NỮ GIỚI » Tâm sự

Dâu thảo vẫn bị mẹ chồng hành

Chủ nhật, 04/11/2012 16:26

Dù chị có cố nín nhịn để giữ không khí gia đình được yên ấm nhưng lúc nào bà cũng có cớ để bới ra chuyện.

Ghét vì gái quê

Lần đầu tiên gặp mặt, Huyền đã cảm nhận rõ thái độ hờ hững trên gương mặt mẹ Thanh khi bà hỏi quê quán của Huyền. Sau này đã lấy nhau, Thanh mới kể thật chuyện mẹ không đồng ý cho hai đứa kết hôn chỉ vì cô là gái quê. Nhưng tính Thanh vốn quyết đoán nên anh đã cố thuyết phục bố mẹ đồng ý để hai người tổ chức đám cưới.

Từ sau đó, mọi lời nói, việc làm Huyền đều cố gắng để vừa lòng mẹ chồng. Thật lòng cô cũng yêu quý mẹ chồng bởi bà luôn hết lòng chăm lo cho gia đình, sống chu đáo và việc gì cũng tươm tất. Vả lại, cô nghĩ đơn giản là mình đối xử tốt với mẹ thì dần dần mẹ cũng coi như con cháu trong nhà.

Từ ngày Huyền về làm dâu, mẹ chồng không phải động tay động chân vào bất cứ việc gì trong nhà. Có hàng trà đá ngay trước cửa, bà túc tắc bán cho vui tuổi già, lại kiếm được đồng ra đồng vào. Sáng nào Huyền cũng dậy sớm đun nước cho mẹ bán, khuya cô lại xăm xắn dọn hàng giúp bà.

Vậy mà rất hiếm khi bà cất lời với con dâu. Đi làm, về nhà, mỗi khi Huyền chào hỏi, bà chỉ gật đầu qua loa hoặc "ừ" một tiếng cụt lủn. Trong nhà có việc gì, bà đều gọi con trai hỏi han, thông báo. Đôi lúc, Huyền cũng thấy chạnh lòng vì khoảng cách đó nhưng cô nghĩ chắc do tính bà ít nói.

Nhà chồng Huyền tiếng là gần mặt phố nhưng rất chật chội. Đó là căn hộ tập thể cũ rộng chừng 20m2. Một hôm, thấy bố mẹ và chồng ngồi tính chuyện đổi căn nhà tập thể này lấy một căn nhà trong ngõ sâu cho rộng rãi, Huyền cất lời: "Con thấy thế là hợp lý, nếu đổi được thì nhà mình rộng rãi hơn bao nhiêu". Mẹ chồng quay ngoắt sang mặt nghiêm nghị: "Cô thì biết gì mà nói, thích rộng thì về cái xó nhà cô mà ở". Huyền im bặt, lủi thủi bỏ đi giặt giũ. Chẳng là bố chồng và Thanh tính chuyện này lâu rồi nhưng mẹ thì chưa đồng ý vì muốn ở gần mặt đường còn tiện bán hàng.

Căn nhà càng trở nên bí bách sau khi Huyền sinh con. Huyền lại bàn với chồng: "Sao anh không thuyết phục mẹ cho đổi nhà đi, con cái thế này sống sao nổi". Nghe rõ tiếng con dâu nhỏ to, mẹ chồng hắng giọng: "Cái loại chuột sa chĩnh gạo mà không biết điều còn đòi hỏi, xúi giục chồng. Rộng à, thích rộng thì về bảo bố mẹ cô bán hết ruộng đi xem mua được mấy mét vuông đất ở đây mà được voi đòi tiên".

Huyền ấm ức đến nghẹn thở, đang định lên tiếng thì chồng xua đi: "Ai nói gì đâu mà mẹ bảo đòi hỏi". "Lại còn không à. Sướng không biết đường sướng, gái Hà Nội chết hết hay sao mà phải rúc vào cái xó quê ấy, giờ còn để nó "dắt mũi" cả nhà này à?", giọng bà chua ngoa.

Rồi bà vùng dậy: "Xéo, xéo hết. Nhà tao không để chứa chấp loại hư thân mất nết, nói một câu cãi một câu, lên mặt "dạy" cả bố mẹ". Chưa bao giờ Huyền thấy bà to tiếng như thế. Vừa nói, bà vừa cầm hết quần áo đứa bé ném ra ngoài cửa.

