Có gần 15 năm làm dâu nhà chồng, trải qua nhiều thăng trầm của cuộc sống hôn nhân, chị N.T.T (Thanh Xuân – Hà Nội) cho biết rằng phụ nữ ích kỉ với nhà chồng là có lý do xác đáng và điều đó là hệ quả tất yếu của mối quan hệ “lệch cán cân”.
Hãy cùng trò chuyện với chị N.T.T để hiểu hơn về quan điểm của chị.
Chào chị, được biết chị làm dâu đã được gần 15 năm. Vậy hiện tại mối quan hệ của chị với nhà chồng thế nào?
Thật ra nói bình thường thì nó là bình thường, nói tốt đẹp thì tốt đẹp mà nói ấm ức thì cũng có những ấm ức. Nói chung nhà chồng không bao giờ giống được với nhà mình. Chị nào mà tuyên bố “Tôi coi nhà chồng như nhà mình, bố mẹ chồng như bố mẹ mình” là nói phét. Bạn có thể kéo một 100 người phụ nữ đến đây và hỏi. Chắc chắn có đến 99,9% số chị em không hài lòng với nhà chồng. Số còn lại sẽ… ậm ừ không nói. Dĩ nhiên là mức độ không hài lòng của các chị ấy sẽ khác nhau.
Tệ vậy sao các chị vẫn có thể duy trì. Như chị vẫn đi qua gần 15 năm cuộc sống chung với nhà chồng đấy thôi?
Có thể bạn cho rằng tôi suy nghĩ tiêu cực. Nhưng thực tế sống ở nhà chồng, nàng dâu nào cũng luôn phải đề cao 2 điều quan trọng đó là lòng vị tha và sự nhẫn nhịn. Đã bước vào nhà chồng là phải như người vừa câm vừa điếc thậm chí là ngớ ngẩn. Mà cái kiểu sống phải hy sinh, phải chấp nhận thì nó ăn mòn vào lối tư duy của đa số các nàng dâu Việt rồi.
Vì sao ư? Đơn giản vì chúng tôi cho rằng hy sinh vì chồng, vì con, vì để bố mẹ đẻ không phải xấu mặt… Có muốn vùng lên phản kháng đôi chút lại nhìn thấy gương mặt của con khóc mếu, ánh mắt của bố mẹ đẻ mình thiểu não. Còn chồng nếu yêu mình thì lúc đó họ cũng như một đứa trẻ mới lớn bị lạc, đứng ở ngã ba đường. Cho nên chúng tôi cứ tặc lưỡi mặc kệ ôm lấy ấm ức và chịu đựng cho xong.
Thế theo chị lý do tại sao các chị - những nàng dâu, lại không thể coi nhà chồng như nhà mình; bố mẹ chồng như bố mẹ mình…?
Tôi không biết những chị em khác thế nào nhưng với cá nhân tôi, ở chung với nhà chồng gần 15 năm chuyện va chạm, xung đột giống như cơm bữa. Mà lý do đơn giản chỉ là tôi đi làm về muộn, tôi qua thăm bố mẹ mình ốm, tôi đi công tác… Trong khi tôi nhẫn nhịn, cố gắng bằng mọi cách để dung hòa mối quan hệ thì bố mẹ chồng, em chồng, họ hàng nhà chồng thì họ lại không vì mục đích đó. Họ luôn miệng nói coi tôi như con gái trong nhà, nhưng kì thực lại nhấm nhẳng nói kháy, chỉnh đốn tôi như chỉnh đốn một đứa thiếu giáo dục. Nếu coi tôi là con gái, họ đâu làm thế.
Tôi lấy ví dụ cho bạn dễ hình dung nhé. Khi trong nhà xảy ra mâu thuẫn, chúng tôi là những nàng dâu mà có ý kiến hoặc phản ứng thì sẽ bị coi là “đồ không có người dạy” thậm chí chúng tôi đúng. Trong khi đó nếu tình huống mâu thuẫn đó là giữa bố mẹ chồng chúng tôi và cô em chồng thì chả có vấn đề gì ngay cả khi bố mẹ chồng chúng tôi bị cô em chồng nói những lời quá đáng. Hoặc là mẹ chồng có một chiếc nồi không dùng đến, nếu phận làm dâu chúng tôi mà lấy dùng thì thể nào cũng bị quở trách là "không thu vén"; "không lo toan"; "đoảng, vụng"... Còn em chồng chưa cần ỏ ê gì thì mẹ chồng đã nhanh nhảu bảo cô ấy "Mang về bên ấy mà dùng đỡ tốn tiền mua".
