Sinh nở vẫn biết đó là thiên chức của người phụ nữ và dường như đó là việc rất đỗi bình thường với nhiều người. Tuy nhiên, trong một số trường hợp đặc biệt thì việc sinh nở, đau đẻ lại để lại những ấn tượng không thể nào quên. Hãy cũng nghe các mẹ kể lại “sự tích” đi đẻ đặc biệt của mình nhé.
Rặn đẻ rặn cả ra... phân
Vì là lần đầu sinh con không có kinh nghiệm lại không ở cùng bố mẹ nên Hải Thương (Từ Liêm, Hà Nội) thực sự bối rối khi đi đẻ. Ngay từ những ngày chuẩn bị sinh, cô đã rất chăm chỉ đọc sách báo tham khảo về chuyện sinh nở. Ấy thế nhưng có những chuyện sách báo chẳng ghi lại mà có trải qua mới biết được. Kỷ niệm về ca sinh bé Gấu của cô vô cùng đặc biệt mà mỗi lần nhắc lại Thương đều… đỏ mặt.
Cô kể: “Khi mang thai Gấu, mình có kinh nghiệm gì đâu. Mà ngày đó cũng bận rộn công việc nên chẳng tham gia được lớp học tiền sản. Mình cứ nghĩ vào phòng đẻ, làm theo hướng dẫn của bác sĩ là được thế nhưng mọi chuyện chẳng đơn giản thế.”
Cả thai kỳ, chị Thương “khỏe như trâu”, ăn uống được mà con cũng không quá to nên chị nghĩ sẻ đẻ thường dễ. Khi lên bàn đẻ, thấy bác sĩ hô chuẩn bị rặn, chị dồn hết sức để rặn nhưng rặn chẳng ra con mà ra toàn phân. Dù đau đẻ lắm nhưng chị vẫn biết được việc mình đã làm. Chị đỏ mặt tía tai vì ngại nhưng dường như các bác sĩ sản khoa đã quá quen với việc này. Cả ekip đỡ đẻ chẳng nói gì vẫn miệt mài giúp chị rặn đẻ tiếp. Đến khi con chào đời rồi mà chị vẫn còn ngại vì sự cố chẳng ai mong của mình. “Chuyện này mình chẳng dám kể với ai đau, chỉ có ekip đỡ đẻ và mình biết thôi. Đến bây giờ con lớn rồi mới đủ tự tin để kể ra để chia sẻ với chị em đấy.”, chị Thương nói.
Vừa đau đẻ vừa chửi chồng
Bình thường, Kim Nhung (Ba Đình, Hà Nội) là cô gái khá hiền lành, khéo léo chiều chồng. Ấy thế mà không hiểu sao từ khi mang bầu, tính tình cô thay đổi hẳn. Nhung trở lên thường xuyên cáu gắt, khó tính và hay mắng chồng những chuyện không đâu. 9 tháng mang bầu, vì biết vợ mệt mỏi nên Anh Nam – chồng Nhung - đều cố gắng nhịn vợ. Anh nói: “Ngày còn yêu nhau thì cô ấy mềm mỏng lắm ấy thế mà chỉ vì cái bầu bí khiến vợ tôi thay đổi tính nết hẳn. Chắc cũng do bầu bí nặng nề nên thế. Tôi chỉ mong con nhanh chào đời để vợ trở về được như xưa.”
Ngày Nhung chuyển dạ có lẽ anh Nam là người vui nhất, một phần vì được lên chức bố nhưng một phần khác là đỡ bị vợ hành hạ - lý do này thì chỉ anh mới hiểu. Thế nhưng anh vô cùng sốc khi đến ngày vợ đẻ rồi mà anh vẫn bị “ăn no chửi”.