Không kiềm chế được cơn nóng giận, Thanh một mực lôi Huyền đi. Một tay bế con, một tay lỉnh kỉnh đồ đạc mà nước mắt Huyền lưng tròng. Vợ chồng cô quyết định chuyển hẳn ra ngoài thuê nhà.

Chị Tâm luôn tự hỏi tại sao việc gì mình làm mẹ chồng cũng không vừa lòng (Ảnh minh họa)

Gặp phải mẹ chồng hạch sách

Cùng cảnh mẹ chồng không ưa, chị Tâm (Thanh Trì, Hà Nội) dù luôn quan tâm, chăm sóc mẹ nhưng không bao giờ vừa được ý bà. Lần nào đi công tác về chị cũng quà cáp đầu cuối. Thấy mẹ hay ốm vặt nên chị thường chọn mua đồ ăn, thức uống để bà tẩm bổ.

Một lần đi Miền Nam, chị nhờ người quen mua cho tổ yến hơn 5 triệu. Về nhà, chị hí hửng đem biếu mẹ chồng thì bà buông một câu: "Chả biết chừng tổ yến giả cũng nên".

Hàng tháng, chị đưa tiền đều đặn cho bà chợ búa, tiếng là góp tiền ăn của hai vợ chồng nhưng nghĩ mẹ ở nhà không có lương, chị hay đưa nhiều để bà còn đồng quà, tấm bánh. Thỉnh thoảng, chị lại biếu xén bà vài ba trăm và không quên dặn: "Tiền chi tiêu trong nhà có thiếu gì mẹ cứ bảo con". Vậy mà lần nào bà cầm tiền mặt cũng lạnh tanh, có khi còn nói mỗi câu "để đấy" như thể đưa tiền là trách nhiệm của con dâu.

Dịp giỗ bố chồng vừa rồi, chị bận quá dặn chồng chuẩn bị tiền đưa mẹ lo giỗ chạp. Khi con gái hỏi việc chuẩn bị đám giỗ đến đâu, mẹ chồng chị Tâm than thở: "Chúng nó chẳng í ới gì", chị Tâm chột dạ tưởng chồng chưa đưa. Đến khi chồng nói lại với mẹ, bà lại giở giọng: "Giỗ bố mà chỉ chồng lo, thế con dâu không phải con cái nhà này à?"

Sống với nhau hơn 5 năm, chị Tâm luôn tự hỏi mình quan tâm, đối tốt với mẹ chồng như thế mà sao bà cứ mặt nặng mày nhẹ với chị. Hỏi chồng thì chồng bảo: "Người già rồi đều thế, em suy nghĩ làm gì".

Không ít lần chị phải “muối mặt” vì mẹ chồng. Bữa cơm nào chị nấu, kiểu gì bà cũng ca cẩm canh mặn, cơm khô, phát chán vì suốt ngày ăn thịt... Thậm chí cả khi có khách, bà cũng chẳng tiếc lời chê con dâu.

Ngày vợ chồng chị chuyển đến căn nhà 5 tầng mới mua, các cô các bác đến chơi xuýt xoa: "Hai vợ chồng làm ăn giỏi thế, mới tí tuổi đầu đã mua được căn nhà khang trang thế này". Mẹ chồng chị quay sang ngấm nguýt: "Chồng nó làm cả chứ cái ngữ vợ thì tài giỏi với ai mà mua được nhà". Chị ngậm đắng nuốt cay trước mặt họ hàng dù thu nhập hàng tháng của chị còn hơn gấp đôi chồng.

Bạn đang có những tâm sự, vui, buồn… muốn chia sẻ những bức ảnh đẹp, gửi lời nhắn (một bài hát, lời yêu, một tấm thiệp chúc mừng hay những dòng thơ nhỏ…) tới những người thân yêu của mình. Hãy để Ngoisao.vn đồng hành và giúp bạn! Vui lòng gửi tới email:tamsu@ngoisao.vn. Chúng tôi sẽ thường xuyên cập nhật và đăng tải những điều mà bạn muốn chia sẻ!

TTVN