NỮ GIỚI » Tâm sự

"Cuối cùng, con vợ mình cũng hiểu ra: là đàn bà thì sẽ bị đánh"

Thứ sáu, 14/03/2014 11:51

Anh ta chẳng cười tự mãn mà nói rằng: "Cuối cùng thì con vợ mình cũng hiểu ra được một điều. Đó là, là đàn bà thì sẽ bị đánh. Bị đánh ít hay đánh nhiều thôi".

Lúc mới lấy nhau, anh ta bàn với tôi mượn tiền bố vợ làm ăn và hứa trả lãi theo tháng rồi sau vài năm sẽ cố gắng làm lụng để trả cả gốc. Thương các con, bố tôi dồn hết vốn liếng cho ông con rể mượn. Rồi chỉ vì mâu thuẫn vợ chồng (do anh ta suốt ngày chỉ nhậu nhẹt, đá bóng và chơi game, tôi một nách con thơ không cáng đáng hết việc), anh ta nóng giận bế con bỏ đi giữa đêm.

Anh ta vứt lại bao công sức vàtiền bạc của bố tôi và 2 vợ chồng để đi. Anh ta lại đòi quay lại Sài Gòn lập nghiệp. Bố tôi như ăn phải quả đắng khi ông con rể chẳng được một lời nói. Giờ báo hại ông phải thanh lý bán tháo hộ từng thứ.

Dĩ nhiên anh ta quay lại Sài Gòn mọi việc không suôn sẻ tí nào. Anh ta cho 2 mẹ con tôi về nhà chồng ngoài Bắc ở. Nhưng nhà chồng nghèo mà anh ta thì công việc ngày một hao hụt tiền bạc, vay mượn khắp nơi, chẳng dư ra được đồng nào.

Thế là 2 mẹ con tôi lại phải về bám víu bà ngoại. Khi ấy tôi bị ám ảnh vì anh ta lén bế con bỏ đi. Tôi sợ hãi anh ta sẽ làm thế một lần nữa. Con tôi vẫn còn ẵm ngửa và bú mẹ, thế nên tôi dặn lòng bản thân mình an phận. Tôi hiểu, dù tòa án hoặc pháp luật có đứng về phía tôi, thì cũng còn cả ngàn cách để anh ta đánh cắp mất đứa con của mình. Và vì thế, tôi cứ để mặc anh ta sắp xếp số phận cho mình.

Có những chuyện tưởng như con kiến thôi mà anh ta cứ phải gào vào mặt tôi. Tôi im lặng thì anh ta hỏi "Tại sao mày không trả lời?". Tôi trả lời thì lại cho rằng: "Tại sao tao nói cái gì mày cũng cãi?" (Ảnh minh họa)

Những khi anh ta khó khăn nhất, tôi là người về xin từng đồng của nhà ngoại vun vén cho anh. Bố mẹ tôi đã ly hôn, hai người cũng chẳng khá giả gì. Nhưng vì thương con, thương cháu nên cũng cố gắng giúp đỡ.

Cứ nghĩ rằng tôi chấp nhận hi sinh hết (tôi bán cả mảnh đất bố mẹ chia hồi môn cho để trang trải nợ nần mà ngày đó anh ta mượn ngân hàng đầu tư. Số tiền còn dư thì dành dụm mua cho anh ta cái xe đi làm. Nhẫn cưới cũng bán hết để anh ta sắm sửa áo quần) rồi sau này sẽ được nhờ. Anh ta nói hãy làm hậu phương vững chắc để anh ta có bàn đạp vươn lên thật cao, thật xa. Khi đó sẽ cho mẹ con tôi được sống sung sướng.

Chẳng biết sung sướng thế nào nhưng tới khi công việc ổn định, lương cũng kha khá rồi mà anh ta cũng không gửi được một ngàn về cho con mua sữa. Tôi sốt ruột nói với anh ta rằng nếu không gửi tiền về, tôi đi làm. Nếu không thì hãy đón mẹ con tôi vào đó mà nuôi. Chứ bắt mẹ con tôi ăn bám nhà ngoại mãi sao được.

