Cái câu "hồng nhan bạc phận" dường như vận trúng vào người Thi. Thuở đôi mươi, chị đẹp rực rỡ như một đóa hồng chúm chím. Không những thế, chị còn là một trong ba thủ khoa đầu ra của trường Sư phạm vào thời điểm ấy.
Thông minh, nhạy cảm và xinh đẹp... lẽ ra người phụ nữ như chị phải có quyền được hưởng hạnh phúc. Ấy thế nhưng, tạo hóa khéo bày, chị lại phải lòng một anh giáo góa vợ và đang “gà trống nuôi con”.
Mặc ai nói ra nói vào, gia đình can ngăn quyết liệt, thậm chí dọa từ mặt chị vẫn cám cảnh, xót thương cho cảnh éo le của anh đồng nghiệp ấy. Rồi cái ngày chị bị cha mẹ đuổi ra khỏi nhà cũng là ngày chị bước chân vào ngôi nhà tập thể cũ kĩ của thầy giáo góa vợ, làm mẹ của hai đứa con thơ chẳng máu mủ với mình.
Miệng đời vẫn thường đay nghiến “mấy đời bánh đúc có xương...” nhưng khi người ta nhìn thấy cách Thi chăm sóc và dạy dỗ hai đứa con riêng của chồng thì không ai nghĩ chúng “khác máu tanh lòng” với chị.
Thoắt cái 5 năm trôi qua, con của Thi cũng đã lớn và chúng biết Thi không phải là mẹ đẻ thì mọi chuyện rắc rối cũng từ đó mà nảy sinh. Khi chúng đến tuổi ẩm ương và muốn khẳng định mình bằng cách sa đà vào những tệ nạn, bố chúng thì dường như bất lực với việc nuôi dạy con cái nên từ lâu đã phó mặc cho Thi bảo ban dạy dỗ, nhưng giờ đây mọi chuyện đã khác xưa.
Mỗi khi bọn trẻ làm sai điều gì, Thi lên tiếng nhắc nhở thì hai đứa đều nói: “Bà không phải là mẹ tôi, bà không có quyền”. Những lời nói ấy như nhát dao cứa vào tâm hồn nhạy cảm của Thi. Thi cũng bất lực mà nói lại chuyện đó với chồng để mong chồng “danh chính, ngôn thuận” dạy con, nhưng mỗi lần như vậy thì hai đứa trẻ càng ghét chị hơn.
Cuộc sống hàng ngày cứ tù túng, ngột ngạt như vậy đâm ra Thi càng chán, nghĩ đến công sức “tò vò nuôi nhện” mà Thi thấy tủi thân cho số phận mình. Chị đã đánh đổi cả một tương lai sáng lạn để lấy một ông chồng nhu nhược, tẻ nhạt và hai đứa con riêng.
Kèm theo đó là chuyện chồng cô bao lần trì hoãn có thêm con, lý do bởi “nuôi hai đứa đã mệt lắm rồi, giờ thêm đứa nữa thì cả nhà sống thế nào?” mà cố tình quên mất vợ mình là một "gái tân" khi kết hôn, tâm sinh lý hoàn toàn bình thường, rất yêu trẻ con và khát khao có con biết chừng nào? Thi quyết tâm dứt áo ra đi sau bao ngày đêm trằn trọc.
Mọi chuyện nhẹ nhàng hơn chị nghĩ. Bọn trẻ có vẻ vui khi bà mẹ kế “ghê gớm” đã cuốn gói, ông chồng tội nghiệp vẫn lặng lẽ với quyển sách ngồi im lìm bên cửa sổ khi vợ ra khỏi nhà mãi mãi. Tình nghĩa 5 năm vụt cái trôi tuột như nước cống. Thi cười chua chát cho phận mình rồi tự nhủ: “Thế cũng tốt, biết đâu tương lai mình sẽ được hạnh phúc?”.
Gia đình biết chuyện Thi ly hôn nên đã kêu chị về nhà và bỏ qua mọi chuyện. Thời gian luôn là một vị bác sỹ tốt nhất chữa lành mọi vết thương. Thi chuyển công tác khỏi trường cũ được ba năm, mọi chuyện cũng ổn hơn.
