Ông Trịnh lấy bà Phúc khi bà đã qua 1 đời chồng và có 1 đứa con gái riêng lên 8 tuổi. Ông Trịnh ghét đứa con gái này lắm. Cái Huyền – tên đứa con gái lại là đứa ít nói, cả ngày có khi chẳng cạy miệng được nửa lời nên ông Trịnh lại càng ghét. Chuyện ông cưới người đàn bà đã qua 1 đời chồng và có con riêng đã là chuyện khiến hàng xóm cười chê rồi nên ông lại càng thêm ghét bỏ đứa con nuôi này hơn. Ông đối xử rất tệ bạc với Huyền, chửi mắng cả ngày, khi tức lên thì thượng cẳng chân hạ cẳng tay nữa.
Bà Phúc xót con nhưng chẳng dám bênh vực khi mà chồng mình lại dữ đòn như thế. Bà chỉ biết vỗ về an ủi Huyền mỗi lúc chỉ có 2 mẹ con với nhau. Hồi đầu bị dượng đánh Huyền còn khóc lóc, chạy đi mách mẹ còn về sau thì Huyền lì dần, có lần bị ông Trịnh ném cả cái nồi cơm vào đầu Huyền cũng trơ ra chẳng rơi lấy giọt nước mắt.
4 năm sau khi lấy nhau, bà Phúc sinh cho ông Trịnh 1 đứa con trai. Ông vui sướng, hân hoan lắm, chỉ muốn bế con đi khắp nơi khoe. Thằng bé giống ông như đúc, lại hay ăn chóng lớn nên kháu khỉnh, bụ bẫm lắm. Ông đặt tên nó là Gia Bảo, đúng theo nghĩa là bảo bối của ông.
Từ ngày có Bảo, Huyền lại càng bị dượng đối xử không ra gì. Ông không cho Huyền lại gần em trai, bảo là: “Tao không muốn thằng bé dính cái mùi dơ bẩn của mày”. Ông không tiếc tiền mua cho con trai bao nhiều quần áo, đồ chơi, của ngon vật lạ, còn chẳng bận tâm Huyền không có nổi cái áo mới đi học. Một lần Huyền hỏi xin tiền dượng mua sách giáo khoa, ông tát Huyền nổ đom đóm mắt rồi quát: “Mẹ mày đâu mà không hỏi? Chúng mày ăn không ở không nhà tao rồi còn đòi hỏi cái gì nữa?”.
Cậu con trai ông cả đời chiều chuộng vẫn bù khú dù biết cha bệnh liệt giường, người chăm sóc ông chỉ có cô con gái riêng của vợ từng bị ông hành hạ, đánh đập (ảnh minh họa)
Năm Huyền lên lớp 10, Huyền đi phát tờ rơi kiếm tiền., số tiền ít ỏi Huyền kiếm được hàng tháng đưa hết cho mẹ. Bà Phúc vốn trước đây cũng đi làm ở xí nghiệp nhưng sau 1 lần bị tai nạn ngã xe, gãy tay nên không thể làm được nữa. Không kiếm ra tiền nên bà Phúc bị chồng và nhà chồng khinh bỏ lắm. Huyền xót mẹ nên chẳng quản mưa nắng chăm chỉ đi phát tờ rơi kiếm tiền đưa mẹ. Lên lớp 12 thì Huyền kiếm được công việc ở shop mỹ phẩm, nhàn hạ hơn mà lương cũng cao hơn. Có lẽ Huyền là trường hợp duy nhất của shop không ngại nhận làm thêm giờ, chị chủ có hỏi thì Huyền chỉ nói nhẹ bẫng: “Về nhà làm gì đâu chị, với em nơi đó là địa ngục.”
Tốt nghiệp Đại học xong, Huyền kiếm được ngay 1 công việc với mức lương khá lý tưởng. Cô xin dọn ra ở riêng ngay sau khi nhận được tháng lương đầu tiên. Cha dượng bắt Huyền hàng tháng phải gửi về ít nhất 5 triệu , Huyền tức lắm nhưng nghĩ thương mẹ, nếu mình không gửi tiền về thì mẹ sẽ bị đánh nên Huyền lại cắn răng chắt bóp.