Anh ta quyết định cho mẹ con tôi vào đó ở với anh ta. Thằng đàn ông được tự do một thời gian mà giờ bị cột vào lại với vợ con thì nghe chừng khó chịu lắm. Tiền nong anh ta cầm tất, tôi không biết chính xác được trong túi anh ta có bao nhiêu, hàng ngày tiêu hết bao nhiêu.

Đầu tuần anh ta đưa tôi được năm ba trăm, hết thì tôi hỏi xin tiếp. Có khi tôi phải ngồi cộng lại những thứ tôi đã mua. Cũng chỉ toàn là lo ăn uống và sữa cho con. Anh ta sắm sửa cho anh ta áo hàng hiệu, nước hoa tiền triệu, giày xịn và lúc nào cũng phải bóng loáng từ đầu tới gót chân, nhưng vợ con thì không hề.

Anh ta cho rằng tôi chỉ ở nhà thì cần gì sắm sửa. Cho nên khi ra đường anh ta rất ngại vợ con nhếch nhác. Tôi cũng không thích tiếp xúc bạn bè anh ta. Và hầu như nếu tiện đường chở vợ con mà ghé bạn bè, anh ta sẽ để vợ con đứng ở đâu đó đợi 1 lúc.

Sắm sửa cho vợ con với anh ta cũng là 1 điều hết sức xa xỉ. Tôi ấm ức vì bố mẹ cho tôi bao nhiêu tiền, tôi chỉ toàn để trả nợ cho cái ngu mà tôi đã nghe theo anh ta. Anh ta bới ra cho đã xong bỏ đó, rồi đi Sài Gòn làm. Còn tôi ôm con ở lại nghe người ta tới đòi tiền sỉ vả đủ điều. Anh ta cũng không 1 ngàn gửi về nên bố mẹ tôi giúp tôi trả nợ gần như tất cả.

Tôi thấy mình nhu nhược và bất hiếu. Tôi làm khổ cả bố mẹ mình. Và giờ đây anh ta cao giọng chửi vào mặt tôi: "Mày chẳng làm được cái tích sự gì trên đời".

Tôi quyết định gửi con đi học và tìm việc làm. Cuối cùng anh ta cũng đồng ý cho tôi như vậy. Tôi loay hoay tìm việc với tấm bằng và "kinh nghiệm" bao năm ở nhà nội trợ chăm con. Anh ta cười khẩy và coi tôi là một đứa ngu dốt.

Không ít lần tôi chán ngán và muốn bế con bỏ đi một nơi nào đó. Nhưng làm như thế khác gì anh ta ngày đó. Tôi không thể bỏ con về nhà ngoại được, vì chắc chắn anh ta sẽ lại về lén bế con đi. Và nếu lần này anh ta bế con đi, tôi chắc chắn sẽ chẳng thể tìm lại con được.

Còn bỏ đi nơi khác, tôi lại chưa làm ra đủ tiền để tự nuôi con ăn học. Nhìn lại, tôi thấy mình thật ngu ngốc khi học xong chấp nhận ở nhà làm nội trợ. Để giờ này tôi như kẻ yếu thế không thể làm gì trái ý anh ta được.

Anh ta "vô tư" với vợ con thế đã đành, đến bố ốm, mẹ đau ở quê anh ta cũng chẳng đoái hoài 1 lời hỏi thăm. Gần Tết mẹ chồng tôi ngã xe nằm 1 chỗ mất cả tuần. Anh ta hứa hẹn ra Tết gửi về cho bà chút tiền. Nhưng ra Tết, vì bạn bè hỏi mượn nên anh ta cho bạn mượn tiền mà không gửi về quê cho mẹ chồng nữa. Khi đó anh ta cũng để lại cho mẹ con tôi được 1,5 triệu để mua đồ đạc chuẩn bị xuống Sài Gòn. Thấy thế, tôi cũng ái ngại mà gửi về cho bố mẹ chồng được 1 triệu lấy danh nghĩa là anh ta.

