Trinh lấy chồng khi vừa mới tốt nghiệp đại học. Vì gia đình hai bên giục giã nên cô quyết định kết hôn khi chưa có công ăn việc làm ổn định. Cô cứ nghĩ lấy chồng xong rồi từ từ tìm việc cũng được. Nhưng sau thời kì trăng mật, cô đã dính bầu luôn nên chồng cô khuyên cô cứ ở nhà nghỉ ngơi rồi dưỡng thai, đợi khi nào con cứng cáp rồi hẵng đi làm. Một mình anh cố gắng cũng có thể đủ để trang trải cho hai vợ chồng. Nghe lời chồng nên Trinh cũng không có ý định đi tìm việc làm lúc bụng mang dạ chửa.
Bắt đầu từ đây cô đóng vai trò là người nội trợ chính trong gia đình nhà chồng. Tất cả các công việc trong nhà từ không tên đến có tên đều đến tay cô gái trẻ. Duy chỉ có việc đi chợ là mẹ chồng cô đảm nhiệm. Hàng tháng vợ chồng cô đóng góp tiền ăn cho bố mẹ chồng còn mẹ chồng cô là người quyết định việc “hôm nay ăn gì” trong nhà.
Dù vợ chồng Trinh đóng góp không phải quá ít nhưng mẹ chồng cô vẫn giữ thói quen tằn tiện, chi tiêu rất tiết kiệm. Bà đi chợ một ngày ăn cho 2, 3 ngày hôm sau nên đồ ăn không được tươi, nhiều thứ phải đun đi đun lại ăn trong nhiều ngày. Thức ăn thì bà yêu cầu Trinh phải nấu mặn để ăn dè với lại đó là thói quen ăn uống của nhà chồng cô từ trước đến nay.
Đến khi Trinh mang bầu những việc trong nhà cô vẫn phải làm, từ nội trợ, cơm nước, quét dọn, giặt giũ… mà không hề được mẹ chồng hỗ trợ. Những lúc cô mệt không ăn uống được gì cũng không nhận được lời hỏi han, quan tâm từ bố mẹ chồng. Thức ăn bà mua về cô ăn được thì ăn, không ăn được bà cũng mặc kệ. Chưa bao giờ bà có ý mua đồ gì ngon, đủ chất để tẩm bổ cho con dâu và cháu nội. Ngay đến cả một hộp sữa cũng không có.
Trinh cảm thấy tủi thân vô cùng, phụ nữ bầu bí thường hay nghĩ ngợi nhiều nên lắm lúc tủi thân cô ngồi khóc một mình. Cô cũng đâu yêu cầu cao siêu bố mẹ chồng phải chăm sóc hay cưng nựng gì con dâu mà đơn giản chỉ là lời hỏi han quan tâm bình thường. Có vẻ như bố mẹ chồng cô nghĩ chuyện cô lấy con trai họ có bầu sinh con là chuyện “bình thường ở huyện”, chả có gì đáng quan tâm. Đồ ăn trong nhà mẹ chồng cô vẫn mua như vậy chứ không mua nhiều thêm để con dâu tẩm bổ khiến Trinh chẳng ăn được, cô gầy đi trông thấy. Mẹ chồng cô lại bảo là do cô ốm nghén không ăn được chứ không phải do thức ăn bà mua. Trinh muốn mua thêm thức ăn để tẩm bổ cho con nhưng ngặt nỗi cô không đi làm, không có tiền, lương của chồng cô thì đã nộp cho mẹ chồng, phần còn lại anh giữ để chi tiêu, ăn trưa, quan hệ bạn bè nên cũng không có tiền đưa cho cô. Nhiều lần nhìn bữa cơm đạm bạc, lạnh ngắt mà cô không thể nuốt nổi, nước mắt lại chực trào ra, phần vì thương con, phần vì tủi phận mình. Cũng còn may may là thỉnh thoảng bố mẹ đẻ cô vẫn gửi tiền và đồ ăn bồi dưỡng cho con gái và cháu bé trong bụng.
Đến ngày sinh nở, Trinh đã hạ sinh được một bé gái khỏe mạnh nhưng chỉ nặng có 2kg9, nhỏ hơn một số em bé cùng sinh ra trong ngày hôm đó ở viện. Đến lúc này mẹ chồng lại chê ỉ chê ôi sao cháu bé thế, ăn bao nhiêu chỉ vào mẹ chẳng vào con, biết thế này thì mổ sớm ra ngoài nuôi có phải hơn không… khiến Trinh vừa sinh xong mà tủi thân không cầm được nước mắt.
