Chị Nguyễn Hải Hà, 30 tuổi hiện vẫn là một phụ nữ độc thân. Dù ở cái tuổi đã "băm", nhưng chị vẫn không thích lập gia đình và không có ý định lấy chồng. Chị cũng nhất định không vì chuyện mình nhiều tuổi mà lấy bừa một người đàn ông. Cùng nghe chị chia sẻ xung quanh việc này.
Ngoài 30 tuổi, độc thân, chị quan niệm thế nào về cuộc sống hôn nhân, gia đình?
Nếu để một người phụ nữ độc thân như tôi phát biểu về hôn nhân, gia đình, tôi e là nhiều người sẽ phản đối. Theo tôi, có bao nhiêu cặp vợ chồng trên đời là có bấy nhiêu kiểu hôn nhân và gia đình.
Thế tại sao chị lại không lập gia đình ở cái tuổi đã "băm"?
Lí do đầu tiên là không thích. Sau đó thì đến những suy xét khác. Nhưng điều quan trọng nhất là người đàn ông, đối tác hôn nhân và là người yêu thương mình cũng như mình yêu thương người đó chưa có.
Tôi không có ý định không lấy chồng. Nhưng tôi nhất định không vì chuyện mình nhiều tuổi mà lấy bừa một người đàn ông.
Nghĩa là chị xác định mình là gái ế?
Ai biết mình sẽ ế hay lập gia đình? Tôi không đặt ra tiêu chí. Đàn ông có người 40 tuổi mới lập gia đình chẳng sao. Chẳng qua, phụ nữ lập gia đình muộn sẽ bị ảnh hưởng tới đường sinh đẻ chứ chẳng làm sao hết.
Đàn ông có đủ lí do lựa chọn người phụ nữ phù hợp với mình. Nhưng phụ nữ luôn có đủ lí do để vội vàng và khờ dại trước cuộc hôn nhân của mình. Tôi hiểu rằng, đứng trước một con người bất kỳ, không phải riêng gì đối với đàn ông, chúng ta có đủ lí do để nhìn mặt tốt, mặt xấu của họ.
Không ai toàn vẹn. Đồng nghĩa bất cứ người đàn ông nào cũng không cần phải toàn vẹn trước một người phụ nữ như tôi. Nhưng đàn ông Việt Nam, quay đi quay lại thì họ có cùng bản chất gia trưởng, biến vợ thành một cái bóng của họ.
Tôi sợ cảnh lấy chồng về, anh chồng quyết định mọi thứ. Tôi sợ sự phong tỏa mối quan hệ trong hôn nhân. Người vợ sẽ phải hi sinh cho chồng và con. Tôi sẽ như những người phụ nữ khác, lấy sự thiệt thòi là hạnh phúc. Ừ thì ai lựa chọn thế sẽ thấy thế là hạnh phúc. Còn tôi, tôi quan niệm hạnh phúc của người phụ nữ lấy chồng khác.
Trong thâm tâm, chị vẫn có những điều hình dung về cuộc sống hôn nhân và hạnh phúc gia đình đấy chứ?
Chính xác là tôi vẫn có khái niệm về cuộc sống hôn nhân và hạnh phúc gia đình của riêng mình. Nhưng do tôi quan sát cuộc sống những gia đình từ thời ông bà cho đến bây giờ vẫn thấy một mô hình người đàn ông làm chủ. Họ sẽ không bao giờ để người phụ nữ có tiếng nói.
Tôi thấy những người đàn ông khéo léo trước vợ. Nghĩa là anh ta để chị ta có một vẻ tự quyết nhưng rút cuộc, chị ta vẫn là người phụ thuộc. Những câu chuyện trà dư tửu hậu của đàn ông thường kể về những chiêu “trị vợ”. Mà cách kể của mấy ông đắc thắng lắm. Cảm giác như mấy bà vợ như mấy con cún dễ bảo trong nhà.
