Như đã tâm sự với các bạn, chồng tôi một mặt tận tình chăm sóc tôi chạy thận, mặt khác lại âm thầm đi xây dựng cho mình một "gia đình mới".
Khi tôi biết chuyện và đề nghị được ly hôn, anh kiên quyết nói không. Anh vẫn nói rằng sẽ tìm người hiến thận cho tôi. Anh đã liên hệ với nhiều bệnh viện và khi có cơ hội anh sẽ đưa tôi vào viện làm phẫu thuật. Và tôi cứ tiếp tục chờ đợi người hợp với mình.
Thế rồi, người phụ nữ ấy sinh cho anh một đứa con trai. Anh lại tất bật vừa chăm vợ bị bệnh vừa lo cho bồ đẻ. Hàng ngày, anh đi làm về anh vội vàng tắm cho các con rồi lại phóng xe đến thăm con trai mới đẻ. Mỗi lần anh đi là tôi lại khóc. Các con tôi cứ gặng hỏi “mẹ ơi sao bố không ăn cơm ở nhà, sao bố không ngủ ở nhà…” Tôi lại đưa đẩy “bố con đi trực đêm”.
Người phụ nữ và đứa trẻ cứ sống quanh quẩn, chen lẫn cuộc sống gia đình tôi. Nhiều khi chồng bận đưa con đi tiêm, đi bệnh viện, tôi lại đi xe bus hoặc xe ôm vào chạy thận. Đã có lúc cả tuần tôi bỏ không chạy thận vì không muốn mình chịu thêm đau khổ khi sống cảnh bệnh tật, chung chồng. Những lúc đó, các bác sĩ trong bệnh viện lại gọi điện hỏi thăm vì sao tôi không đến bệnh viện. Các con tôi cũng giục mẹ đi bệnh viện vì chúng sợ mẹ kiệt sức.
Để tiện đường chăm sóc gia đình và tình nhân, chồng tôi đã thuê một căn hộ gần nhà tôi để người phụ nữ về ở. Anh công khai với gia đình rằng cu Bình là con trai của anh và anh làm giấy khai sinh cho nó.
Bố mẹ chồng tôi biết chuyện cũng giận chồng nhưng họ nói rằng “số nó là như thế”. Mẹ chồng tôi đến thăm cháu thấy nó khỏe khoắn, giống ông nội nên bà vui lắm. Bà lại về động viên tôi “con ốm đau thế, nó chăm sóc con như vậy là được rồi. Người ta chung chồng, chung chăn nhưng vợ chồng con từ lâu có chung chăn đâu”.
Nghe câu nói của mẹ chồng, tôi chẳng biết nói gì hơn vì đúng là tôi không làm được bổn phận của người vợ. Vì cái nghĩa anh vẫn chăm sóc tôi là tốt lắm rồi.
Từ ngày người đàn bà lạ về sống cùng ngõ nhà tôi, chồng tôi đỡ vất vả hẳn. Anh không còn cảnh nấu vội vàng cơm bên nhà rồi lại phóng xe sang nhà bồ nữa. Anh chỉ cần nấu một nơi và mang đồ ăn sang một nơi khác. Các con tôi chúng chưa hiểu rõ chuyện có em cùng cha khác mẹ là bất hạnh hay hạnh phúc. Chúng nó vui lắm. Đi đâu, các con cũng khoe với bạn là nhà mình có thêm em bé. Nhiều người ngỡ ngàng khi tôi bị bệnh như thế thì làm sao có em bé được.
Chồng tôi là người đàn ông có trách nhiệm. Chính vì có trách nhiệm mà anh trở nên tham lam muốn có cả hai gia đình cho riêng mình, một mái ấm với tình thương, nghĩa vụ và một mái ấm với tình yêu và niềm hạnh phúc.
Số tiền nuôi bệnh của tôi cũng đều do anh chu cấp từ thuốc thang đến viện phí hàng tháng. Người phụ nữ kia vẫn rất tốt với các con tôi. Mỗi khi các con tôi đến chơi với em, cô ấy vẫn tranh thủ tắm rửa cho chúng và cho chúng ăn.
Đã có lúc, tôi định nhắm mắt uống một liều thuốc ngủ để quên hết sự đời. Không biết, người đàn bà như tôi là hạnh phúc hay bất hạnh. Nếu khi tôi không còn nữa, chắc các con tôi sẽ có một gia đình gọn hơn bây giờ. Chồng tôi sẽ không phải một chốn hai nơi nữa.
Nhiều khi nằm không ngủ được, tôi chỉ thầm trách “giá như chồng đừng là người đàn ông có trách nhiệm, cứ là người bạc bẽo, giá như chồng mình không tham lam, mình sẽ là người không có chồng còn hơn kiếp chung chồng”.