Con tôi đẹp, nên không ‘bán rẻ’ được
Hương không đẹp đến mức chim sa cá lặn nhưng cũng thuộc loại có nhan sắc, cả gương mặt lẫn thân hình đều làm người ta phải ngắm nghía, ngợi khen. Nhan sắc của Hương bộc lộ rất sớm nên từ hồi cô 12 tuổi, khi giáo viên phàn nàn về sức học hơi yếu của Hương, bà mẹ đã bảo: “Sau này nó hưởng lộc chồng, học giỏi mà làm gì”. Từ hồi đó, bà đã ấp ủ mơ ước con gái kiếm được tấm chồng giàu có nhờ nhan sắc, rồi báo hiếu cha mẹ.
Trong quan điểm của mẹ Hương, đàn ông giàu chỉ thích vợ đẹp và ngoan, ai mà thèm con gái có học nhiều lý sự. Hương học yếu cũng có cái hay, vả lại vợ chồng bà còn bận bươn chải kiếm ăn, không đủ thời gian cũng như tiền bạc đầu tư cho con học nhiều. Vì thế, hết lớp 12, Hương chỉ phụ mẹ bán quán nước chứ không học gì thêm. Quán nước nhờ Hương mà đông khách, các ứng cử viên cho chức rể tương lai cũng qua đó mà xuất hiện.
Biết bà muốn kén rể giàu, các chàng ít tiền chẳng ai dám bén mảng đến cưa Hương. Các chàng tự cho là mình có tiền thì cưa thẳng bà mẹ. Nhưng họ tự đánh giá mình hơi cao vì theo bà, chuyện “cháu sẽ lo cho em Hương một cuộc sống đủ đầy, sung sướng” là chưa đủ.
Bà tuyên bố: “Tôi chỉ có một đứa con gái để đỡ đần, giúp bố mẹ nuôi nấng các em. Mà con Hương nó hiếu thảo lắm, nó chỉ tâm niệm báo hiếu bố mẹ, lấy chồng phải chọn người nào coi bố mẹ vợ như bố mẹ mình. Không có chuyện bố mẹ chồng ở biệt thự mà bố mẹ vợ lại ở nhà cấp 4, em chồng đi ô tô mà em vợ đi xe đạp rách. Con tôi đẹp nên không bán rẻ được, người ta cười cho”.
Rồi thì các chàng trai cũng hiểu bà muốn anh con rể phải đủ giàu và hào phóng để mua nhà mới khang trang cho ông bà và bao bọc được các em. Thế là họ biến sạch. Các anh chàng cự phú được bà mồi chài, mời mọc thì chê Hương chẳng xinh đến mức đó, chưa kể lại còn học vấn thấp. Lời đó đến tai mẹ Hương, bà bĩu môi cong cớn bảo còn đầy hoàng tử con vua đến rước gái rượu nhà bà. Cứ thế, năm tháng trôi qua, Hương 29 tuổi vẫn chưa lấy chồng.
Cũng vài lần, Hương có cảm tình với một chàng nào đó, nhưng họ đều không qua được vòng “sát hạch” của bà mẹ. Đến khi tuổi 30 tuổi sát sau lưng, cô thấy cô đơn, buồn bực và lo lắng cho tương lai. Hương nói thẳng với mẹ rằng nếu bà cứ đòi hỏi trên trời để cô không lấy được chồng thì cô sẽ hận bà suốt đời, rằng cô đã đến tuổi ế rồi, bà đòi cao quá thì có ma nó lấy. Bà mẹ hứa sẽ hạ tiêu chuẩn xuống.
Rồi Hương cũng dẫn về một người đàn ông hơn cô 6 tuổi, nhà rất khá. Khi anh đặt vấn đề, mẹ Hương nhắc lại điều kiện bà đặt ra cho các chàng muốn làm rể trước đây, rồi bảo: “Nhưng vì rất quý con nên giờ bác không yêu cầu mua nhà mới, chỉ cần con hỗ trợ một ít cho hai bác sửa lại cái nhà này để hôm cưới trông nó khang trang, đẹp mặt với khách khứa là được”. Chàng rể tương lai không vui lắm nhưng cũng nhanh chóng đồng ý. Nhưng hóa ra “bà nhạc” nói chưa hết.
“Con Hương có 3 đứa em thì bác đã lo học hành nghề nghiệp được cho 2 đứa rồi, còn mỗi đứa út đang học lớp 8 thôi. Hai bác đã già rồi, giờ anh chị có trách nhiệm nuôi em nó ăn học, hết đại học thì lo xin việc cho nó. Bác chỉ cần thế thôi”. Bà nói chưa dứt, chàng "sắp là con rể" đã cười nhạt, bảo sẽ suy nghĩ và trả lời sau, rồi cuốn gói đi một mạch không hề liên lạc lại.
Con trai cũng ế vì bố mẹ
Không chỉ các cô gái mới phải chịu sống cảnh độc thân khi đã cứng tuổi do bố mẹ họ làm các “đối tượng tiềm năng” chạy mất dép. Nhiều chàng trai cũng “ế sưng” vì sự vô lý của phụ huynh. Tân là một ví dụ. Hễ anh dắt cô nào về, bà cũng nhìn kỹ con dâu như soi một món hàng, không chỉ lúc mới gặp mà trong tất cả mọi dịp tiếp xúc, nói chuyện… sau đó. Bà sợ bỏ sót một điều gì không hay ở cô con dâu tương lai, để sau này phải ân hận. Mẹ Tân cũng không ngừng nói cho cô gái biết con trai bà tuyệt vời như thế nào, vì vậy bà kỳ vọng ở con dâu một sự tương xứng ra sao.