Chuyện là vì đau đẻ quá nên cái tính nóng này của Nhung càng có dịp bốc hỏa. Cứ mỗi khi cơn đau đẻ đến là cô lại lấy chồng ra chửi. Cô chửi rằng “Tại anh mà tôi khổ thế này!”, “Anh giỏi thì vào mà đẻ thay tôi đi!”, “Cái anh kia, không vào mà bóp chân cho tôi à? Cứ lởn vởn bên ngoài làm gì thế?”… Vì vốn hiểu được tính vợ nên anh thông cảm được nhưng anh Nam chỉ sợ những câu chửi này đến tai bố mẹ đẻ anh thì rách việc. Bố mẹ lại nghĩ anh thế nào mà để vợ chửi thế hoặc sẽ đánh giá con dâu là người chẳng ra gì…
Chửi thế chưa đủ, khi thấy vợ đau, anh chạy đến bóp chân cho vợ còn bị bị đạp ra chỗ khác. Thấy con trai bị vợ “hành hạ” thế, mẹ anh Nam đã không thể ngồi yên. Bà nói thẳng vào mặt chị Thương rằng ở đâu có cái thói vợ bắt nạt chồng thế. Anh Nam đã phải giải thích đủ điều bà mới hạ hỏa nhưng bà vẫn giận lắm và chẳng ngồi ở đó để chờ cháu nội chào đời. Sau sinh, chị Thương phải gọi điện xin lỗi mẹ chồng và giải thích mãi bà mới thông cảm cho.
Quên rặn đẻ - chuyện thường!
Dù đã sinh nở khá lâu nhưng mỗi lần nhắc đến chuyện đi đẻ của mình, chị Phương (Cầu Giấy, Hà Nội) vẫn chưa quên "lỗi" không biết rặn đẻ của mình. Chị kể: “Đã hơn một năm rồi nhưng mình chưa bao giờ quên được chuyện đi đẻ cu Tôm. Khi lên bàn đẻ, cổ tử cung mình đã mở được 9 phân, bác sĩ bảo chuẩn bị rặn đẻ nhưng mình chẳng biết rặn thế nào cả dù mình đã từng học rặn đẻ nhé.”
Ca sinh nở của chị Phương thuộc trường hợp khó, đau bụng đến tận 3 ngày con mới chịu chào đời. Ban đầu chỉ là những cơn đau nhẹ nhưng đến ngày thứ 2, thứ 3 thì đau dữ dội. Buồn nhất là dù rất đau nhưng cổ tử cung của chị cứ nhích từng phân một. Đến ngày thứ 3, bác sĩ phải tiêm thuốc kích đẻ, tử cung mới mở được 9 phân và chị mới chính thức được lên bàn đẻ. Có lẽ vì đau lâu quá, lại không ăn uống được gì nên chị Phương dường như kiệt sức. Lên đến bàn đẻ thì chị chỉ có thể thở chứ không còn sức mà rặn nữa.
“Lúc bác sĩ hô bắt đầu rặn, tôi cũng cố gắng dùng hết sức mình để rặn nhưng dường như cơn rặn của tôi nhẹ bị hụt hơi nên đầu con không thể ra được. Bác sĩ càng nói lớn thì tôi càng cuống và cứ rặn tùm lum lên. Hình như lúc ấy các bác sĩ cũng biết tôi bị mệt và mất bình tĩnh nên đã trấn an tôi rằng cố gắng nghe theo hướng dẫn của bác sĩ, tập trung hết sức để rặn rồi thở ra nhẹ nhàng. Thật may là cu Tôm ngoan, không bắt mẹ phải rặn quá nhiều. Khoảng 15 phút sau đó thì con chào đời. Cũng may là không có bất trắc gì xảy ra. Đấy là tôi cũng đã từng học rặn đẻ ở lớp tiền sản nhé, thế mà vào phòng sinh, cuống lên cũng quên hết luôn.”, chị Phương nói.
Những câu chuyện đi đẻ "cười ra nước mắt" như trên không phải là hiếm. Tuy nhiên, những "tai nạn" này lại khiến người trong cuộc không hề mong muốn. Vì vậy để tránh rơi vào những hoàn cảnh trên, chị em bầu nên tìm hiểu kỹ kiến thức sinh nở và học cách kiền chế cảm xúc của bản thân để tránh làm mất lòng mẹ chồng, chồng như trường hợp của chị Nhung.