NỮ GIỚI » Tâm sự

Đẻ con không thông minh, mẹ chồng đổ lỗi cho con dâu

Thứ tư, 14/01/2015 11:59

(Ngoisao.vn) - Mẹ còn bảo chồng tôi ra ngoài kiếm cho bà một đứa cháu “bình thường”.

Cả tháng nay tôi không ra ngoài, làm việc với những nỗi cô đơn và dằn vặt khiến tôi quen dần. Bầu trời ngoài kia chắc cũng đẹp lắm, tôi mơ hồ nhận ra những tia sáng yếu ớt xuyên qua như đang cố gắng lôi kéo tôi hòa nhập với cuộc sống ồn ào bên ngoài.

Cuộc sống thoảng qua kẽ tay mà khi nhìn lại mới rùng mình cảm nhận được cái già nua len lỏi trong tâm hồn. Tôi đã 33 tuổi, xuất phát từ nông thôn, chính cuộc hôn nhân sắp đặt đã đưa tôi đến với Hà Nội phồn hoa, tấp nập. Khi đó, tôi mới là cô gái 20 tuổi, tuổi của những ước mơ, nhưng đã sớm bị đẩy vào cuộc hôn nhân định sẵn.

Chồng tôi là dân tỉnh lẻ, cũng ở cùng quê với tôi nhưng gia đình anh lên đây lập nghiệp lâu năm, hơn tôi 14 tuổi. Lúc mới lấy chồng tôi giật mình sợ hãi, phải chăng đây chính là người đàn ông sẽ “chung chăn chung gối” với tôi suốt cuộc đời còn lại. Nhưng nghĩ đến 3 đứa em nhỏ, cùng bố mẹ già yếu khiến tôi bằng lòng gạt nước mắt theo chồng.

Tôi dần quen với cuộc sống khi hằng ngày phải đối mặt với công việc nhà, sự nhàn rỗi, cùng ánh mắt nhìn không mấy thiện cảm của mẹ chồng với cô dâu mới. Tôi quyết định xin một việc phục vụ ở hiệu sách gần nhà để có thể vừa kiếm tiền vừa thuận tiện chăm sóc gia đình.

Cuộc sống thấm thoắt trôi, đứa con đầu lòng ra đời, cũng như bao bà mẹ khác, tôi luôn muốn dành những thứ tốt đẹp nhất cho con. Có lẽ, từ khi bước vào nhà chồng đây là việc đầu tiên tôi làm hài lòng mẹ chồng là sinh được đứa con nối dõi tông đường, làm dịu đi mối xung đột mẹ chồng – nàng dâu vỗn dĩ chẳng dễ chịu gì. Mặc dù tôi cũng không biết lý do gì khiến mẹ chẳng ưa tôi, vì tôi là người được bà chọn thông qua họ hàng ở quê.

Từ khi trong nhà có tiếng trẻ thơ thì không khí cũng vui vẻ hẳn lên. Nhưng, sự lớn lên của đứa bé khiến mọi người lo lắng khi con chậm nói, chậm viết và có dấu hiệu trầm cảm. Lo lắng nên tôi đưa con đi khám. Bác sĩ cho rằng vì chồng tôi đã lớn tuổi và rối loạn gen nên đứa bé không được bình thường, cần nói chuyện để giúp bé hòa nhập cuộc sống.

Đau đớn khi con sinh ra không được bình thường (Ảnh minh họa)

Sau khi biết chuyện này, mẹ chồng tôi khó chịu ra mặt, và cuộc sống gia đình nổi lên nhiều sóng gió.

Gạt đi nước mắt, tôi quyết định sẽ giúp con hòa nhập cuộc sống và khi đứa con trai đầu lòng được hai tuổi, tôi đã mang thai em bé thứ hai. Trong thời gian đó, không lúc nào tôi không nghe thấy những tiếng nói đầy ác ý của mẹ chồng: “Đẻ làm gì cái giống ngớ ngẩn”, hay nói với chồng tôi “tao nói cho nó nghe tiếng”… Việc mang thai và công việc của chồng tôi cũng tiến triển hơn nên tôi bỏ việc hiệu sách, chuyển về làm ở nhà để có thể chăm sóc hai con tốt hơn.

Nhưng đồng nghĩa với đó là thời gian giáp mặt mẹ chồng cũng nhiều hơn khiến bà càng khó chịu. Điều làm tôi buồn lòng là chồng tôi nghe theo mẹ và quay lại đổi lỗi cho tôi.

Gần như từ khi lấy chồng, tôi về nhà mẹ đẻ khá ít, toàn tâm toàn ý chăm sóc cho gia đình chồng, và gửi trợ cấp ít ỏi về cho các em ở quê được trích ra từ phần lương tôi kiếm được ở hiệu sách. Nhưng ngay cả việc đó, cũng khiến mẹ chồng không bằng lòng. Chẳng đến 500 nghìn, 1 triệu nhưng đó là tiền ăn của đại gia đình tôi trong cả tháng. Nhiều đêm, nghĩ thương bố mẹ, thương em, thương thân mình mà nước mắt lăn dài. Bố mẹ tôi, cũng biết con gái bị đối xử như vậy nên không hỏi tiền gửi về nữa. Thỉnh thoảng về quê nhìn sâu vào đôi mắt u buồn của bố tôi mới thấy mình bất hiếu.

Tôi phải làm sao khi tất cả những gì mình làm, mình cố gắng đều khiến mẹ chồng không bằng lòng?

Có lần, do mẹ chồng đi chơi bên hàng xóm, tôi đã gọi về nhưng bà chưa về mà con trai kêu đói nên tôi cho cháu ăn cơm trước. Về nhà thấy thế, mẹ tôi liền trách: “Giờ mày giỏi nhỉ, không nể mặt ai nữa, đến mẹ mà cũng không thèm mời chào”.

Chồng tôi thấy vậy, liền giơ tay tát một cái trời giáng vào mặt vợ mà không nghe tôi giải thích: “Cô đừng hỗn”.

Chồng tôi nghe mẹ đánh vợ (Ảnh minh họa)

Nhẫn nhịn, nhẫn nhịn… là điều tôi tâm niệm hàng ngày, nuốt nước mắt vào trong, vì còn hai mặt con, nếu mình buông xuôi thì con mình khổ lắm. Nghĩ thế, nên giờ tôi trở nên lầm lũi, làm việc như người giúp việc trong nhà. Giờ đây, những âm tiếng hỏi ngô nghê của con tôi được đáp bằng tiếng quát: “Ăn cơm đi, đồ thần kinh mày biết gì mà hỏi, chỉ tại mẹ mày”.

Hằng ngày, tôi sống lẩn tránh ánh mắt đầy ghen ghét của mẹ chồng, nhưng như thế không làm không khí gia đình bớt căng thẳng. Không dừng lại ở đó, mẹ còn bảo chồng tôi ra ngoài kiếm cho bà một đứa cháu “bình thường” thậm chí bàn bạc việc đó trước mặt con dâu. Tôi chỉ biết nín nhịn, thỉnh thoảng nhìn lên thì mẹ bảo: “Nhìn gì, cái mặt cô có biết đẻ đâu mà nhìn”...

Cuộc sống không lối thoát, quả thực nếu không nhìn mặt con, nhìn vào ánh mắt ngây dại và trả lời những câu hỏi ngây thơ của con. Chắc tôi đã buông xuôi lâu rồi. “Mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh”, cũng là phận đàn bà không biết có ai gặp nghịch cảnh đau đớn giống như tôi không?

Lê Vy (Theo Giadinhvietnam.com)