Người ta nói đúng, con cái càng lớn, càng gần như không phải là con mình. Năm 10 tuổi, mẹ có thể là cả bầu trời của con. Nhưng tới năm con 20 tuổi thì bầu trời ấy của con lại chỉ còn là một khoảng trời bởi cuộc sống kia, rộng lớn hơn rất nhiều. Nó có quá nhiều thứ mới lạ buộc con phải tìm tòi, khám phá. Và những lúc ấy, con đã quên rằng, vẫn có mẹ đang đợi ở nhà.
Bố mất sớm, mẹ chẳng đi bước nữa mà ở vậy nuôi con. Con nhớ như in, đó là vào năm con lên 7, bố mất, không khí tang tóc trong nhà nặng nề vô cùng. Mẹ chỉ khóc có mấy ngày đưa tang bố còn sau đó, mẹ trở lại công việc luôn để chăm lo cho cuộc sống của con. Vì mẹ biết, giờ mẹ mà nghỉ ở nhà, con sẽ chẳng có cuộc sống no đủ. Khi ấy nhìn mẹ vất vả vì con, con thương mẹ nhiều lắm, lúc nào cũng chỉ muốn bên mẹ.
Vài năm sau, đoạn tang bố, người ta khuyên mẹ đi bước nữa vì trong nhà không có đàn ông cực lắm. Mẹ nhìn sang con, thấy khuôn mặt con phụng phịu, mẹ lắc đầu. Con nhớ, khi ấy có vài người đàn ông tìm đến với mẹ và họ rất tốt với con. Nhưng mẹ đã chọn con.
Vài năm sau nữa, con khi ấy đã 17 tuổi, con hiểu mình không thể ích kỉ, không nghĩ tới cảm giác của mẹ. Mẹ cũng sẽ có những lúc mệt mỏi, cô đơn, cần người chia sẻ mà không phải con. Con đồng ý để mẹ đi bước nữa nhưng mẹ lại không đồng ý. Mẹ nói, mẹ chỉ cần con. Con hiểu, đó là vì mẹ sợ con xấu hổ với bạn bè. Con đã tự dặn lòng cả đời này nhất định không được để mẹ buồn lòng. Nhưng…
(Ảnh minh họa)
Năm con 25 tuổi, con đã rời xa vòng tay mẹ để đến với cuộc sống bên ngoài và nó thực sự hấp dẫn ngoài sức tưởng tượng của con. Bất cứ thứ gì cũng có thể hấp dẫn con hơn nhưng lúc con ở nhà. Chợt điện thoại rung lên báo tin nhắn của mẹ: “Về ăn cơm con nhé! Mẹ chờ!”. Con đã định nhắn đồng ý nhưng kìa, lũ bạn đang réo gọi con vào những trò vui và con thấy nó thực sự cuốn hút, nếu bỏ qua, con sợ sẽ chẳng còn cơ hội quay lại. Trong khi bữa cơm của mẹ, con không ăn hôm nay thì ngày mai lại có. Và rồi con nhắn lại: “Mẹ ăn cơm đi, nay con bận rồi!”.
Con lại nở nụ cười quay lại những trò vui kia mà không biết rằng lúc đó ở nhà, mẹ lặng lẽ cất thức ăn vào tủ. Nhìn món ăn mà con thích nhất, mẹ cất công làm cả chiều, mẹ lặng lẽ lau nước mắt. 10 giờ đêm con về và mẹ vẫn đợi cửa.
-Từ mai mẹ không phải đợi con đâu. Con lớn rồi, chơi tự biết đường về mà.
Con giục mẹ đi ngủ rồi lên phòng mà chẳng quay lại nhìn ánh mắt mẹ buồn rười rượi. Con không về, sao mẹ ngủ yên tâm.
Cứ 7 giờ tối sẽ có tin nhắn của mẹ đến nhắc con về nhà ăn cơm. Nó giống cái đồng hồ sinh học báo thức con. Con bỗng thấy khó chịu với sự có mặt của nó. Và con đã soạn sẵn tin nhắn: “Hôm nay con bận, mẹ ăn cơm 1 mình nhé!”. Bữa tiệc kia có bao điều mới lạ và bữa cơm của mẹ, trở nên quá nhạt nhẽo với con. Con đâu có ngờ…
Lại là tin nhắn đến. Con định cầm lên đọc nhưng rồi con nhận ra chẳng cần phải đọc cũng biết đó là tin nhắn của mẹ và mẹ giục con về ăn cơm. Con cất điện thoại vào túi và mặc định con không trả lời, mẹ sẽ biết con bận và không nhắn lại.
(Ảnh minh họa)
1 tiếng sau…
Tự nhiên con thấy bữa tiệc nhạt nhẽo quá. Món ăn hôm nay chẳng hợp với con. Con chợt nhớ tới những món ăn dân dã của mẹ. Nhấc điện thoại ra con định gọi mẹ báo con sẽ về ăn cơm thì…
Tin nhắn ấy với nội dung kinh hãi đập vào mắt con: “Mẹ đau quá! Con về nhé!”. Mẹ làm sao chứ? 1 tiếng đồng hồ đã trôi qua rồi. Con lao như điên về nhà…
Bác sĩ đi ra, nhìn con lắc đầu:
-Bận gì thì bận, mẹ ốm cũng phải về chứ!
Con chào bác sĩ rồi lao nhanh lên phòng mẹ. Mẹ nằm đó, khuôn mặt xanh xao. Mẹ bị đau bao tử, là lỗi của con. Những ngày con không về ăn tối, mẹ thường nhịn. Mẹ không muốn ăn một mình. Mẹ nấu cơm là vì sợ con ăn uống không đủ chất, không có sức làm việc. Mẹ đau không gọi điện, chỉ dám nhắn tin vì sợ ảnh hưởng công việc của con. Mẹ vì con, vì con quá nhiều. Mà con thì…
Con khóc nức nở, quỳ bên giường mẹ xin lỗi. Mẹ lắc đầu mẹ vẫn khen con ngoan. Lòng con đau thắt lại. Con sai rồi! Con hứa từ giờ sẽ luôn ở bên mẹ, quan tâm mẹ, chăm sóc mẹ. Vì mẹ đã vì con, vì mẹ là cả bầu trời của con.