Bên trong phòng họp phụ huynh lớp 11 đầu năm của một trường THPT danh tiếng, cha mẹ các em học sinh xuất hiện với quần áo lịch sự, gương mặt "sáng loáng" và sang trọng. Mỗi người đều đã có một chỗ ngồi theo đúng với vị trí của con mình trên lớp.
Trong buổi họp phụ huynh, rất nhiều ánh mắt đã bất ngờ khi người đàn ông ăn mặc nhếch nhác bước vào
Theo đúng lịch, 8h00 cuộc họp sẽ được bắt đầu. Bất ngờ, một người đàn ông bước vào phòng. Ông có gương mặt khá khắc khổ, quần áo vấy bẩn với đất sét và đầy bụi bặm. Khi đi vào phòng, người đàn ông có lẽ do không để ý, ngồi ngay vị trí bàn đầu tiên.
Giáo viên chủ nhiệm đến và hỏi: "Xin lỗi, anh có chắc đây là chỗ dành cho mình chứ'?
Người đàn ông ngượng ngùng đáp lại: "Tôi là cha của cháu Hoàng. Tôi đến để họp phụ huynh".
Giáo viên chủ nhiệm yêu cầu người đàn ông đứng dậy, nhìn vào dòng tên được đặt trên ghế và nói: "Anh nên nhìn tên con mình trên ghế và ngồi đúng vị trí đó. Chỗ anh vừa ngồi là chỗ của mẹ em Lan, đã đăng ký với tôi trước".
Người đàn ông đáp lại: "Xin lỗi tôi đã không đọc nó. Tôi thực sự xin lỗi".
Nói xong, người đàn ông có vẻ khá xấu hổ, đi không vững để tìm chỗ của mình giữa tiếng cười của những vị phụ huynh khác trong phòng. Cuối cùng, một người tốt bụng cũng chỉ cho người đàn ông đúng chỗ của mình.
Khi cuộc họp phụ huynh tiến hành được một nửa thời lượng, hiệu trưởng cả ngôi trường bước vào. Ông nói về kinh nghiệm giáo dục con cái, để con có thể tự học ở nhà. Vị hiệu trưởng mời phụ huynh của học sinh có thành tích cao nhất lớp trong năm học vừa qua để chia sẻ kinh ngiệm dạy con. Và thật bất ngờ đó lại là người đàn ông nhếch nhác vừa bị cười nhạo trước đó không lâu.
Người đàn ông bước lên phía trước lớp với dáng vẻ khá hồi hộp, pha chút ngượng ngùng. Vị hiệu trưởng nói: "Tôi sẽ hỏi anh rất ngắn gọn thôi, anh dạy con như thế nào khi bản thân không biết chữ. Con anh có điểm số cao nhất lớp và cháu nói là do có cha bên cạnh dạy bảo"?.
Người đàn ông lúc này vẫn chưa hết run, đáp lời hiệu trưởng: "Thực sự tôi cũng chẳng biết phải khuyên gì vì tôi chẳng biết chữ. Tôi chỉ thích ngồi cạnh con và xem cháu làm bài tập về nhà. Tôi làm việc tại một công trường xây dựng, mỗi ngày đều rất bận rộn. Khi về đến nhà dù đã rất mệt mỏi nhưng tôi vẫn cố gắng ăn cơm hỏi han chuyện ở trường và ngồi xem cháu học. Con trai biết tôi không biết chữ và cháu cũng chẳng hỏi tôi về bài tập bao giờ. Thứ tôi có thể dạy cho con mình chỉ là những mẹo hay, cách sửa chữa đồ đạc và cách sống sao cho tốt.
Tôi cũng thường nói với con rằng, phải cố gắng học để không phải nghèo khổ và trải qua quá nhiều thử thách như cha. Việc học giỏi có thể không giúp con quá giàu có hay có cuộc sống sung túc nhưng nó có thể giúp con trải qua cuộc sống êm đềm và ít phải lo đến mưu sinh hơn.Và điều quan trọng nhất, tôi lúc nào cũng nói với cháu rằng phải sống thật tốt, nghèo khó đến mấy cũng phải sống tốt, không được làm điều gì trái với đạo đức. Thực tế, tôi phải cảm ơn tất cả bạn bè, thầy cô giáo của cháu ở trường. Những người đã giúp giáo dục con tôi". Nói xong, người đàn ông cúi đầu cảm ơn mọi người và đi xuống giữa những tràng pháo tay rất lớn trong phòng.
Cuối cùng, vị hiệu trưởng kết thúc cuộc trò chuyện với phụ huynh bằng một lời khuyên: "Đừng nghĩ rằng tiền hoặc vật chất có thể thay thế thời gian và tình thương yêu từ cha mẹ. Bởi vì những gì tốt nhất đứa trẻ nhận được khi còn nhỏ có lẽ chỉ là thời gian được cha mẹ chăm sóc mà thôi".