Anh ta bị 1 chứng bệnh gọi là ám ảnh cưỡng chế. Cái này là do anh ta tự gọi tên "bệnh" của mình nên tôi mới biết. Anh ta luôn nghĩ mình cao hơn người khác 1 cái đầu. Anh nghĩ mình tài giỏi và nói rằng nếu sinh đúng thời thì sẽ làm vua. Anh ta coi thường người khác, nhất là bạn bè tôi.

Có một chị góp ý với tôi rằng gia đình chị không bao giờ có chuyện xưng mày tao cả. Chị cho rằng, có lẽ vợ chồng tôi sát tuổi nên thiệt thòi cho tôi. Anh ta biết được thì chửi rằng: "Nó có tư cách gì mà nói tao?" (Chị ấy hơn anh 9 tuổi, làm trưởng phòng cho một hãng hàng không lớn). Rồi anh ta nói: "Tụi nó ở một đẳng cấp khác, cái đầu của tao hơn cả bố nó. Chứ nó thì có tư cách gì nói tao".

Anh ta còn rất sợ dơ, nó cũng như 1 biểu hiện của cái bệnh thần kinh ấy của anh ta. Có khi con trai nhỏ nhà tôi bốc đồ ăn xong, anh ta bắt tôi đi rửa tay ngay lập tức cho con trai. Rồi sau đó tôi phải đút cho con, không được để con tự bốc. Rửa xong anh ta chạy tới bắt con xòe tay ra và hỏi sao khô nhanh thế, rồi bế xốc thằng cu vào rửa lại...

Có những chuyện tưởng như con kiến thôi mà anh ta cứ phải gào vào mặt tôi. Tôi im lặng thì anh ta hỏi: "Tại sao mày không trả lời?". Tôi trả lời thì lại cho rằng: "Tại sao tao nói cái gì mày cũng cãi?". Phải mất 1 thời gian tôi mới hiểu được là bất cứ lời nào tôi nói ra cũng là cãi, chứ không phải việc tôi phủ nhận ý của anh ta mới là cãi!

Hiện tại tôi thấy mình chán ngán với cuộc sống này. Tôi nên tiếp tục hay không tiếp tục với người chồng của tôi đây? Người chồng mà luôn coi tôi chẳng ra gì, bực lên thì xưng tao mày, nóng lên thì chửi vợ ngu như con ch*, điên lên thì nghiến răng đòi giết.

Anh ta cười tự mãn và nói rằng: "Cuối cùng thì con vợ mình cũng hiểu ra được một điều. Đó là, là đàn bà thì sẽ bị đánh. Bị đánh ít hay đánh nhiều thôi" (Ảnh minh họa)

Những khi như thế tôi chỉ biết ôm con im lặng. Tôi chịu đựng vì qua bao trận đòn tôi nhận ra bất cứ một lời nào nói ra lúc ấy sẽ chỉ khiến tôi thêm đau đớn mà thôi. Những lúc ấy, anh ta hay cười tự mãn và nói rằng: "Cuối cùng thì con vợ mình cũng hiểu ra được một điều. Đó là, là đàn bà thì sẽ bị đánh. Bị đánh ít hay đánh nhiều thôi".

Nhưng tôi im lặng không có nghĩa là chấp nhận. Tôi thấy mình cứ phải chịu đựng, tôi không làm được như mẹ chồng tôi dạy. Bà vẫn thường bảo tôi, rằng phải khôn, phải khéo thì sẽ không sao, còn dại thì sẽ bị ăn đòn. Rằng xưa bố chồng tôi đánh mẹ, mẹ quỳ xuống xin bố thế là bố không đánh mẹ nữa.

Hàng ngày, nhìn nụ cười của đứa con bé bỏng, tôi tự dằn lòng mình xuống và tự nhủ sống yên phận. Nhưng mâu thuẫn cứ giày vò trong tôi từng ngày, rằng giải thoát hay an phận đây? Con đường nào tốt nhất cho tôi và con? Liệu cứ tiếp tục thế này, có phải là điều tốt nhất cho cả 2 mẹ con tôi không?

Theo Trí Thức Trẻ