Sau đó ở nhà xảy ra chuyện. Bảo vốn được cưng chiều từ bé nên hư hỏng, đú đởn theo đám bạn xấu, suốt ngày cờ bạc rồi vướng vào 1 vụ hành hung người khác. Gia đình bị hại đòi ông Trịnh phải đền bù 500 triệu nếu không sẽ tống cổ Bảo vào tù. Ông Trịnh xoay hết của nả trong nhà vẫn còn thiếu gần 200 triệu. Trong cơn túng quẫn, ông đánh vợ đến mức phải nhập viện vì không vay được tiền cho ông. Huyền mang đủ số tiền đó đến ném thẳng vào mặt ông rồi tuyên bố: “Đây là số tiền đổi lấy sự tự do của mẹ con tôi. Từ nay mẹ con tôi và ông không còn liên quan gì nữa!”.
Huyền đón mẹ về ở trong căn nhà trọ bé nhỏ của mình, chỉ có 2 mẹ con đùm bọc lấy nhau nhưng hạnh phúc hơn trước rất nhiều. Thỉnh thoảng Bảo vẫn nhắn tin xin đểu tiền chị nhưng bị Huyền dọa báo công an nên sợ không dám nữa.
Thời gian qua đi, Huyền lấy chồng rồi đón mẹ dọn về nhà chồng ở. Bố mẹ chồng Huyền rất quý Huyền và coi bà Phúc như người nhà. Sau những năm tháng đau khổ, cuối cùng 2 mẹ con Huyền cũng có được 1 chút bình yên.
Huyền cứ nghĩ cả đời này sẽ không bao giờ phải gặp lại ông Trịnh cũng như Bảo nữa nhưng thật không ngờ 1 ngày Huyền lại nhận được cuộc điện thoại từ bệnh viện. Ông Trịnh bị tai biến mạch máu não, đã qua cơn nguy kịch nhưng sẽ phải nằm liệt giường 1 thời gian. Nhìn người cha dượng từng đánh đập mình giờ nằm 1 chỗ bất động trên giường bệnh, không hiểu sao bao căm ghét, thù hận trong Huyền cũng không còn nữa.
20 ngày ông Trịnh nằm viện thì cả 20 ngày Huyền đều vào chăm sóc, cả chồng Huyền cũng đỡ đần nhiều việc. Đứa con trai ông Trịnh cả đời cưng như trứng mỏng thì chẳng thấy ló mặt đến lần nào, chỉ có duy nhất 1 lần Bảo đến nhưng lại hẹn Huyền ra cổng bệnh viện để xin tiền ăn. Ông Trịnh đã khóc khi nghe Huyền kể lại chuyện đó.
Sau nửa năm thì ông Trịnh cũng bình phục phần nào nhưng sức khỏe không còn như trước. Ông tìm đến nhà Huyền, xin được đưa bà Phúc về nhà để nhà cửa đã trống vắng, quạnh quẽ. Mọi người ai cũng can ngăn nhưng bà Phúc thì đồng ý, bà bảo: “Thôi, đã đến cuối đời rồi, chẳng nên oán thán, thù hận gì nhau nữa, tôi vẫn là vợ danh chính ngôn thuận của ông ấy, tôi về chăm ông ấy cũng đúng thôi.”
3 năm sau ông Trịnh mất, chẳng ai ngờ căn nhà ông lại di chúc cho Huyền. Bảo biết chuyện thì quậy phá 1 trận lớn nhưng cũng phải bất lực vì giấy trắng mực đen đã rõ ràng. Huyền quyết định bán căn nhà đó đi rồi lấy 1 phần tiền đưa cho Bảo, đồng thời cắt đứt quan hệ luôn với người em trai cùng mẹ khác cha này.