“Cuộc sống càng hiện đại con người càng có nhiều sự cám dỗ hơn, có nhiều cơ hội thể hiện mình hơn, nên cũng dễ dàng vượt qua sự mất mát hơn. Những sự đánh mất không còn quá đáng sợ, cho dù là đánh mất vợ hay chồng, người mà mình từng chung sống. Không có người này thì sẽ có người khác”.
Vợ tôi từng nói với tôi như thế. Ngay từ khi chuẩn bị cưới nhau, cô ấy đã tỏ rõ quan điểm này. Hôn nhân chỉ là một sự lựa chọn, nếu chọn đúng thì sống cạnh nhau suốt đời, còn chọn sai thì sẽ chọn lại, không việc gì phải gồng gánh cho nhau, để rồi làm khổ nhau cả đời. Ngày đó, tôi chỉ cười. Tôi cho rằng điều đó càng thể hiện cá tính của vợ, một người phụ nữ lý tính, luôn tỉnh táo trong nhiều chuyện. Và hơn hết, tôi luôn tin vào tình yêu chúng tôi dành cho nhau, tin rằng cưới nhau là một lựa chọn đúng của cả hai, nên sẽ chẳng bao giờ chúng tôi phải rơi vào cảm giác hụt hẫng vì chọn sai hay đau khổ vì đánh mất nhau.
Chúng tôi cưới nhau. Như bất kỳ cặp vợ chồng nào khác, chúng tôi có những ngày tháng trăng mật thật ngọt ngào, mỗi khoảnh khắc trôi qua đều là hạnh phúc. Mỗi chuyến công tác xa là một lần nhớ nhung cuồng dại, thi thoảng, tám tiếng đi làm không gặp nhau cũng trở nên dài lê thê, chúng tôi phải nhắn tin, gọi điện đến mấy lần. Nhưng đã sống cùng một nhà, cùng ăn một mâm thì làm sao tránh khỏi những lúc cơm không lành, canh không ngọt. Vợ chồng tôi cũng có những lúc cãi vã, lớn tiếng với nhau. Có những lúc vợ tôi giận mấy ngày liền không nói chuyện. Có khi vợ tôi dùng dằng qua nhà bạn hoặc về nhà mẹ ruột ngủ, bỏ tôi một mình. Cũng có khi vợ tôi nói đến chuyện ly hôn.
Đến nay, chúng tôi sống với nhau được gần bốn năm. Vợ tôi chưa chịu sinh con vì cơ hội thăng tiến của cô ấy đang tốt, chuyện con cái muộn vài năm cũng không sao. Công việc của tôi cũng khá tốt, thu nhập của hai vợ chồng đủ để đảm bảo cho một cuộc sống thoải mái, thảnh thơi. Chúng tôi đã cùng nhau mua được nhà riêng và dành dụm được một ít tiền gửi ngân hàng, rồi hùn hạp làm ăn chung với vài người bạn. Vấn đề tài chính không đáng lo với chúng tôi, nhưng thời gian của hai vợ chồng thì luôn luôn eo hẹp. Khó khăn lắm chúng tôi mới thu xếp được một chuyến du lịch cùng nhau. Những chuyến về quê thăm bên nội, bên ngoại cũng thưa thớt dần. Ngay cả những bữa cơm gia đình cũng chỉ được hai đến ba bữa tối ăn cũng nhau là mừng rồi. Mọi việc nhà đều có người giúp việc lo toan, vợ chồng tôi chỉ ai làm việc nấy.
Có lẽ chính vì càng ngày càng ít có những việc chung để lo lắng, suy nghĩ nên những điểm chung của tôi và vợ cũng phai nhạt dần. Chúng tôi ít trò chuyện, chia sẻ với nhau những khó khăn trong công việc, cuộc sống, các mối quan hệ đồng nghiệp, đối tác như thời mới cưới. Những chuyện trong nhà, họ hàng nội ngoại, chúng tôi cũng tự quyết định dần chứ ít khi hỏi ý kiến của người kia, vì cho rằng ai cũng bận, những việc không quá nghiêm trọng thì thôi tôi hay vợ quyết định cũng đều được. Và cứ thế, chúng tôi dần xa cách nhau.
Cũng bởi vậy, mỗi khi có chuyện thì xung đột giữa chúng tôi như càng lớn hơn. Hôm trước, chỉ vì tôi hứa với ba mẹ tôi đám giỗ lần này hai vợ chồng sẽ cùng về mà cô ấy cũng nổi giận đùng đùng. Tôi bảo, lâu rồi không về, lần này lại tiện cuối tuần nên tôi hứa với mẹ. Vợ tôi bảo tôi không tôn trọng cô ấy, tự quyết định mà không thèm hỏi ý vợ, trong khi cuối tuần cô ấy có hẹn với đối tác, khác nào làm cô “mất mặt” với nhà chồng. Lần khác, tôi đi du lịch cùng cơ quan, có chụp hình hơi thân mật với một cô đồng nghiệp, nhưng chỉ đơn thuần là đùa vui, vì có nhiều người khác nữa. Nhưng khi vợ tôi thấy bạn bè tag qua facebook của tôi, cô ấy đã đòi ly hôn và chia đôi tài sản đang có. Nếu vì ghen, tôi còn vuốt ve, năn nỉ vợ vì tôi được yêu, nhưng lý do cô ấy đưa ra lại là: “Anh không tôn trọng tôi. Tôi ghét nhất là bị xem thường. Chúng ta chọn nhau là sai rồi”.
Và thêm nhiều lần như thế nữa. Những mâu thuẫn chẳng đáng gì nhưng do cái tôi của vợ tôi quá cao nên động một tí là cô ấy lại đem đơn ly hôn ra. Hơn nữa, cô ấy còn thủ sẵn một bảng liệt kê danh sách tài sản để chia đôi. Tôi giải thích, làm lành mãi cũng chán, đôi khi cũng nghĩ đến chuyện chia tay cho rồi.