Một bên thì cố gắng bao nhiêu bên kia lại không hài lòng bấy nhiêu. Thử hỏi như vậy thì làm sao chúng tôi có thể thoải mái!?
Theo như chị nói thì sự cố gắng của các chị đang không được nhà chồng ghi nhận?
Có nhiều gia đình nhà chồng chỉ biết đòi hỏi con dâu phải phục dịch, cung phụng. Họ cho rằng làm dâu phải thế này, phải thế kia theo chuẩn mực của họ thế mới là ngoan. Làm dâu là , đi làm về là “vùi đầu” vào bếp, quần ống thấp ống cao dọn mấy tầng nhà… mới là ngoan. Đã làm dâu thì đừng nghĩ đến chuyện làm ngược yêu cầu mà được động viên, khuyến khích. Làm thế thì chỉ tổ ăn mắng mà thôi.
Mà nói rộng ra thì phần lớn những chị em đang chịu cảnh sống cùng nhà chồng đều chịu mọi ấm ức, bức xúc. Chỉ có điều chị nào khéo léo thì biết AQ, tự tự phân tích tình huống tâm lý của cả đôi bên để xoa dịu bản thân. Đó cũng chính là sự nhẫn nhịn mà tôi đã nói. Rồi có thêm niềm vui từ những đứa con và thế là thở dài một cái, mọi chuyện lại qua. Và chuyện mình cố gắng mà không được ghi nhận thì là chuyện muôn thuở. Đừng cố hy vọng thay đổi làm gì.
Các chị thì nói như vậy nhưng những người thuộc phía nhà chồng các chị lại cho rằng nàng dâu của họ thật ích kỉ. Chị nghĩ gì về điều này?
Tôi không phủ nhận khi đã kết hôn, người phụ nữ sẽ phải có những trách nhiệm mới phù hợp với vai trò của mình. Nhưng điều đó không có nghĩa là đổ dồn mọi thứ trách nhiệm của nhà chồng lên vai những nàng dâu. Khi chúng tôi cố làm thì lại bảo chúng tôi lười biếng, chây ì. Chúng tôi chỉ được phép phục vụ, chăm sóc nhà chồng, còn về thăm bố mẹ đẻ thì bị lườm ngang, liếc xéo. Rồi sau đó có mâu thuẫn gì, hoặc bực tức gì là lại sẵng giọng mắng chúng tôi chưa làm được gì cho gia đình nhà chồng. Gạt phắt mọi công lao của chúng tôi. Rồi thậm chí chẳng vì lý do gì, họ lôi bố mẹ đẻ của chúng tôi ra mắng là không biết dạy con. Nói chung chúng tôi dù cố gắng bao nhiêu thì không thể làm hài lòng gia đình nhà chồng. Chúng tôi những người phụ nữ đi làm dâu phải gồng gánh quá nhiều trách nhiệm, nghĩa vụ lại trở thành một cái gai trong mắt của chính những người mà chúng tôi gọi là bố mẹ, anh em, là nhà chồng.
Đừng hỏi vì sao phụ nữ lại ích kỉ với nhà chồng. Chúng tôi có ích kỉ, có lơ là, hờ hững việc nhà chồng cũng là hệ quả tất yếu của sự chán nản, mệt mỏi và uất ức. Chúng tôi ích kỉ với nhà chồng vì quá nhiều lý do. Mà nói cho cùng nếu rạch ròi ra thì những lý do đó đều rất xác đáng.
Chị có gửi gắm điều gì đến những người đang "ở bên kia chiến tuyến" với các chị không?
Chúng tôi những nàng dâu luôn muốn hòa hợp và cải thiện mối quan hệ với nhà chồng trở nên tốt hơn. Nhưng một mình chúng tôi thì khó làm được. Cũng không hẳn tất cả những nàng dâu trong cuộc sống này đều phải chịu những ấm ức mà có những trường hợp ngược lại... Tôi nghĩ cả hai phía nên nghiêm túc nhìn nhận giá trị của nhau, đừng làm phức tạp hóa vấn đề, đừng bắt bẻ nhau thái quá.
Cảm ơn chị về cuộc trò chuyện. Chúc chị sẽ hóa giải được những khúc mắc trong gia đình của mình!