Đàn bà thường bàn nhau cách giữ chồng, đàn ông khoe thành tích trị đàn bà và chinh phục đàn bà. Đàn bà không hiểu sao cứ phải lép vế trước đàn ông và lấy đó là niềm vui.
Cuộc sống hôn nhân đối với tôi là sự tôn trọng giữa hai bên. Tôi yêu thương chồng, tất nhiên rồi. Tôi cứ hình dung, nếu lấy chồng, tôi sẽ là một người vợ thú vị với chồng. Không bao giờ tôi chấp nhận mình là một người vợ “cũ” trước mặt chồng. Có điều, không biết chồng tôi có thể theo kịp điều đó không?
Một người vợ “cũ” là như thế nào?
Ví dụ, một người phụ nữ đẹp thì cứ giữ vẻ đẹp đó từ năm này qua năm khác. Chị ta sợ mất vẻ đẹp đó đi. Tôi nghĩ khác. Một vẻ đẹp để theo thời gian không có sự thay đổi là một vẻ đẹp của bức tượng. Sự sống có cái gọi là tàn để bắt đầu một cái mới.
Một thói quen tốt sẽ thành xấu khi người ta nhàm chán. Đối với tôi, khi nhàm chán là giết chết cảm giác của người bên cạnh. Quá dã man với họ! Thế nên bản thân mình phải thay đổi một thói quen khác.
Thu hút người bên cạnh bằng một thói quen khác, để người ta đỡ bị cảm giác chán ngấy những thứ ta có là cách tôi hay làm. Hoặc đôi khi, xới tung cuộc sống lên một chút, thay đổi tí trật tự, giống như ta dọn dẹp nhà cửa, kê cái này một chút, dịch cái kia một chút là thành một cái mới. Ta sẽ cảm thấy hưng phấn vứi cuộc sống.
Nhưng việc đó cần đối tác của mình, nghĩa là chồng hiểu và phản ứng. Có nhiều ông chồng không dám nhìn nhận sự thay đổi của vợ. Anh ta sợ mình không theo kịp suy nghĩ, tư duy của vợ. Chắc chắn nhiều anh phản đối. Nhưng cứ thấy vợ thay đổi, các anh lại sợ ấy chứ.
Tôi vẫn không hiểu cách chị nói đàn ông không theo kịp sự thay đổi của vợ là sao?
Là thế này: Đàn ông không đủ sức hiểu vợ mình để biết là sự thay đổi trong thói quen, trong hành động, trong phản ứng là tất yếu. Anh ta cứ nghĩ, chị ta có sự thay đổi là có vấn đề. Khổ thế đấy! Tôi nghĩ đàn ông hay nói dối, học cách đối phó nhiều nên sợ phụ nữ cũng có những tính xấu như mình.
Hơn nữa, đàn bà mà biết thay đổi thói quen thường hay chán đàn ông. Vì đàn ông không muốn thay đổi mình. Anh ta ở một địa vị làm chủ, mặc dù nhiều anh không xứng đáng làm chủ, nên anh ta dại gì thay đổi để thử một cái mới. Khốn khổ cho cuộc sống gia đình.
Tôi sợ khi mình lập gia đình rồi, những điều tôi suy nghĩ bây giờ sẽ phải thay đổi 180 độ. Sự thay đổi đó có thể là cuộc cách mạnh. Mà cách mạng hay có xung đột lớn. Hoặc là tôi sẽ thua, thảm hại hơn bây giờ, hoặc là tôi sẽ thắng. Nhưng sự thắng cuộc đó khó nói là có yên lành được không. Nên nếu có ế, tôi chấp nhận điều đó. Ế thì vẫn phải hiên ngang và chọn được người đàn ông tử tế, không khiến mình phải làm cuộc đại cách mạng... thì mới yêu.
Mỗi người một cách lựa chọn. Chưa biết thế nào là thông minh. Tôi mong chị sẽ tìm được người đồng cảm với mình!