn vạch áo cho người xem lưng,... chỉ muốn viết trên đây để được chia sẻ và để cảm thấy nhẹ nhõm hơn, không mang những bức bối trong lòng".
Bạn ạ, tôi cũng là một bà mẹ chồng. Trước đây gần 2 năm, tôi cũng có vài bài viết trên mục Tâm sự này với chủ đề "Mẹ chồng & nàng dâu". Ở đó, tôi muốn chia sẻ cái quan điểm cho yêu thương sẽ nhận được yêu thương.
Và ở vị trí mẹ chồng, tôi thành thật trình bày những điều tôi góp nhặt được. Đầu tiên là với suy nghĩ dần dà sẽ xóa được định kiến mẹ chồng nàng dâu. Sau là những băn khoăn, trăn trở bởi cảm giác "Lực bất tòng tâm" khi là mẹ chồng.
Diễn tả cho kết quả của cái gọi là "Tam đại đồng đường", người ta hay ví von "Xa thơm, gần thối". Nghe có vẻ trần trụi, phải không bạn? Nhưng nó phản ánh rất chính xác cái thực tế của cuộc sống chung.
Tôi đọc qua những bài viết của các bạn, cả những comment góp ý. Tôi rất đồng tình ở giải pháp vợ chồng trẻ nên "Độc lập, tự do sau khi kết hôn". Tuy nhiên, đó là một điều kiện không phải bất cứ vợ chồng trẻ nào cũng có thể thực hiện.
Và tôi, một trong những nhân vật liên quan đến chủ đề, tôi cũng phải chờ đợi đến lúc các con tôi đủ "lực" mới cho ở riêng. Không phải tôi muốn trút đi gánh nặng tâm lý "nàng dâu & mẹ chồng", mà là để cho các con có dịp trải nghiệm đời sống tự lo toan, tự vun đắp.
Cho đến hôm nay, sau hơn 4 năm con trai lớn kết hôn, giữa tôi và con dâu chưa lúc nào có mâu thuẫn gì trầm trọng. Nhưng công bằng mà xét, tôi không chối bỏ theo thời gian, người già như chúng tôi đôi lúc rất khó che giấu được thái độ buồn bực khi tiếp xúc với con dâu mà sau bao nhiêu cố gắng gần gũi, trải lòng, kết quả chỉ là cảm giác bất lực trong ước muốn con dâu thay đổi cách sống.
Thật lòng, khi đã xác định "Yêu con trai nên yêu cả người vợ mà chúng tự chọn", ngay cả lúc này, lúc buồn thăm thẳm vì giữa 2 mẹ con hình thành một khoảng cách, tôi vẫn không hề có ý nghĩ ghét con dâu.
Tôi khách quan mà nhận định, con trai tôi cũng không phải là đứa hoàn hảo. Cháu hiền lành nhưng cục tính, không đeo mang những tệ nạn, làm việc tốt, yêu vợ thương con. Nhưng cái quan điểm giúp đỡ vợ, chăm sóc con của nó cực kỳ dở.
Riêng con dâu, trước khi cưới, tôi đã biết cháu là người phụ nữ không biết đến chuyện bếp núc. Dù có nhiều băn khoăn cho cái khái niệm "cơm hàng cháo chợ" của con, nhưng tôi nghĩ đó là việc không quá to tát và cháu sẽ biết thay đổi khi cháu có con, có một mái ấm cần cùng chồng chung tay vun vén.
Tôi không muốn nhắc lại sự cố gắng hiểu tâm lý, tư tưởng quảng đại, hành động đỡ đần của tôi cho các con trong quãng thời gian hơn 4 năm qua sống cùng nhau hay từ khi vợ chồng con trai kết hôn cho đến hiện tại hai đứa đã có một con trai 2 tuổi.
Không muốn nhắc, do tôi chẳng muốn biến sự nhắc nhở đó thành một thứ kể lể về nguyên nhân gây ra mâu thuẫn "nàng dâu mẹ chồng". Và điều tôi băn khoăn cũng không hoàn toàn nằm ở vấn đề hai cháu đang thiếu kỹ năng làm người chủ gia đình độc lập, bởi thật ra "trăng đến rằm trăng tròn" thôi.
Cái mà tôi thật sự ưu tư... là cách suy nghĩ và hành xử của một phụ nữ trẻ đối với gia đình chồng của họ với tư tưởng "khác máu tanh lòng".
Tôi đã đọc ý kiến của nhiều bạn đọc ở vị trí "nàng dâu". Đa phần các bạn mặc định "Mẹ chồng chỉ là mẹ của chồng!". Thật ra, đó là một suy nghĩ chính xác và thực tế.
Nếu bạn chủ trương "sòng phẳng" và hơn nữa, ở những trường hợp mẹ chồng "cá biệt", khiến nàng dâu bị thui chột dần thứ tình cảm vốn đã rất... mong manh. Tuy nhiên bạn ơi, cũng như trong quan hệ giữa các con và cha mẹ ruột, làm sao tránh được những thời khắc xao động và mâu thuẫn?
Mà những khi ấy, với mặc định "Mẹ chồng muôn thủa vẫn là mẹ của chồng, là bà nội của con nhưng không có máu mủ ruột rà gì với mình hết" thì làm thế nào để có được một mối quan hệ thành thật và chân tình đây?
Qua thông tin của thân hữu ở nước ngoài, thực tế tôi thấy lối sống tự lập theo ý muốn của con cái khi chúng trưởng thành quả là hợp lý. Đành rằng làm cha mẹ, sinh con ra thì dõi theo con đến suốt cuộc đời.
Nhưng dù muốn dù không, cái cách sống chung cùng với mong muốn thắt chặt thêm tình cảm, "bảo ban" con cái ở bước đầu con thành hôn của cha mẹ quả là lỗi thời. Nếu không muốn nói là đối với quan điểm "sòng phẳng" của một số người, cách sống đó và mong muốn đó hoàn toàn "không khả thi"!
Có vẻ như chuyện của tôi chẳng giống chuyện của tác giả P.H? Và ở vị trí này, tôi cũng chẳng thể đưa ra được lời khuyên nào khách quan cho tác giả. Thôi thì một chút đóng góp, xem như tôi trải lòng với tiêu đề bài chia sẻ của bạn ấy với tất cả ngậm ngùi: "Con dâu sẽ không bao giờ yêu thương mẹ chồng như mẹ ruột"!