Đến lúc được xuất viện về nhà, mẹ chồng cô cũng vẫn giọng trách móc cũ bảo con nhà ý nhà nọ đẻ ra toàn 3kg rưỡi, 4kg, bụ bẫm, kháu khỉnh, còn cháu mình thì bé như cái kẹo. Đến việc chăm sóc và cho con bú Trinh cũng không được quyền quyết định mà nhất nhất phải theo chỉ đạo của mẹ chồng, lúc nào bà cũng lên giọng chỉ đạo: con phải cho con ăn thế này, phải tắm cháu thế kia, tại sao lại để con khóc… Nêú không làm vừa ý bà, bà sẽ giằng lấy con bé mà giành quyền chăm cháu. Bà còn đòi bế cháu về giường ngủ với bà chứ không cho con ngủ với mẹ, lúc nào cháu khóc đòi ăn hay phải thay tã bà mới trả con lại cho Trinh.
Những lần cháu ốm, ho, sốt hay viêm phổi, bà đều mắng Trinh sa sả rồi đổ tại Trinh ngu si dốt nát nên mới không biết chăm con, không biết giữ ấm cho con bé để nó ốm. Nếu Trinh có ý kiến hay tỏ thái độ gì là bà gọi điện ngay cho bố mẹ đẻ Trinh nói xấu, kể tội con dâu khiến Trinh khổ tâm vô cùng. Cô nào muốn con ốm con đau, ông bà xót cháu, cô là mẹ chả nhẽ lại không xót con bằng ông bà. Lúc cô có bầu ông bà nào có quan tâm chăm sóc bồi bổ cho cháu, giờ con bé sinh ra thiếu chất, hay đau ốm thì ông bà lại xoắn xít tít mù hết cả lên. Nhưng mỗi lần cháu ốm như vậy thì tiền viện phí toàn ông bà ngoại lo, ông bà nội đến cái bỉm cũng không mua được cho cháu.
Mẹ chồng cô thì lúc nào cũng giữ rịt lấy cháu, hễ ai hỏi thì lại kể công bảo suốt ngày phải bế cháu, chứ con dâu vụng không biết chăm con, rồi lại than mệt kêu đau tay, đau vai.
Mỗi lần bố mẹ đẻ Trinh đến thăm con cháu, mẹ chồng cô lại nói con dâu chẳng ra gì khiến hai mẹ con cô chỉ biết ôm nhau khóc. Mẹ cô cũng bảo cô gắng chịu đựng, để đến khi đầy tháng cháu thì xin bố mẹ chồng cho về ở bên ngoại để ông bà tiện bề chăm sóc. Trinh vừa tủi thân, vừa đau lòng, nghĩ mà thương bố mẹ mình.
Vừa mới sinh xong mà đủ thứ phải suy nghĩ khiến Trinh trở nên trầm cảm, người gầy tọp đi còn có 42kg, còn gầy hơn hồi con gái. Cô cũng có nguy cơ bị mất sữa vì không có ngày nào là không khóc.
Chỉ buổi tối lúc chồng đi làm về là cô có thể tâm sự, chia sẻ với chồng. Nhưng chồng cô một phần vì công việc mệt mỏi, một phần vì rất nghe lời bố mẹ nên cũng ậm ừ cho qua, bảo cô cố gắng chịu nhịn, những gì mẹ anh bảo cô làm cũng chỉ là muốn tốt cho con, cho cháu. Vì chồng không có tiếng nói trong gia đình nên nhiều lúc ức chế, hai vợ chồng cũng xảy ra xích mích.
Mỗi lần thấy hai con to tiếng, khục khặc nhau là mẹ chồng lại ra ra vào vào tỉ tê dạy con trai phải thế này thế kia với vợ, không sau này nó cưỡi lên đầu lên cổ. Chồng nghe lời mẹ lại vâng vâng, dạ dạ. Những điều này Trinh đều biết cả nhưng cô không muốn nói, đành nuốt nước mắt vào trong. Cô đang nghĩ đợi con cứng cáp một chút cô sẽ tìm việc làm để nuôi thân và nuôi con, không phải sống cảnh phụ thuộc nhục nhã thế này nữa.
Một tháng dài đằng đẵng cũng đã qua, sau ngày đầy tháng con cô đã xin về nhà ngoại ở. Bố mẹ chồng dù không thích cũng vẫn để hai mẹ con cô đi. Ở nhà ngoại tinh thần cô cũng phấn chấn hơn nhiều. Nhưng cứ nghĩ đến việc lại phải quay về ngôi nhà đó là cô lại sợ, không muốn về.
Giờ cô muốn kiếm một công việc ổn định để nuôi con, nuôi thân. Cô cũng đã nghĩ đến việc ly hôn với chồng vì cô không thể sống tiếp ở nhà chồng nữa. Nhưng dọn ra ngoài thuê nhà ở thì vợ chồng cô không đủ tiền. Còn sang nhà ngoại ở thì chồng cô nhất định không ở. Đau đầu suy nghĩ, cô cảm thấy bế tắc quá. Nếu ly hôn, con cô còn thơ dại mà đã không có cha, sau này nó sẽ lớn lên và đối mặt với cuộc sống này như thế nào. Cô thương con lắm, mới sinh mà vì cô stress dẫn đến mất sữa không có sữa cho con bú, cô đã đau lòng lắm, giờ lại thêm chuyện này, cô không biết phải làm sao cho phải với con?