Một phần vì bún cá rất ngon (thực ra cái gì chả ngon với sinh viên đói) nhưng một phần là bởi mẹ nhìn thấy một giấc mơ đời mình ở chị bán bún cá.
Chị ấy xinh đẹp, tháo vát, xởi lởi... vốn là một giáo viên. Chồng chị làm giám đốc công ty tư nhân, rất thành đạt. Chị tình nguyện bỏ việc ở nhà bán hàng, vừa để chăm nom hai đứa con xinh đẹp đáng yêu. Hạnh phúc bình dị mà một cô gái mới lớn là mẹ ngưỡng mộ.
Bẵng đi vài năm, mẹ quay lại thì không nhận ra người phụ nữ đó nữa. Thay vào đó là một bà bầy hầy với bụng, tóc, lùng nhùng trong mớ quần áo ngủ, mồm miệng quát tháo con inh ỏi. Quán đã to hơn với vài nhân viên giúp việc, bà chủ tru tréo quát nhân viên chua ngoét. Hỏi thì biết quán mở từ sáng đến 10h đêm. Bà chủ nhận ra khách quen là mẹ, vừa loé xoé mắng nhân viên vừa kể lể “việc gì cũng đến tay chị, chồng con chả được tích sự gì”. Một thời gian nữa thì mẹ biết vợ chồng họ chia tay.
Điều đầu tiên mẹ nghĩ đến là hình ảnh đầu bù tóc rối, trong bộ quần áo ngủ hoa màu cháo lòng, từ sáng đến 10 giờ đêm của bác ấy. Không dám hỏi, nhưng mẹ không biết thời gian nào bác ấy dành để chia sẻ tận hưởng cuộc sống với chồng, lúc nào bên con, tự ôm hết mọi việc vào thân rồi nhàu nhĩ như cây chổi lau nhà, mệt mỏi cáu bẳn.. Người chồng chắc trong sâu thẳm biết ơn, nhưng sự chán chường cô đơn mẹ đoán là lớn hơn nhiều sự biết ơn ấy. Sau 10 giờ đêm mới nghỉ việc, họ còn dành cho nhau được giây phút vợ chồng nào nữa? Mẹ không dám chắc!
Mẹ vẫn nói ghét từ “hy sinh”, và trong câu chuyện cụ thể này, sự “hy sinh” của phụ nữ có làm người đàn ông mà con yêu thương hạnh phúc không?
Một câu chuyện khác: ngay bây giờ con có thể tìm thấy một hàng chè rất nổi cũng trên phố Đội Cấn. Mẹ ăn chè của bác chủ đó từ hồi sinh viên, khi bác bày bán trên vỉa hè. Hàng rất đông, lợi nhuận cũng lớn. Mỗi bát chè lại chừng 5 – 6 nghìn. Mỗi ngày bác bán vài trăm bát, đỉnh điểm lên đến hàng ngàn. Họ ngồi ăn tại chỗ và mua vài chục bịch nilon chè mang về. Lợi nhuận lên vài triệu với gần 20 triệu/ngày. Giờ bác ấy đã mua và xây luôn nhà mặt phố để bán chè, không cần thuê nữa.
Nhưng đó không phải điều mẹ muốn nói. Đáng chú ý là bác chỉ bán đúng đến 4h chiều mỗi ngày. Mẹ hỏi: sao không bán muộn hơn vì người dân buổi tối đi chơi ăn nhiều. Bác bảo: 4 giờ là thời gian chồng con chuẩn bị đi làm, đi học về. Phải dọn hàng trước đó để gia đình có thời gian bên nhau. Gia đình bác ấy hiện hạnh phúc với hai con học hành đỗ đạt.
Con gái thấy không, mọi thứ đều có điểm dừng. Kể cả sự "hi sinh" hay ảo vọng về vai trò của nó. Khát vọng kiếm tiền hay sự cam kết vĩnh viễn chung thuỷ. Hạnh phúc gia đình không chỉ cam kết bằng hai chữ "biết ơn"!
Sự thật là có lúc con tự đánh mất mọi giá trị vì ảo vọng đó. Và sự thật là người đàn ông của con cần một người vợ, chứ anh ta không muốn sống với một cái cây lau nhà.
Hãy yêu bản thân mình, mới mang được hạnh phúc cho người khác, con nhé!