Cha mẹ chị cũng đã lên tiếng về chuyện kết hôn của chị. Lần này, mẹ chị quyết định tìm đối tượng cho chị: "Lần trước cô không nghe mẹ nên mới phải li hôn, giờ mẹ quyết định cho cô. Nhanh gặp mặt rồi lấy chồng đi, gái ba mươi tuổi rồi đấy cô ạ!”. Thi biết cãi lời cũng vô ích nên đồng ý đi gặp đối phương.
Người đàn ông này nằm ngoài mong đơi của chị: Đẹp trai, khéo ăn khéo nói lại có công việc ổn định. Nếu không phải vì chị đã qua một đời chồng thì chị và anh rất xứng đôi. Qua nhiều lần hẹn hò chị vẫn cảm thấy khó hiểu vì sao một người đàn ông hoàn hảo thế này mà lại chấp nhận mai mối với gái “nạ dòng” như chị?
Câu trả lời đã có trong đêm tân hôn. Nó cũng nằm ngoài sự mong đợi của Thi. Chồng Thi là gay. Anh chấp nhận lấy vợ để che mắt gia đình và cũng mong Thi sẽ giúp cho anh có một đứa con để duy trì nòi giống. Thi cứ câm lặng trên giường khi nghe chồng mới cưới tâm sự và van xin cô đừng nói cho ai biết sự thật này, hãy để một thời gian nữa nếu cô không thể tiếp tục sống cùng thì lúc ấy sẽ chia tay.
Thi thức trắng đêm với một chiếc gối ướt đầm nước mắt. Tạo hóa thật khéo trêu ngươi. Chị còn tưởng mình chết đuối vớ được cọc không ngờ lại vớ đám bèo trôi, trách ai bây giờ? Có trách thì chỉ trách số phận quá nghiệt ngã với chị mà thôi.
“Đồng sàng dị mộng” được hơn một năm cho thiên hạ bớt dị nghị, một lần nữa Thi lại khăn gói ra đi khỏi tổ ấm. Mẹ cô biết được sự thật nên cũng không nỡ trách móc con gái. Bà khuyên Thi nên đi xa đâu đó một thời gian cho khuây khỏa. Thi cũng muốn đi cho vơi bớt muộn phiền chất chứa trong lòng.
Chuyến du lịch định mệnh ấy khiến Thi gặp người chồng thứ ba của đời mình. Chẳng biết có phải là mối tình sét đánh hay là vì hai tâm hồn đồng điệu gặp nhau mà cả hai đã phải lòng nhau.
Trai chưa vợ, gái đã hai đời chồng nhưng nếu đã yêu nhau thì cũng chẳng thành vấn đề. Đám cưới giản dị, ấm cúng lần thứ ba diễn ra êm đẹp. Hạnh phúc thăng hoa hơn sau khi Thi sinh đứa con trai đầu lòng. Chồng chị yêu chiều chị hết mực khiến chị tin chắc đây sẽ là bến đỗ cuối cùng của đời mình.
Cho đến một hôm, Thi dắt con về nhà ngoại chơi mấy ngày nhưng đột nhiên về nhà sớm, chứng kiến cảnh chồng và cô bạn thân của chồng đang say đắm trên chiếc giường của mình thì Thi như hóa đá. Những lời thanh minh, van xin của chồng và bạn thân càng làm cho cõi lòng chị tan nát.
Chị mất hết niềm tin với mọi thứ xung quanh, rơi vào trạng thái trầm cảm nặng nề vì không thể chia sẻ cùng ai. Xung quanh chỉ toàn sự hồ nghi và dối trá khiến chị mệt mỏi vô cùng. Cuối cùng, vì không thể chịu nổi sự phản bội của chồng, chị dắt con ra đi.
Lần thứ ba, cuộc hôn nhân của Thi lại tan vỡ. Nhiều lần chị hỏi lòng mình: “Mình đã làm gì sai để đến nông nỗi này? Tại mình sai hay tại số phận?” nhưng chị chẳng thể tìm được câu trả lời thỏa đáng.
Nhìn đứa con trai bé bỏng đang ngủ yên trong vòng tay, chị quyết phải mạnh mẽ để làm chỗ dựa cho con mình, bởi giờ đây chị không chỉ sống vì chị mà còn phải sống để con trai chị nhìn vào mẹ nó mà tự hào. Dù cuộc đời chị đã quá hẩm hiu với ba đời chồng, nhưng mỗi khi nhìn vào đứa con yêu dấu của mình, chị vẫn tin sẽ có hạnh phúc ở tương lai.