Mẹ chồng soi con dâu là chuyện thường, vì thế nên dù có nhiều cô chạy mất, ít nhất cũng có 3 cô kiên trì vượt qua thử thách để ngấp nghé bến hôn nhân. Nhưng cả 3 cô đều không qua được vòng “chung khảo” của bà mẹ. Cứ sau lễ dạm ngõ, chuẩn bị ăn hỏi là mẹ Tân lại gọi nàng dâu tương lai đến tâm sự riêng, rồi cuối cùng hỏi cô còn trinh không.
Dù rất sốc, cô nào cũng nuốt giận khẳng định là còn. Bà bảo tốt quá, thế thì mai con chịu khó đến bệnh viện khám, xin bác sĩ cái giấy chứng nhận trinh tiết. Bị từ chối, bà nghiêm mặt khẳng định luôn nếu không có chứng nhận thì không làm con dâu bà được, cứ suy nghĩ kỹ đi. Và các cô rút lui cả. Tân có nổi xung lên với mẹ thì bà thủng thẳng: “Con phải cảm ơn mẹ mới đúng. Nó hư thân nên nghe thế mới bỏ chạy, chứ nếu còn thì đã hãnh diện mà khoe ra cái chứng nhận ấy rồi. Nhà này không bao giờ chứa loại con gái mất nết”.
Các cô còn trinh hay mất thì chẳng ai dám chắc, chỉ chắc một điều là giờ cả 3 cô đã chồng con đề huề, còn Tân vẫn chưa vợ.
Có những bà mẹ không can thiệp sâu vào chuyện chọn vợ của con, nhưng “uy danh” của bà lớn đến nỗi các cô gái không dám về làm dâu. Cường cũng có một bà mẹ như vậy. Hai anh trai Cường may đều lấy vợ trot lọt, nhưng cũng chính chuyện hôn nhân của họ là tấm gương dẫn đến sự ế ẩm của cậu út. Các cô gái sau một thời gian yêu đương với Cường, bắt đầu đến giai đoạn tìm hiểu sâu hơn về gia đình để tính chuyện hôn nhân thì đều kinh hãi khi biết hai người chị dâu của anh đều phát cơn tâm thần trước sự bạo hành tinh thần của mẹ anh.
Bà mẹ này đi đâu cũng thơn thớt nói về sự nhân hậu, độ lượng của mình với con dâu, nhưng sự thật thì xung quanh đó ai cũng biết cả, vì ngay với hàng xóm và chính anh em họ hàng mình, bà cũng tỏ ra cực kỳ ghê gớm mỗi khi có mâu thuẫn, chẳng ai dám dây vào bà. Các con dâu bà đều học hành tử tế, ăn ở biết điều. Nhưng ba năm sau khi về nhà bà, dâu cả phải nhập viện tâm thần, sau đó về nhà vẫn phải điều trị bằng thuốc rất lâu. Để cứu vợ, anh trai cả phải chuyển ra ở riêng.
Dâu hai về sau, nghe mẹ dỗ ngọt đồng ý sống chung, khi biết tại sao chị dâu phải ra riêng thì đã muộn. Sợ đi vào vết xe đổ đó, cô cố gắng không để những trò hành hạ tinh vi của mẹ chồng làm mình stress quá mức. Nhưng chỉ ít lâu sau, một buổi tối, người ta lại nghe tiếng cô rú lên, có người đứng ở cửa sổ tầng trên nhà mình nhìn xuống thấy cô nằm lăn ra sân ôm đầu gào thét, trong khi mẹ chồng cười nhạt đứng bên cạnh. Sáng hôm sau, bình tĩnh lại, dâu hai nhất quyết bảo chồng dọn ra ở riêng, chồng không đi thì cô sẵn sàng đi một mình.
Cường giờ 32 tuổi, yêu cũng nhiều nhưng chẳng lấy được vợ. Lúc rượu say bị mẹ cằn nhằn, anh nổi khủng vặc lại: “Kệ tôi. Tôi thế này cũng do mẹ hết. Sống phải để đức cho con cháu. Người ta thất đức thì sau khi họ chết, con cháu đời sau mới phải tội, còn mẹ thì làm chúng tôi chịu quả báo sớm thế này đây”. Thế là bà mẹ lại nhảy lên chửi mắng thằng con bất hiếu, cả nhà ầm ào cho đến khi Cường kiệt sức nằm vật ra ngủ.
Những chuyện như thế thỉnh thoảng vẫn lặp lại ở nhà Cường, bởi mẹ anh vẫn vậy.
Bạn đang có những tâm sự, vui, buồn… muốn chia sẻ những bức ảnh đẹp, gửi lời nhắn (một bài hát, lời yêu, một tấm thiệp chúc mừng hay những dòng thơ nhỏ…) tới những người thân yêu của mình. Hãy để Ngoisao.vn đồng hành và giúp bạn! Vui lòng gửi tới email:tamsu@ngoisao.vn. Chúng tôi sẽ thường xuyên cập nhật và đăng tải những điều mà bạn muốn chia sẻ! |