Mệt mỏi vì vợ "lên lớp"
Từ ngày anh Thắng (Thanh Xuân, Hà Nội) lên chức trưởng nhóm, mỗi ngày chị Hương – vợ anh lại “rót” vào tai chồng những lời chỉ dạy tỉ mỉ từ chuyện ăn mặc, nói năng đến… ra oai.
Chị dặn dò: "Lên trưởng nhóm rồi anh phải ăn mặc sao cho đàng hoàng thì đối tác, đồng nghiệp mới nể”. Thế là cứ cuối tuần chị lại lăng xăng đi “tân trang” cho chồng. Cứ thế, tủ quần áo của anh mỗi ngày càng chật ních.
Rồi chị dặn anh phải học cách lấy lòng, nịnh nọt sếp: “Giờ anh là sếp rồi mà sếp thì phải thét ra lửa thì quân mới nghe chứ kiểu úi xùi như anh thì chẳng bao giờ khá lên được”.
Sau một thời gian lên chức, nhân viên trong phòng được phen há hốc mồm khi thấy anh Thắng hiền hiền, tâm lý dạo nào nay thay đổi đến chóng mặt. Anh luôn cố tỏ ra quan trọng hóa vấn đề kể cả những việc bé xíu như con kiến. Rồi anh còn khoe khoang những kiến thức về hàng hiệu, những nơi chỉ có ‘quý tộc’ mới tới, cách cầm muỗng, cách nói năng,... với ngay cả với cậu sinh viên trẻ mới xin vào phòng thực tập.
Nghĩ vợ nói phải, ban đầu anh Thắng rất tuân thủ mọi bài giảng của vợ, nhưng dần dần nó chỉ làm anh thấy mệt mỏi, sợ cả về nhà.
Anh Thái (Nghĩa Dũng, Hà Nội) cũng rơi vào cảnh chán vợ đến cùng cực. Chị Khánh vợ anh là người đàn bà khá ưa nhìn, thân hình bé nhỏ khiến chị càng ngày càng trẻ hơn so với chồng, thêm vào đó chị lại là người xởi lởi, tháo vát, nhanh nhẹn. Nhiều người bạn còn trêu anh phải cẩn thận giữ vợ không lại khổ.
Chỉ mình anh Thái thấm cái cảm giác mệt mỏi mỗi khi vợ dạy: "Anh mở to mắt mà coi anh Sang hàng xóm kia kìa. Chồng người ta bằng tuổi anh đấy. Có chồng thế bảo sao cô vợ mới mơn mởn, nhởn nhơ chứ đâu như em. Em thì việc gì cũng phải nghĩ, cái gì cũng đến tay. Chồng người ta có 2, 3 công ty, tính thét ra lửa, thằng lính nào cũng phải sợ, đằng này…”.
Nếu ai từng gặp anh Thái cũng thấy anh là người đàn ông đích thực. Đúng là nhìn lên thì anh không giàu có bằng người nhưng anh cũng là trưởng phòng công nghệ của một công ty truyền thông. Dưới anh có cả chục người nhưng anh lại xởi lởi quá nên ai cũng thân mật như anh em chứ chẳng nghĩ là sếp.
Ngoài công việc, anh luôn chu đáo với vợ con. Nhưng với chị thế vẫn chưa đủ. Nhiều khi chị bắt được tin nhắn xin nghỉ “trời ơi” của đồng nghiệp anh trong điện thoại mà chị thấy bực mình.
Chị lại làm ầm lên: “Có ai đời sếp mà chẳng có uy như anh không?” Những lúc như thế chị lại đem thần tượng của mình ra khen lấy khen để.
"Dạy nhiều không thông thì bỏ"
Suốt ngày nghe vợ kêu ca, than vãn rồi so sánh, một lần không chịu đựng được, anh Thái bực mình hét ầm lên: “Tôi thế đấy, bây giờ cô muốn gì?”
Thấy anh chồng bình thường hiền lành bỗng nóng giận, chị càng được nước lấn tới: “Dạy nhiều mà không thông nổi thì biến đi. Anh không chịu nghe tôi thì đời anh ra bã”.
Anh sầm sập vào phòng đóng chặt cửa lại. Như những lần khác chị nghĩ chắc chồng chỉ “giận lẫy” chút thôi. Ai dè, lúc chị đang nấu cơm, anh bình thản đi ra với chiếc đơn xin ly hôn trên tay.
Trường hợp anh Thắng, chị Hương cũng chẳng khá hơn gì.
Thấy anh chẳng nói chẳng rằng, chị chắc mẩm anh đang nghiên cứu các phương án chị vừa gợi ý nhưng ai dè, anh đem hết những cái bức xúc trong lòng ra để tỏ bày với cô nhân viên cấp dưới.
Một lần tình cờ chị phát hiện ra chồng có tình cảm trên mức tình bạn với cô gái đó chị mới biết cách dạy chồng của mình hoàn toàn sai lầm. Chị vặn hỏi anh: “Bây giờ anh muốn gì? Tại sao anh nỡ đối xử như vậy với em?”
Anh Thắng thở dài nói: “Giờ em mới hỏi anh ư? Trước đây em có cho anh được nói với em điều gì đâu. Toàn em bắt anh phải làm thế này, thế khác. Ở bên cạnh cô ấy, anh thấy mình được là chính mình”.
Sau một cuộc nói chuyện kéo dài trong nước mắt, anh vẫn nhất nhất đòi ly hôn vợ.
Mọi sự so sánh đều khập khiễng
Trả lời về vấn đề này, chuyên gia tâm lý Đoàn Thúy Hương (Trung tâm tư vấn Tình yêu Tình dục thành phố Hà Nội) cho biết, “dạy chồng” bằng việc “lên án”, so sánh là việc làm hoàn toàn không nên, dễ phản tác dụng. Khi đã làm vợ thì bạn nên chấp nhận những ưu và khuyết điểm của người mà mình đang gắn bó.
Đúng là việc chấp nhận ưu điểm của người bạn đời thì quá dễ, nhưng khuyết điểm thì ít ai “nuốt trôi”. Chính vì thế, lời khuyên trên nói dễ, làm mới khó, nhất là khi người vợ nhìn thấy quanh chồng ai cũng ổn.
Người phụ nữ có thể “nêu gương” với chồng nhưng phải kiềm chế “bệnh” so sánh và dạy khôn chồng vì làm như vậy là châm mồi cho mâu thuẫn. Đàn ông không chịu nổi cảm giác nhục nhã khi vợ lải nhải suốt ngày về hình ảnh người đàn ông khác để đánh gục mình.
Bạn đang có những tâm sự, vui, buồn… muốn chia sẻ những bức ảnh đẹp, gửi lời nhắn (một bài hát, lời yêu, một tấm thiệp chúc mừng hay những dòng thơ nhỏ…) tới những người thân yêu của mình. Hãy để Ngoisao.vn đồng hành và giúp bạn! Vui lòng gửi tới email:tamsu@ngoisao.vn. Chúng tôi sẽ thường xuyên cập nhật và đăng tải những điều mà bạn muốn chia sẻ! |